Trẻ bị sốt virus không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng.
Sốt virus là bệnh trẻ thường rất dễ mắc phải, nhất là khi thời tiết giao mùa hoặc trời trở lạnh hơn.
Sốt virus là gì?
Sốt virus do virus kí sinh trong đường hô hấp và đường tiêu hoá gây ra. Sau khi thâm nhập vào cơ thể bé, virus sẽ phát triển và gây bệnh trong điều kiện thuận lợi.
Sốt virus có một số triệu chứng giống với viêm não và viêm não Nhật Bản. Vì vậy khi bé có các triệu chứng bị bệnh bố mẹ nên cho bé đến bệnh viện khám chữa.
Sốt virus không có thuốc đặc trị mà chỉ điều trị bằng cách tăng cường sức đề kháng của bé để chống lại việc bé bị co giật hoặc sốc.
Sốt virus dễ gây thành dịch nên trẻ dễ bị nhiễm bệnh (Ảnh minh họa: vtv.vn)
Nguyên nhân gây sốt virus ở trẻ nhỏ
Sốt virus chủ yếu do các loại virus sống kí sinh trong đường hô hấp và hệ tiêu hóa gây ra. Một số loại virus gây bệnh phổ biến là sởi, entero virus, coxakie, myxo virus…
Virus có thể lây từ người này qua người khác một cách nhanh chóng và dễ dàng. Bệnh dễ bùng phát thành dịch.
Do sức đề kháng của trẻ em còn non kém nên rất dễ bị nhiễm virus do tiếp xúc với người bệnh. Sau khoảng 16 đến 48 giờ bị nhiễm virus, bé sẽ có những triệu chứng bị bệnh đầu tiên. Bệnh có thể diễn biến rất nhanh và sẽ đỡ dần sau 5-7 ngày điều trị.
Triệu chứng của sốt virus
- Sốt cao: Thân nhiệt nóng, sốt cao với cảm giác khi nóng, khi lạnh, sốt cùng hiện tượng co giật, nhiệt độ có thể cao trên 38,5 độ C hoặc cao hơn từ 40-41 độ C.
- Đau đầu: Cảm giác mệt mỏi, thường có dấu hiệu đau đầu, nhức đầu dữ dội, các hiện tượng choáng váng đầu óc, ngoài ra còn kèm theo các cảm giác đau nhức toàn thân, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, nặng nề.
- Các biểu hiện liên quan tới đường hô hấp: Viêm họng, họng đỏ, có thể sưng tấy, ho, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục.
- Nôn: Có thể xảy ra sau những bữa ăn, ngoài ra còn có thể biểu hiện của nôn khan.
- Khát nước: Cảm giác thèm nước dù uống nước liên tục, miệng đắng, kèm theo cảm giác chán ăn.
- Viêm hạch: Do bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp, có thể xuất hiện các hạch vùng đầu, cổ, có thể nhìn hoặc sờ thấy được.
- Phát ban: Xuất hiện 2 hoặc 3 ngày sau khi sốt, trên da nổi những nốt ban nhỏ li ti.
- Rối loạn đường tiêu hóa: Có thể đi ngoài phân lỏng, nhầy.
Thông thường, trẻ bị sốt virus có thể khỏi sau 5 - 7 ngày điều trị. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
Viêm phổi: Đây là biến chứng nặng thường gặp, có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm.
Viêm tiểu phế quản: Hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đây cũng là biến chứng rất nặng có thể xảy ra với trẻ nhỏ.
Viêm thanh quản: Khi thanh quản bị sưng phù có thể khiến trẻ bị khó thở, thở rít.
Viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim: Sau khi hết sốt mà trẻ vẫn mệt, lịm đi, không chơi nghịch, không ăn được thì bố mẹ cần cẩn thận.
Đáng ngại nhất là bệnh có thể gây ra những biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và có thể mang di chứng nặng nề.
Cách phòng ngừa sốt virus ở trẻ em
- Chú ý vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát để ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân có hại.
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tránh để trẻ cho đồ chơi vào miệng.
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ.
- Sốt virus là bệnh dễ lây, nhất là trong gia đình và trường học nên người bị bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ em.
- Khi trẻ bị sốt virus, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây virus cho trẻ khác.
- Những người xung quanh nên phòng bệnh sốt virus bằng cách nhỏ nước muối miệng và mũi, ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Trẻ bị sốt virus nên ăn gì?
- Bù sữa cho trẻ nếu trẻ kém ăn bột hoặc cháo.
- Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần.
- Đặc biệt cho bé ăn nhiều rau củ quả để tăng cường sức đề kháng.
- Bên cạnh mối quan tâm trẻ bị sốt virus nên ăn gì, các mẹ nên chú ý một số thực phẩm cần kiêng kị như: trứng, nước đá lạnh, đồ cay nóng, thức ăn khó tiêu…
Nguồn https://giaoduc.net.vn
|