Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bố mẹ đã biết cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà chưa?



Có thể nói, trẻ sinh non là những chiến binh dũng cảm nhất thế giới này. Từ khi sinh ra, các bé đã phải sống trong các lồng ấp tách biệt với bố mẹ để đảm bảo duy trì thể trạng của bản thân. Tuy nhiên, sau một thời gian được nuôi trong lồng ấp, bé sẽ được xuất viện và trở về nhà. Lúc này, bố mẹ cần phải chuẩn bị đầy đủ những kiến thức về cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà.

 

Nếu bạn còn đang lo lắng về việc chăm sóc con tại nhà, hãy nhớ rằng các bác sĩ sẽ không đề nghị xuất viện khi bé chưa sẵn sàng. Vì vậy, việc chuẩn bị mọi thứ thật tốt và tìm hiểu kỹ về những cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà, bạn cũng sẽ ổn thôi. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ trang bị cho bạn những kiến thức cơ bản nhất để giúp bạn chăm sóc bé tại nhà.

 

 

Khi nào trẻ sinh non được xuất viện?

 

Trước khi được xuất viện, các bé sinh non phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản để đảm bảo duy trì sức khỏe ở mức ổn định và tránh những vấn đề có thể gặp phải. Thông thường, bác sĩ sẽ đánh giá em bé của bạn theo ba tiêu chí sau:

 

Bé có thể duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định hay không. Các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá nhiệt độ của trẻ trong lồng ấp có cửa mở trong khoảng 24 - 48 giờ. Thời gian đánh giá có thể thay đổi tùy thuộc vào số tháng sinh non và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bé.

 

Em bé có thể bú sữa trực tiếp hoặc uống sữa bằng bình mà không cần dùng ống bổ sung hay không.

Bé có tăng cân đều đặn hay không.

Đa số các bé sinh non đáp ứng đủ các điều kiện này sớm hơn 2 - 4 tuần so với ngày dự đoán xuất viện của bác sĩ. Tuy nhiên, những bé gặp phải các vấn đề về sức khỏe, phải bổ sung oxy bằng máy hoặc đã thực hiện bất kỳ ca phẫu thuật nào thì thường phải ở lại bệnh viện lâu hơn để được chăm sóc sức khỏe một cách đầy đủ nhất.

 

Nhu cầu chăm sóc y tế sau khi xuất viện

 

Nhiều bé sinh non không cần các hỗ trợ y tế chuyên khoa sau khi xuất viện. Tuy nhiên, các bé vẫn phải được đưa đến bác sĩ để làm kiểm tra và đánh giá định kỳ. Các bé sinh non cũng cần được tiêm chủng đầy đủ, thường theo giống lịch với các bé đủ tháng. Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ về lịch tiêm phòng cho trẻ.

 

Các tình trạng nghiêm trọng mà trẻ sinh non phải đối mặt trong suốt quá trình phát triển

 

1. Hội chứng ngưng thở

 

Cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà

 

Trẻ sinh non thường có các cơn ngưng thở nhẹ, tình trạng này có thể được cải thiện khi chúng trưởng thành. Các bé sẽ không được xuất viện nếu các cơn ngừng thở này gây chậm nhịp tim hoặc làm thay đổi màu sắc gương mặt (chuyển xanh quanh vùng miệng). Bác sĩ sẽ theo dõi đến khi bé đạt đến nhịp thở ổn định, thường là ở độ tuổi tương đương với thai 44 tuần.

 

Các bác sĩ sẽ quyết định xem liệu trẻ có cần sử dụng các thiết bị theo dõi hay không. Nếu cần, bố mẹ của bé phải tham gia một khóa đào tạo về cách sử dụng các thiết bị này cũng như học cách thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ sơ sinh tại nhà.

 

 

2. Các vấn đề về hô hấp khác

 

Trẻ sinh non thường gặp các vấn đề về hô hấp và cần phải bổ sung thêm oxy bằng máy thở. Hầu hết trẻ sinh non khi đã xuất viện sẽ không cần phải thở bằng máy nữa. Tuy nhiên, một số trẻ mắc phải các hội chứng phổi mạn tính, một trong số đó là hội chứng loạn sản phế quản phổi (bronchopulmonary dysplasia) có thể cần bổ sung oxy và uống thuốc trong một thời gian dài sau khi xuất viện. Các thiết bị và thuốc cần thiết phải được lắp đặt và hướng dẫn sử dụng trước khi bố mẹ đưa trẻ về nhà.

