Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cẩn trọng dậy thì sớm – trẻ cao nhanh nhưng lại dễ bị lùn


 

Dậy thì sớm giúp trẻ có sự phát triển thể chất nhanh chóng nhưng chiều cao cuối cùng khó lòng đạt như mong muốn mà thường thấp hơn bạn bè cùng lứa.

 

Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm

 

Dậy thì sớm đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em trên toàn thế giới. Độ tuổi chính xác để xác định trẻ dậy thì sớm vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng theo các chuyên gia, dậy thì được coi là sớm khởi phát trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai. Tỉ lệ bé gái thường dậy sớm phổ biến hơn gấp 10 lần so với các bé trai.

 

Các dấu hiệu cũng thể hiện rõ trên cơ thể nên bố mẹ hoàn toàn có thể nhận biết được. Ở trẻ gái thường phát triển ngực, vú, mọc lông mu hoặc lông nách, bắt đầu có kinh nguyệt. Ở trẻ trai, tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, râu, mụn trứng cá, vỡ giọng. Một điều dễ nhận thấy nữa là các bé thường lớn vọt lên trông thấy so với bạn cùng trang lứa.

 

 

Trẻ gái thường có tỉ lệ dậy thì sớm cao hơn trẻ trai


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: triệu chứng di truyền hiếm gặp, u buồng trứng hoặc tinh hoàn, rối loạn tuyến thượng thận, các bệnh liên quan tuyến giáp... Béo phì cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ gái.

 

Muốn dậy thì, cơ thể phải đủ lượng hormone Leptin, loại hormone này được sản xuất bởi các tế bào chất béo. Trẻ càng béo càng nhiều Leptin, thúc đẩy quá trình dậy thì diễn ra sớm hơn.

 

Ngoài ra, nếu trẻ được tiếp xúc, sử dụng kem hoặc thuốc liên quan đến hormone giới tính estrogen/testosterone hoặc các thuốc/thực phẩm bổ sung có chứa hormone này có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm. Mặt khác, khi trẻ được tiếp xúc nhiều với phim ảnh, văn hóa phẩm có liên quan đến giới tính cũng kích thích não khởi động quá trình dậy thì.

 

Dậy thì sớm - trẻ cao nhanh nhưng dễ bị lùn


Không ít phụ huynh vui mừng khi thấy con bỗng lớn vụt lên, phổng phao hơn bạn cùng trang lứa dù chưa đến giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học chỉ ra, trẻ dậy thì sớm thường thấp hơn bạn cùng tuổi khi trưởng thành.

 

Dậy thì là giai đoạn xương phát triển rất nhanh. Trẻ dậy thì sớm, giai đoạn này bắt đầu sớm hơn và kết thúc sớm hơn trẻ dậy thì đúng độ tuổi. Việc phát triển sớm khiến các đầu xương đóng sớm, giai đoạn phát triển chiều cao ngắn hơn trẻ khác.

 

 

Dậy thì sớm trẻ thường cao rất nhanh nhưng sớm ngừng tăng trưởng chiều cao


Dậy thì sớm khi cơ thể chưa cung cấp đủ các yếu tố phát triển chiều cao cũng khiến quá trình tăng trưởng tầm vóc bị ảnh hưởng. Xương không đủ tiềm năng phát triển như gen hay các yếu tố khác quy định, tuổi xương tăng nhanh hơn so với tuổi thực. Sau vài năm, trẻ ngừng phát triển và không thể đạt chiều cao tối đa ở tuổi trưởng thành.

 

Ngoài chiều cao, trẻ có những thay đổi khác trong cơ thể và có thể cảm thấy lúng túng về những thay đổi này. Bố mẹ hãy luôn là những người bạn sát cánh bên con để có thể tư vấn, hỗ trợ con khi cần.

 

Phòng ngừa dậy thì sớm và cách để trẻ tăng chiều cao

 

Dậy thì sớm kìm hãm cơ hội cuối cùng để tăng trưởng chiều cao tối đa của trẻ. Do đó, để tránh tình trạng này xảy ra, tốt nhất hãy biết cách phòng ngừa. Nếu dậy thì sớm có liên quan đến yếu tố bệnh lý kể trên, trẻ cần được đưa đi khám và can thiệp sớm để đưa tốc độ tăng trưởng trở lại nhịp điệu thích hợp.

 

Do béo phì có liên quan đến dậy thì sớm nên các chuyên gia khuyên rằng, phụ huynh nên kiểm soát cân nặng của con. Trẻ sử dụng quá nhiều đồ ăn chiên rán, thức ăn nhanh rất dễ tăng nguy cơ béo phì, làm giảm quá trình tăng trưởng chiều cao. Tránh cho con dùng các thuốc nội tiết tố hoặc bổ sung chế độ ăn uống chứa nhiều estrogen hoặc testosterone...

 

 

Nghiên cứu của ĐH Harvard chỉ ra, trẻ bổ sung vitamin D3 dự phòng mỗi ngày cao thêm 2cm ngoài mức tăng trung bình so với trẻ không bổ sung

 

Cân nặng có thể tăng ở bất cứ độ tuổi nào nhưng chiều cao thì không. Nếu phát hiện con dậy thì sớm, bố mẹ hãy giúp con đạt được chiều cao tối ưu trong thời gian này. Dinh dưỡng cần được đặc biệt chú trọng, ngoài yếu tố đa dạng, đầy đủ các nhóm chất, phụ huynh nên chú trọng các thực phẩm giàu canxi, đặc biệt là bổ sung vitamin D3 để trẻ có thể hấp thu tối đa lượng canxi nhận được từ thực phẩm.

 

Mặt khác, để tăng chiều cao tối đa, trẻ cần được luyện tập thể dục thể thao phù hợp. Các môn thể thao bật nhảy như xà đơn, bóng rổ, bóng chuyền, nhảy cao, nhảy dây; đạp xe, chạy bộ, bơi... tốt cho tăng chiều cao, trẻ nên được tập luyện thường xuyên để kích thích hormone tăng trưởng tiết ra nhiều hơn, phát triển cơ bắp, xương, sụn...

 

Ngoài ra, trẻ cũng cần được đảm bảo ngủ đủ giấc, ngủ sớm trước 10h đêm để hoạt động của hormone tăng trưởng GH đạt đỉnh. Dậy thì sớm tâm lý trẻ có thể có nhiều xáo trộn và thay đổi, bố mẹ hãy tạo cho con cảm giác được quan tâm, sẻ chia và tránh gây ra các áp lực căng thẳng để con phát triển tốt nhất.

 

Nguồn https://eva.vn