Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bớt xén tiền ăn của học sinh- nỗi xót xa về đạo đức người thầy!


Những Hiệu trưởng sai phạm thì có thể bị xử lý nhưng uy tín, niềm tin của ngành giáo dục liệu có còn trọn vẹn trong mắt phụ huynh và xã hội hay không?

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều Hiệu trưởng bớt xén tiền ăn của học sinh, nhiều Hiệu trưởng bị kỷ luật, bị cách chức và để lại nỗi xót xa về đạo đức của người thầy.

Mỗi suất tiền ăn chỉ cần bớt lại một chút tiền, nhiều suất ăn sẽ bớt lại được nhiều tiền cho lãnh đạo nhà trường.

Nhưng, bớt một chút khẩu phần ăn của học trò cũng đồng nghĩa là học trò sẽ đói, học trò ăn không đủ chất, tiền nhà nước chi, tiền phụ huynh đóng góp sẽ bị hao hụt và khi sự việc bị phát hiện thì uy tín của nhà trường, của địa phương bị giảm sút.

Những Hiệu trưởng sai phạm thì có thể bị xử lý nhưng uy tín, niềm tin của ngành giáo dục liệu có còn trọn vẹn trong mắt phụ huynh và xã hội hay không?

Trường Mầm non Quảng Thắng- nơi bà Ngô Thị Hồng Lê vừa bị cách chức (Ảnh: Báo Vietnamnet)

Hiệu trưởng bị kỷ luật vì cắt xén khẩu phần ăn của học trò

Ngày 1/7/2019, bà Ngô Thị Hồng Lê- Hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Thắng (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa) đã bị cách chức và sẽ bị chuyển đến trường khác làm giáo viên- thêm một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều lãnh đạo nhà trường.

Việc bà Ngô Thị Hồng Lê bị cách chức vì liên quan đến nhiều sai phạm, trong đó có chuyện như: thu tiền của phụ huynh để mua đồ dùng học tập nhưng không qua sổ sách, chi sai mục đích; nhận tiền của giáo viên để chạy ký hợp đồng dài hạn.

Nhưng, nghiêm trọng hơn cả là từ tháng 9 đến tháng 12/2018, bà Lê đã bắt các giáo viên cắt bớt tổng 1.746 suất ăn của học sinh trong trường.

Cụ thể, bà Hiệu trưởng đã chỉ đạo giáo viên mỗi bữa ăn phải cắt bớt từ 20-25 suất ăn so với thực tế, tổng số tiền bớt xén này có giá trị gần 42 triệu đồng.

Không chỉ kỷ luật cách chức Hiệu trưởng đối với bà Ngô Thị Hồng Lê mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Thanh Hóa còn  ký quyết định kỷ luật một số cán bộ, giáo viên trường Mầm non Quảng Thắng.

Mức kỷ luật bằng hình thức khiển trách gồm có: bà Nguyễn Thị Tấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường, bà Phạm Thị Oanh - kế toán nhà trường, bà Lê Thị Hải - giáo viên kiêm trưởng ban Thanh tra nhân dân nhà trường.

Một số giáo viên chủ nhiệm lớp của trường Mầm non Quảng Thắng cũng bị phê bình, rút kinh nghiệm.

Một Hiệu trưởng cũng bị giáo viên trong trường tố cáo bớt xén khẩu phần ăn của học sinh và bị kỷ luật đó là trường hợp ông Lò Xuân Dừa - Hiệu trưởng trường Nội trú huyện Phù Yên (Sơn La).

Ngày 21/6/2019 vừa qua, Uỷ ban Kiểm tra huyện ủy Phù Yên đã họp và biểu quyết quyết định với số phiếu 7/7 phiếu nhất trí thi hành kỷ luật đối với ông Lò Xuân Dừa bằng hình thức cảnh cáo.

Ngoài hình thức kỷ luật mức cảnh cáo về mặt Đảng, ông Lò Văn Dừa còn bị Uỷ ban Kiểm tra huyện Phù Yên đề nghị Ban thường vụ Huyện ủy có ý kiến với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La xem xét kỷ luật về mặt chính quyền và bố trí lại vị trí công tác đối với ông Dừa.

Những kiểu lấp liếm khi bị phát hiện

Trường hợp bà Ngô Thị Hồng Lê- Hiệu trưởng trường Mầm non Quảng Thắng (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa) đã ngụy biện việc cắt xén khẩu phần ăn của học trò để đã chi tổ chức bữa ăn sáng tạo (tiệc buffet)  tại lớp vào các ngày tổ chức lễ hội cho các cháu.

Còn ông Lò Xuân Dừa - Hiệu trưởng trường Nội trú huyện Phù Yên (Sơn La) bớt xén để sử dụng vào việc thành lập quỹ ăn sáng; sử dụng vào các hoạt động của nhà trường.

Điều đáng trách nhất là trường Phổ thông dân tộc Nội trú Phù Yên (Sơn La) thuộc trường chuyên biệt dành cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Vậy nhưng, Hiệu trưởng nhà trường lại có những chỉ đạo bớt xén phần ăn của học trò- một hành động rất khó được chấp nhận.

Đừng bán danh vì những đồng tiền bớt xén của học trò

Thực tế, trường hợp bớt xén tiền ăn của học trò như Hiệu trưởng Ngô Thị Hồng Lê hay ông Lò Xuân Dừa không phải bây giờ chúng ta mới thấy mà đã có rất nhiều những sự việc tương tự.

Đó là trường hợp bà Đỗ Thị Hoàng Yến - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang) bị cách chức vào ngày 28/8/2-18;

Bà Vũ Thị Sơn, Hiệu trưởng trường tiểu học Yang Hăn (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) bị cách chức ngày 29/4/2019; bà Ngô Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Ngọc  (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị đem ra xét xử và phải chịu 18 tháng tù …

Nếu chúng ta lục tìm lại những trang báo cũ sẽ thấy còn rất nhiều Hiệu trưởng đã bị cách chức, bị kỷ luật bằng những hình thức nhẹ hơn vì liên quan đến chuyện cắt xén khẩu phần ăn của học trò…

Thế nhưng, đó vẫn chưa khiến cho một số Hiệu trưởng xem là bài học cho mình nên những sự việc tương tự vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Nói thật, cách chức vì những sai phạm khác có thể dư luận còn cảm thông nhưng việc những Hiệu trưởng bị cách chức vì những đồng tiền bớt xén khẩu phần ăn uống của học trò là đáng lên án vô cùng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đặt ra rằng đến những đồng tiền ăn ít ỏi của học trò được nhà nước hỗ trợ hoặc cha mẹ các em đóng mà những Hiệu trưởng này còn có thể bớt xén được thì những khoản tiền khác lớn hơn dễ gì mà họ…bỏ qua.

Song, có cần phải “bán danh” như vậy hay không khi mà những người đã ngồi được đến ghế Hiệu trưởng là những người cũng đã có hàng chục năm, thậm chí vài chục năm công tác, cống hiến trong ngành giáo dục, họ đã đào tạo, dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò...

Lương tâm, trách nhiệm, danh dự hiện tại của các Hiệu trưởng này sẽ không còn mà nó còn ảnh hưởng đến những năm công tác còn lại. Thậm chí con cháu họ sau này cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Vì thế, mỗi Hiệu trưởng cũng cần đắn đo trước những đồng tiền ăn của học trò khi đưa ra quyết định bớt xén bởi nó vừa trái với đạo đức, lương tâm của người thầy mà tội nghiệp cho học trò lắm!

Nguồn https://giaoduc.net.vn