Những câu nói giúp kiểm soát cơn tức giận của trẻ
“Bố mẹ yêu con, nhưng sẽ không nhượng bộ", hay “Những gì con làm không thể chấp nhận" giúp trẻ hiểu sẽ không đạt điều mong muốn nếu tức giận.
Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, tức giận là giai đoạn phát triển bình thường của trẻ nhằm giúp chúng đánh giá giới hạn của bản thân, học cách thể hiện sự thất vọng. Nói cách khác, nếu có con nhỏ, phụ huynh sẽ bắt gặp những phản ứng tiêu cực như cáu giận, la hét ở trẻ.
Tuy nhiên, bạn hãy nhìn vào mặt tích cực, cáu giận sẽ là cơ hội tuyệt vời giúp trẻ học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Chìa khóa của mỗi cha mẹ là giữ bình tĩnh trong những tình huống này vì nếu không sẽ vô tình làm khuếch đại cảm xúc của trẻ. Khi kiểm soát được bản thân, cha mẹ sẽ biết cách lựa chọn ngôn từ phù hợp để cùng trẻ vượt qua cơn giận.
Sau thời gian nghiên cứu Chương trình phân tích hành vi, tiến sĩ Dacia M. McCoy (Đại học Cincinnati, Ohio, Mỹ) đưa ra 22 câu nói dành cho cha mẹ nhằm kiểm soát cơn giận của trẻ. Hãy nhớ rằng, tức giận phụ thuộc vào những đứa trẻ có tính cách khác nhau, những tình huống khác nhau nên cần thử qua nhiều câu nói để tìm cụm từ phù hợp. Và không từ ngữ nào có thể ngay lập tức dập tắt cơn giận, hãy sử dụng ngôn từ kết hợp cho trẻ thời gian để bình ổn tâm trạng.
1. "Con muốn cái này hay cái kia?"
Cha mẹ hãy hỏi trẻ sự lựa chọn có thể giúp chúng kiểm soát cơn giận dữ. Ví dụ, nếu bạn không muốn cho con ăn món gà rán, hãy hỏi chúng thích bánh quy hay kem hơn.
2. "Con đừng la hét"
Nói chính xác những điều bạn muốn con thực hiện bằng ít từ nhất có thể. Bằng cách đó, trẻ sẽ tiếp nhận trực tiếp mệnh lệnh, không bị nhầm lẫn, xao nhãng bởi những cụm từ thừa thãi.
3. "Những gì con đang làm không thể chấp nhận được"
Nếu trẻ tức giận vì mọi việc không đi theo đúng ý muốn, hãy sử dụng tuyên bố rõ ràng như thế này để chấm dứt hành vi của trẻ. Trẻ cần hiểu đây không phải lúc để hành động theo ý mình.
4. "Bố/ mẹ yêu con nhưng sẽ không nhượng bộ"
Câu nói này giúp trẻ hiểu rằng hành vi xấu không làm thay đổi tình yêu bố mẹ dành cho trẻ, nhưng cũng không mang lại kết quả như chúng hy vọng.
5. "Có cái gì đằng kia kìa"
Thử đánh lạc hướng khi con đang chú ý vào điều khiến chúng tức giận. Bạn có thể chỉ cho con cảnh vật khác hoặc sử dụng những câu đùa để chuyển hướng sự chú ý của trẻ.
6. "Chúng ta hãy làm việc khác nào"
Câu nói này chuyển hướng sự chú ý của trẻ khỏi những thứ khiến chúng khó chịu. Ví dụ đang ở công viên, con tức giận vì không được mua kem, bạn hãy cho con chơi trò xích đu, bập bênh... để quên đi cảm xúc tiêu cực.
7. "Đến lúc phải đi rồi"
Câu nói này cho trẻ thấy bạn không còn quan tâm đến tình huống hiện tại và cơn tức giận của trẻ hoàn toàn chìm vào quá khứ. Ví dụ, con cáu giận khi đang ở bữa tiệc hoặc hiệu sách, hãy dắt con ra khỏi đó, chờ bình tĩnh rồi mới quay trở lại.
8. "Nếu con không dừng lại, bố/ mẹ sẽ..."
Nếu bạn buộc phải đe dọa trẻ, điều quan trọng nhất là phải thực hiện. Ví dụ, nếu bạn nói với con: "Chúng ta sẽ rời khỏi công viên nếu con không ngừng la hét", hãy làm điều đó. Tuy nhiên, tiến sĩ McCoy nhắc nhở phụ huynh không nên đe dọa những điều bất khả thi.
