Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ bị quai bị: Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa hiệu quả



Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt chia sẻ, ở nước ta, bệnh quai bị vẫn còn khá phổ biến. Bất cứ ai cũng có khả năng mắc bệnh, nhất là trẻ em. Vì vậy, nếu có kiến thức và biết cách phòng tránh thì cha mẹ sẽ có thể giúp trẻ tránh được những biến chứng nguy hiểm về sau này.

 


Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học - Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

 

Bệnh quai bị là gì?

 

Quai bị còn có một tên gọi khác là bệnh má chàm bàm. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, được gây ra bởi virus Mumps (thuộc họ Paramyxoviridae).

Theo như thống kê thì trẻ em có nguy cơ mắc bệnh quai bị hơn cả, đặc biệt là ở trẻ từ 6-10 tuổi. Trẻ em thường dễ mắc bệnh vào mùa xuân, khi thời tiết dần chuyển lạnh.

 

Bệnh quai bị lây qua đường nào?

 

Con đường chủ yếu lây bệnh là thông qua hô hấp. Nếu tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng của người bệnh trong khi nói chuyện, ăn uống chung, ho hoặc hắt hơi thì rất dễ bị lây nhiễm.

Triệu chứng quai bị ở trẻ em

Nhìn chung, khi trẻ mắc bệnh quai bị sẽ có những dấu hiệu sau đây:

- Giai đoạn khởi phát:

Thời gian ủ bệnh của quai bị là từ 18-21 ngày. Sau đó, trong giai đoạn khởi phát, trẻ sẽ bị sốt 38-39 độ C, đau mỏi toàn thân, đau đầu, ăn ngủ kém.

- Giai đoạn toàn phát:

+ Vào thời gian này, sau khi sốt 24-48 giờ thì trẻ sẽ bị viêm tuyến nước bọt mang tai. Đây là triệu chứng hay gặp và dễ thấy nhất ở trẻ mắc quai bị. Ban đầu sẽ sưng một bên bạnh cằm dưới mang tai, bên kia sẽ sưng tiếp trong 1-2 ngày sau đó. Thông thường, hai bên sưng viêm sẽ không đối xứng, vùng da má bị sưng căng, bóng, ấn không lõm, sờ nóng, không đỏ, đau, nước bọt ít và quánh. Đa phần trẻ sẽ sưng cả hai bên, ít trường hợp chỉ sưng một bên.

+ Khi bị viêm tuyến nước bọt do quai bị sẽ bị đau ở 3 vị trí sau: góc thái dương-hàm, góc xương hàm dưới và điểm mỏm xương chũm.


- Giai đoạn lui bệnh

+ Sau khoảng 3-4 ngày phát bệnh, người bệnh sẽ hết sốt. Sau 8-10 ngày thì hết sưng tuyến nước bọt mang tai.

+ Nếu không bị biến chứng và có chế độ kiêng tốt, trẻ sẽ tự khỏi bệnh trong vòng 10 ngày. Tuyến nước bọt nếu có sưng cũng sẽ không hóa mủ, không bị teo (trừ khi kết hợp bội nhiễm vi khuẩn).

 

 

Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh quai bị. Ảnh minh họa

 

Biến chứng quai bị khác nhau ở bé trai và bé gái

Về bản chất, bệnh quai bị là lành tính, không có nguy hiểm đáng kể. Tuy nhiên, nếu trẻ không được điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể gặp một vài biến chứng như sau: viêm não, viêm màng não, viêm tụy cấp tính, viêm cơ tim, giảm bạch cầu...

Mặc dù khả năng xảy ra các biến chứng này thấp nhưng cũng vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Đặc biệt đối với những trẻ em có sức đề kháng yếu thì rất cần phải cảnh giác.

Ngoài ra một điều cần thiết phải lưu ý là virus quai bị còn có thể gây tổn thương, viêm tinh hoàn ở bé trai và gây viêm buồng trứng đối với bé gái.

- Viêm tinh hoàn do quai bị ở bé trai:

Có 20 % bé trai bị viêm tinh hoàn khi mắc bệnh quai bị ở lứa tuổi dậy thì và 0,5 % trường hợp có nguy cơ teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh về sau. Các triệu chứng của viêm tinh hoàn thường xuất hiện sau từ 5-7 ngày bị viêm tuyến nước bọt.

Một vài dấu hiệu của trẻ bị viêm tinh hoàn như sau:

+ Trẻ sốt trở lại, thân nhiệt có lúc còn tăng hơn lúc ban đầu sốt do viêm tuyến nước bọt.

+ Tinh hoàn sưng to, đau, nhìn vào thấy da bìu phù nề rõ rệt, da căng, bóng, đỏ.

+ Thường viêm tinh hoàn sẽ xảy ra ở một bên, ít gặp viêm tinh hoàn cả 2 bên.

