Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách giúp trẻ loại bỏ cảm xúc đố kỵ


 

Không so sánh với người khác, dạy trẻ tầm quan trọng của việc sẻ chia sẽ giúp cha mẹ loại bỏ cảm xúc đố kỵ ở con mình.

 

Đố kỵ là cảm xúc xuất hiện âm thầm, nảy sinh khi trẻ nhìn thấy người khác có điều gì hơn mình. Trang Mom Junction gợi ý một số cách giúp giảm bớt hoặc loại bỏ cảm xúc đố kỵ ở trẻ.

 

Lắng nghe trẻ

 

Trong hầu hết trường hợp, sự ghen tuông và đố kỵ bắt nguồn từ sâu bên trong và không dễ nói ra. Để giải quyết, cha mẹ phải khuyến khích trẻ nói và lắng nghe. Hãy nói chuyện với trẻ để biết vì sao chúng ghen tị với người khác. Rất có thể con bạn có sự tự tin thấp hơn và không chắc chắn về khả năng của mình.

 

Biến đố kỵ thành động lực

 

Giúp trẻ tạo ra động lực tích cực là cách tuyệt vời nhất loại bỏ cảm xúc đố kỵ. Chẳng hạn, nếu bạn của trẻ đạt điểm cao, hãy khuyến khích và động viên con cố gắng học tập để có kết quả tốt. Khi đã nỗ lực học tập, trẻ sẽ không còn tập trung vào việc phải vượt qua người khác và có mục đích học tập đúng đắn.

 

Dạy trẻ tầm quan trọng của việc sẻ chia

 

Trẻ em có xu hướng ác cảm với những đứa trẻ khác mà không cần một lý do cụ thể. Trong trường hợp đó, hãy dạy trẻ tầm quan trọng của việc sẻ chia, thấu hiểu. Hãy kể cho con câu chuyện về những đứa trẻ thiếu thốn hoặc vô gia cư, để trẻ cảm thấy những gì mình đang có là niềm mơ ước của nhiều người. Điều này sẽ giúp trẻ vượt qua cảm giác bất an, sợ thua kém và sống giàu tình thương hơn.

 

Không so sánh trẻ với người khác

 

Việc so sánh trẻ với người khác về thành tích học tập, năng khiếu âm nhạc hay thể thao không giúp con bạn chăm chỉ hay có động lực hơn. Trái lại, việc làm này chỉ làm tăng sự phẫn nộ và đố kỵ trong trẻ, đồng thời làm trẻ cảm thấy mình trở nên vô dụng và tổn thương.

 

Khuyến khích những năng lực độc đáo ở trẻ

 

Mọi đứa trẻ đều muốn nghe cha mẹ nói về những điểm mạnh của mình. Có thể con bạn học Toán không tốt, nhưng lại chơi sudoku rất giỏi; có thể con không biết chơi bóng đá, nhưng lại vẽ rất đẹp. Cha mẹ cần khám phá năng lực và thế mạnh của con, khuyến khích nuôi dưỡng và phát huy khả năng đó để trẻ tự tin vào mình, không cảm thấy thua kém với những đứa trẻ khác.

 

Dạy trẻ cách hợp tác

 

Nếu con bạn đố kỵ với một đứa trẻ khác, cha mẹ hãy tạo cơ hội để chúng có thể hợp tác với nhau cùng hoàn thành một nhiệm vụ. Có thể khi bạn nói đến việc này, trẻ sẽ không thích và không chịu hợp tác. Nhiệm vụ của bạn là giúp con cảm thấy người bạn kia không đáng ghét như vậy.

 

Tạo ra khoảnh khắc chia sẻ, hợp tác và giúp đỡ nhau giữa những đứa trẻ sẽ giúp chúng có thể chơi đùa, xóa tan cảm giác đố kỵ từng tồn tại.

 

Nguồn Vnexpress