Cha mẹ cần giúp trẻ kiểm soát cơn giận. Ảnh: Popsugar
9. "Nếu con làm việc..., con có thể có..."
Câu nói này không khuyến khích phụ huynh mua chuộc trẻ khi chúng đang tức giận. Thay vì nói "Nếu con hết giận, mẹ sẽ cho con..." thì bạn hãy nói "Nếu con kiên nhẫn, mẹ sẽ cho con...". Điều này có nghĩa là bạn đang thưởng cho trẻ vì hành động đúng chứ không phải vì chúng đang giận dữ.
10. "Nói cho bố/mẹ biết điều gì làm con thất vọng"
Bằng cách khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc, bạn đang dạy chúng thể hiện cảm xúc bằng lời nói và không khuyến khích giận dữ.
11. "Con hãy dành thời gian bình tĩnh lại"
Bạn hãy cho con vài phút, tránh xa điều khiến trẻ tức giận để chúng bình tĩnh.
12. "Tại sao con khóc?"
Việc cha mẹ hạ thấp vị thế bản thân xuống ngang bằng trẻ và hỏi câu đơn giản này khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe và định hình cảm xúc. Bạn không thể giúp trẻ kiểm soát cơn giận nếu không biết nguồn cơn từ đâu. Ví dụ, nếu trẻ nói rằng chúng muốn ăn kem, hãy giải thích đây không phải ý tưởng hay, sau đó chuyển hướng đến việc khác.
13. "Con có thể giúp bố/mẹ một tay không?"
Cho trẻ một nhiệm vụ để đánh lạc hướng chúng khỏi cơn giận, khiến chúng bận rộn quên đi cảm xúc tiêu cực là cách giải quyết tuyệt vời.
14. "Bố/ mẹ không thể hiểu khi con cứ la hét"
Câu nói này giúp trẻ hiểu sẽ không đạt được điều mong muốn khi bày tỏ như vậy. Điều này buộc chúng phải thay đổi "chiến thuật", có thể là bình tĩnh lại và nói chuyện với bạn để hy vọng được lắng nghe.
15. "Con có đói không?"
Đôi khi cơn giận đến từ việc trẻ bị đói. Một bữa ăn nhẹ có thể giúp trẻ bình tĩnh và chấm dứt cơn giận.
16. "Con đang làm rất tốt"
Hãy sử dụng cụm từ này để khen hành động trước hoặc sau khi cáu giận của trẻ để chúng biết sẽ trở nên tốt hơn nếu thực hiện hành vi như thế nào.
17. "Ừ"
Khi cảm xúc tiêu cực của trẻ đến từ vấn đề nhỏ, tốt hơn hết là chỉ nói "ừ" và chuyển sang chuyện khác.
18. "Bố/ mẹ hiểu tâm trạng của con bây giờ"
Sự đồng cảm có thể làm dịu cơn giận dữ. Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, bạn hãy kể cho chúng nghe những trải nghiệm thất vọng của bạn. Điều này giúp đánh lạc hướng trẻ khỏi cảm xúc tiêu cực.
19. "Con hãy dành thời gian nghỉ ngơi"
Cơn giận sẽ dễ dàng giải quyết hơn khi trẻ kiệt sức. Đôi khi, chỉ cần để trẻ nghỉ ngơi, chúng có thể tự loại bỏ cảm xúc tiêu cực của mình.
20. "Con thật giỏi khi lấy lại bình tĩnh"
Khi trẻ tức giận và nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, hãy khen ngợi chúng. Bằng cách đó, những lần tới, trẻ sẽ biết phải làm gì để giải quyết cảm xúc của mình.
21. "Con đang hành động thiếu an toàn"
Nếu trẻ nổi giận trong lúc chơi và có hành động đá, cắn, bạn cần sử dụng câu nói này. Bất cứ khi nào cơn giận dữ khiến con bạn hoặc người khác gặp nguy hiểm, hãy đảm bảo sự an toàn, sau đó mới giúp chúng bình tĩnh lại.
22. Im lặng
Đôi khi, im lặng có thể giải quyết tốt cơn giận mà không cần sử dụng lời nói. Nếu bạn không chú ý đến hành động của trẻ, chúng sẽ hiểu không thể đạt được điều mình mong muốn và dừng lại.
Nguồn https://vnexpress.net
|