Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mang thai tháng thứ 3: Tam cá nguyệt đầu tiên đã kết thúc



Tháng thứ 3 trong giai đoạn 10 tháng thai kỳ đã kết thúc - những điều bỡ ngỡ cũng như đôi chút khó khăn trong 3 tháng đầu tiên mang thai mẹ và bé đã vượt qua rồi. Mẹ hãy cùng tổng kết lại các mốc phát triển theo từng tuần ở tháng thứ 3 này để an tâm bước vào các giai đoạn phát triển tiếp theo của bé nhé!

 

Mang thai tuần 9: Em bé không còn là phôi thai mà đã chính thức là một thai nhi

Ở tuần mang thai thứ 9, em bé đã không còn là phôi thai đơn thuần nữa mà đã phát triển thành bào thai - chính xác là một cơ thể đang sống, đang dần hoàn thiện các chức năng để chờ ngày chào đón thế giới! Cơ thể bé vẫn đang hơi lệch với phần đầu chiếm lấy ½ chiều dài cơ thể nhưng mẹ yên tâm rằng bé sẽ còn thay đổi rất nhiều nhé. Khuôn mặt bé đã có miệng, mũi, và lỗ mũi đầy đủ. Ngón tay và ngón chân đã tách hẳn ra thành từng ngón riêng biệt. Bên cạnh đó nhờ cơ bắp đã phát triển nên bé có thể thực hiện một số cử động đầu tiên trong tuần thai thứ 9 nhưng mẹ vẫn chưa cảm nhận được vì vẫn còn rất nhẹ.

 


Bé yêu ở tuần thai thứ 9 có kích cỡ gần như một quả ô liu.


Đến tuần thứ 9 này các cơ quan sinh sản (tinh hoàn hoặc buồng trứng) cũng sẽ bắt đầu hình thành. Tim của bé đã hoàn thành nhiệm vụ chia thành 4 ngăn, van tim bắt đầu xuất hiện. Nhau thai đã phát triển đủ để đảm nhận phần lớn công việc quan trọng là sản sinh ra hormone. Thêm một điểm phát triển thú vị nữa của bé yêu là những chồi răng nhỏ bắt đầu xuất hiện dưới nướu và một số xương cũng dần cứng lại.

Thay đổi ở mẹ: Ở tuần thứ 9, một số dấu hiệu mang thai có thể trở nên dữ dội nhất trước khi chúng sẽ biến mất dần dần ở các tuần tiếp theo. Tuyến sữa phát triển khiến ngực dần lớn và đậm màu hơn. Tử cung mở rộng và lượng máu dồn về khu vực xương chậu nhiều hơn khiến bạn phải liên tục ra vào nhà vệ sinh. Ngoài ra nếu bạn bị chảy máu vào tuần thai thứ 9 này, bạn nên biết rằng việc chảy máu âm đạo có thể xảy ra trong ba tháng thai kỳ đầu tiên và không nhất thiết là một hiện tượng đáng báo động. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của có thai ngoài tử cung hoặc sẩy thai. Vì vậy, hãy đi khám bác sĩ ngay nếu phát hiện ra mình bị chảy máu mẹ nhé!

Mang thai tuần 10: Cảm giác buồn nôn và mệt mỏi sẽ dần biến mất

Mang thai tuần thứ 10 em bé của bạn đã hoàn chỉnh mí mắt, lông mi và mắt bé sẽ nhắm đến tận tuần thai thứ 27. Lông mi sẽ phủ đầy đôi mắt bé, nhờ vậy mắt bé được bảo vệ an toàn. Thận, ruột, não và gan đang bắt đầu hoạt động theo đúng chức năng của chúng. Ruột bé bắt đầu thực hành các hoạt động co giãn nhằm giúp bé tiêu hoá tốt sau khi bé được sinh ra. Thêm một điều thú vị nữa trong tuần này bé yêu của bạn có thể mút ngón tay cái - thói quen này có thể sẽ theo bé đến mấy tháng sau khi chào đời. Ở tuần này, bé yêu có kích cỡ như một quả quất: dài tầm 2.54cm và nặng khoảng 7gram và có những sự phát triển đầy đủ gần như một con người tí hon.

 


Hình ảnh siêu âm phóng to cơ thể em bé trong tuần thứ 10 mang thai.