+ Ở những trường hợp nặng, có thể bị thêm viêm thừng tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn hoặc tràn dịch tinh hoàn.

+ Viêm tinh hoàn sẽ hết sốt sau 3-5 ngày, hết sưng và đau sau 3-4 tuần. Độ sưng và đau sẽ giảm dần. 50% số tinh hoàn bị teo,teo tinh hoàn có thể dẫn tới không có tinh trùng sau quai bị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh sản.

Bé trai bị viêm tinh hoàn do quai bị có khả năng gây teo tinh hoàn. Phải theo dõi trong khoảng thời gian vài tháng mới có thể khẳng định chắc chắn về biến chứng này. Mặc dù tỷ lệ xảy ra tương đối thấp nhưng cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ về sau.

- Viêm buồng trứng do quai bị ở bé gái:

Đối với các bé gái, sẽ có khoảng 7 % trường hợp mắc viêm buồng trứng do quai bị. Ngoài ra, nữ giới bị viêm buồng trứng cũng hiếm khi dẫn đến vô sinh.

 

Chăm sóc trẻ bị quai bị

 

Trước tiên, khi trẻ có dấu hiện dù là nhẹ của bệnh thì cũng cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ đưa ra những chẩn đoán bệnh chính xác nhất. Ngoài ra, cha mẹ cần phải lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc quai bị như sau:

- Để trẻ ở trong không gian riêng khoảng 2 tuần, cách ly với người khác để tránh tiếp tục lây cho những người xung quanh.

- Nếu trẻ đau và sốt, có thể cho trẻ dùng thuốc. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ.

- Dùng khăn ấm lau qua người để giúp trẻ hạ thân nhiệt.

- Vì quai bị khiến cho má trẻ bị sưng đau nên cho trẻ ăn những món dễ nuốt như cháo, súp...và có thể ăn bằng ống hút.

- Cần cho trẻ uống nhiều nước. Đặc biệt bổ sung thêm cho trẻ các loại nước chứa nhiều chất dinh dưỡng như sữa, nước ép hoa quả...để bù vào lượng nước hao hụt trong cơ thể. Để trẻ không bị khô miệng, cha mẹ nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý.

- Tuyệt đối không được đắp lá cây, bôi vôi vào vùng sưng vì có thể gây phỏng.

- Luôn luôn theo dõi các biểu hiện trong quá trình trẻ bị bệnh để đưa đi thăm khám và xử lý kịp thời.

 

 

Khi mắc quai bị, trẻ sẽ bị sưng viêm tuyến nước bọt mang tai. Ảnh minh họa

 

Trẻ mắc quai bị kiêng gì?


Đây là điều được các bậc cha mẹ rất quan tâm khi có con bị bệnh. Sau đây là một vài điều cần tránh để trẻ có thể nhanh chóng khỏi bệnh và không bị biến chứng về sau này:

- Hạn chế ra gió và không tắm nước lạnh trong thời gian mắc bệnh vì sẽ làm vùng quai bị sưng to và đau hơn.

- Hạn chế cho trẻ nô đùa, chạy nhảy hoặc vận động mạnh vì có thể dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn.

- Tránh ăn các đồ ăn chua, các món từ nếp hoặc những đồ ăn khó tiêu hóa.

- Không được tự ý sử dụng thuốc, cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cách phòng bệnh quai bị cho trẻ

Hiện nay, tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các cơ quan y tế đều khuyến cáo đưa vaccin quai bị vào chương trình tiêm chủng để phòng chống bệnh. Vắc xin quai bị là loại kết hợp cùng lúc 3 bệnh: quai bị, sởi, rubella có tên gọi là MMR. Đây là loại vắc xin an toàn, không gây sốt, tạo kháng thể cao, có thể bảo vệ 75-95% trường hợp tiếp xúc và miễn dịch ít nhất là 17 năm.

Việc tiêm vắc xin sẽ tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh quai bị cũng như sởi và rubella cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến 10 tuổi. Mũi tiêm thứ hai có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trước khi trẻ 6 tuổi.

Ngoài cách cho trẻ đi tiêm vắc xin để phòng bệnh một cách hiệu quả thì cha mẹ cũng có thể áp dụng thêm một số biện pháp sau đây:

- Cho trẻ vệ sinh cá nhân thường xuyên, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc các dung dịch kháng khuẩn khác.

- Đảm bảo môi trường sống của trẻ phải sạch sẽ, thoáng mát. Đồ chơi, vật dụng sinh hoạt của trẻ cũng cần được vệ sinh thường xuyên

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh.

- Khi đi đến những nơi đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện thì nên đeo khẩu trang cho trẻ.

- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết vào trong khẩu phần ăn.


Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt - Bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn Hà Nội (Khám phá)