 

Thay đổi ở mẹ: Bước qua tuần 9 với lượng hormone thai kỳ đạt đến đỉnh điểm, sang tuần 10 này mọi cảm giác ốm nghén mệt mỏi sẽ dần giảm và biến mất, mẹ sẽ cảm thấy tràn đầy sinh lực hơn để chuẩn bị chào đón con yêu. Nhưng không phải vì thế mà tất cả các dấu hiệu mang thai đều đột ngột biến mất đâu mẹ nhé! Bạn sẽ có cảm giác đau ở vùng lưng hông, đây chính là đau dây chằng - hoàn toàn không phải một dấu hiệu nguy hiểm bạn nhé. Đơn giản là ở thời điểm này tử cung của mẹ đang giãn ra (trước tuần mang thai thứ 10 thì tử cung có kích thước như một quả lê nhỏ thì trong tuần này, nó sẽ to như quả bưởi) cho phù hợp với tốc độ phát triển của em bé. Máu dồn về âm đạo cộng với nồng độ estrogen tăng có thể dẫn tới việc âm đạo ra nhiều khí hư. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể giúp "tống khứ" vi khuẩn. Trong trường hợp khí hư dính máu, có màu, mùi hôi, gây khó chịu thì bạn hãy đi khám.

Mang thai tuần 11: Em bé của bạn đang khá bận rộn với việc đá, co giãn đôi chân

Thai nhi ở tuần thai thứ 11 này như một vũ công ballet với những chuyển động nhẹ nhàng, uyển chuyển như đá, co giãn đôi chân. Điểm quan trọng trong sự phát triển của thai nhi tuần này là các tế bào thần kinh được nhân lên rất nhanh theo cấp số nhân. Đi theo đó là các khớp thần kinh kết nối các dây thần kinh trong não cũng được hình thành. Bé bắt đầu có nhiều phản xạ hơn. Bên cạnh đó cơ quan sinh sản của bé cũng đang phát triển nhanh chóng nhưng bộ phận sinh dục bên ngoài của bé vẫn chưa rõ ràng cho đến hết tuần thai thứ 11. Em bé của bạn sẽ được phân biệt rõ ràng là bé trai hay gái từ tuần thai thứ 14 trở về sau.

 


Cơ thể mẹ ở tuần mang thai thứ 11 vẫn chưa quá nặng nề.


Thay đổi ở mẹ: Ở tuần thai thứ 11 này, tử cung của bạn đạt kích thước của một quả bưởi. Có thể bạn đã hơi ra dáng một bà bầu với chiếc bụng đã to lên và vùng da quanh rốn sẫm màu hơn kèm theo đường sọc nâu đậm hơn mỗi tuần. Trong giai đoạn thai kỳ bạn rất dễ gặp các vấn đề liên quan đến đường ruột, tiêu hóa như đầy hơi chướng bụng. Hãy chia nhỏ các bữa ăn, tránh các món dễ gây đầy bụng như các món chiên rán, đồ ăn nhanh... Bên cạnh đó một vấn đề không kém phiền toái cho các mẹ là táo bón do hormone làm chậm tiêu hóa và ợ nóng do hormone làm giãn van giữa dạ dày và thực quản của mẹ.

Mang thai tuần 12: Các ngón tay của bé đã có phản xạ đóng, mở linh hoạt

Mẹ hãy yên tâm rằng bé yêu vẫn đang phát triển vượt bậc trong bụng mẹ đấy. Thai nhi 12 tuần gần như đã phát triển hết những cơ quan và bộ phận quan trọng, kể từ giờ trở đi bé sẽ chỉ hấp thụ chất dinh dưỡng để cơ thể lớn và hoàn chỉnh hơn thôi. Ở tuần này bé đã được khoảng 5cm và nặng khoảng 14gram, gần như kích cỡ một quả chanh. Ngón tay của bé sẽ sớm mở ra, nắm vào, ngón chân có thể cuộn lại... Chẳng mấy chốc mà mẹ sẽ được cầm nắm đôi tay, đôi chân nhỏ xinh đấy rồi! Mắt bé dù chưa mở nhưng đã có thể nheo nheo nhờ các cơ ở mắt, miệng có cử động mút rất đáng yêu. Ruột em bé bắt đầu di chuyển vào bên trong ổ bụng, thận đã bắt đầu hoạt động nên sau khi hấp thụ chất dinh dưỡng từ nước ối, cơ thể bé có thể lọc và đào thải những chất dư thừa dưới dạng nước tiểu.

 


Siêu âm và xét nghiệm là những việc quan trọng mẹ cần làm trong tuần thai thứ 12 này.


Thay đổi ở mẹ: May mắn rằng thời điểm tuần 12 này sự gia tăng của hormone thai kỳ đã dần ổn định nên triệu chứng ốm nghén giảm dần và biến mất. Tuy nhiên lại có một tin không vui lắm cho mẹ rằng hiện tượng đau đầu và hoa mắt, chóng mặt lại xuất hiện trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, mẹ cũng sẽ thấy có hiện tượng khí hư và ra máu. Việc khí hư ra nhiều thực tế là có mục đích quan trọng nhằm bảo vệ âm đạo của bạn khỏi nhiễm khuẩn. Nhưng mẹ hãy lưu ý rằng nếu ở tuần thai thứ 12 này mà khí hư có màu vàng, xanh lá, hồng hoặc nâu thì mẹ hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức, những màu sắc lạ thường này có thể là dấu hiệu cảnh báo việc bị nhiễm khuẩn hoặc sinh non. Còn đối việc ra máu có thể là do cổ tử cung khi mang bầu nhạy cảm hơn bình thường, việc quan hệ cũng có thể gây chảy máu. Nếu bạn ra máu nhiều hoặc kèm theo đau bụng thì phải đi khám gấp.

Những điều cần lưu ý khi mang thai tháng thứ 3

Mang thai tháng thứ 3 này mẹ sẽ có một mốc khám thai quan trọng, thường sẽ vào tuần thứ 11-12 của tháng. Ở lần khám thai này mẹ sẽ được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, siêu âm và làm một số xét nghiệm để đảm bảo mẹ và bé có sức khỏe tốt nhất. Quan trọng nhất chính là xét nghiệm Double test kèm với siêu âm đo độ mờ da gáy thai nhi để giúp sàng lọc nguy cơ bị dị tật bẩm sinh của thai.

 


Mang thai tháng thứ 3 mẹ đừng quên lịch khám thai và xét nghiệm quan trọng nhé!

 

Về chế độ dinh dưỡng: Mẹ vẫn nên chú ý ăn cân bằng các nhóm chất, quan trọng chất lượng của thực phẩm hơn là số lượng, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn để việc tiêu hóa tốt hơn. 3 tháng đầu tiên có thể mẹ không tăng cân do ốm nghén nhưng sang đến các tháng sau mẹ nên có một lộ trình tăng cân hợp lý để đảm bảo đủ sức khỏe, dinh dưỡng cho thai nhi cũng như mẹ không bị béo phì. Thông thường mẹ nên tăng dưới 15kg là tốt nhất. Ngoài ra mẹ nên tránh các thực phẩm có hại như hải sản có hàm lượng thủy ngân cao, thực phẩm sống chưa chín kỹ, các đồ uống có cồn hay nồng độ caffein cao...

 


Lưu ý những thực phẩm, đồ uống có hại cho mẹ và bé ở giai đoạn mang thai.


Mẹ nên tranh thủ thư giãn bất cứ khi nào có thể, nhưng không vì thế mà quá lười vận động mẹ nhé! Vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga... theo sở thích sẽ vừa giúp mẹ thư giãn mà lại tăng cường sức khỏe. Mẹ hãy lưu ý rằng mẹ bị cúm hay mệt mỏi quá sức cũng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên không nên chủ quan đâu nhé! Nếu trong trường hợp bị vấn đề về sức khỏe mẹ tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ.

Một điều khá tế nhị ở tháng thứ 3 này là việc quan hệ với chồng. Theo các nghiên cứu của các chuyên gia thì chuyện "yêu" hoàn toàn không gây hại cho em bé. Tuy nhiên ở thời điểm mang thai phụ nữ sẽ nhạy cảm hơn rất nhiều nên mẹ hãy dựa theo cảm xúc của mình chứ không cần phải quá kiêng khem hay không thoải mái nhé!

 

Tháng thứ 3 mang thai đã kết thúc và mẹ cũng đã có thêm rất nhiều kinh nghiệm mang thai rồi đấy. 3 tháng tiếp theo hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ 2 chính là giai đoạn "honey moon" thai kỳ nên chắc hẳn mẹ sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Hãy cùng chuẩn bị để bước tiếp cùng bé yêu của mình mẹ nhé!

 

Nguồn Helino