 

3. Vấn đề cho ăn

 

Trẻ sinh non cần được chăm sóc nhiều hơn để theo kịp sự phát triển của trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên, bạn không nên ép trẻ ăn quá nhiều vì hệ tiêu hóa của các bé vẫn chưa phát triển toàn diện. Một số trẻ sinh non có thể gặp khó khăn trong việc phối hợp mút, nuốt và thở khi bú, vì vậy bạn có thể tạm thời cho trẻ ăn bằng ống thông mũi hoặc ống NG (ống đi qua mũi đến dạ dày).

 

4. Nhiễm trùng

 

Giống như các hệ thống cơ thể khác, hệ thống miễn dịch của trẻ sinh non không hoàn thiện như trẻ đủ tháng. Điều này khiến cho trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng (đặc biệt là virus) rất cao sau khi xuất viện.

 

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về những vấn đề mà trẻ có thể gặp phải trong bài viết Bệnh lý thường gặp ở các bé nuôi trong lòng ấp.

 

Cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà

 

Để trẻ phát triển tốt nhất và tránh được các tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra sau khi xuất viện, bố mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức về cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà. Trước khi thực hiện các phương pháp này, hãy hỏi qua ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng chúng phù hợp với con của bạn.

 

1. Giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh

 

Một trong những điều đầu tiên bạn phải làm khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà chính là đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, vì các bé sinh non rất dễ bị nhiễm trùng.

 

 

Vệ sinh phòng của bé hằng ngày bằng các dung dịch khử trùng như Dettol hoặc Savlon.
Không để những người bị sốt, cảm lạnh, ho hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng khác tiếp xúc với bé.
Khi có người đến thăm, hãy yêu cầu họ rửa tay và khử trùng trước khi đến gần bé.
Trước khi tiếp xúc với trẻ sinh non, các mẹ cũng phải khử trùng tay.
Những người chăm sóc nên đeo khẩu trang và mặc quần áo sạch để đảm bảo hơi thở hoặc các mùi cơ thể khác không ảnh hưởng đến em bé.


2. Vệ sinh cá nhân và massage cho bé

 

Ngoài vệ sinh phòng ốc và môi trường xung quanh, trẻ cũng cần được đảm bảo về vệ sinh cá nhân của bản thân. Tuy nhiên, vì da của trẻ sơ sinh khá mỏng manh và dễ bị tổn thương nên bạn cần phải rất cẩn trọng khi làm vệ sinh cho trẻ.

 

Sử dụng các loại dầu massage phù hợp với da của bé, dầu dừa thường được các bác sĩ khuyên dùng cho trẻ sinh non.
Tắm cho trẻ hằng ngày bằng bọt biển với nước đun sôi để ấm.
Nếu có thể, bố mẹ nên trực tiếp massage cho bé vì sự tiếp xúc của bố mẹ sẽ giúp phát triển các cấu trúc liên kết trong cơ thể bé và giúp trẻ tăng cân dễ dàng hơn.
Vào mùa lạnh, bạn nên thoa dầu dưỡng ẩm cho trẻ 2 lần mỗi ngày.
Bạn nên chăm sóc trẻ bằng phương pháp kangaroo (phương pháp da kề da). Đây là một phương pháp thường được các chuyên gia khuyến khích áp dụng đối với trẻ sinh non. Phương pháp này giúp giữ ấm cơ thể, ổn định nhịp thở, giúp trẻ ngủ ngon và phát triển tinh thần lẫn thể chất của trẻ.

 

3. Điều chỉnh nhiệt độ phòng

 

Bạn nên giữ nhiệt độ phòng của trẻ ở mức ổn định. Vào mùa lạnh, hãy giữ ấm phòng bằng máy sưởi. Bạn nên lưu ý đặt máy sưởi cách xa bé ít nhất 2 mét. Vào mùa nóng, hãy đảm bảo phòng mát mẻ và thoáng khí.

 

4. Cho bé bú

 

Một vấn đề khác bạn cần phải lưu ý chính là việc cho bé bú tại nhà. Các bác sĩ thường khuyến khích các mẹ cho bé bú trực tiếp, tuy nhiên, nếu trẻ gặp phải các vấn đề về mút hoặc nuốt, bạn cũng có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để cho bé uống sữa.

 

Bạn nên cho bé bú vào mỗi 2 - 3 tiếng.


Cho bé bú lượng sữa theo đề nghị của bác sĩ, cố gắng cho bé bú càng nhiều càng tốt.
Không cho bú khi trẻ đang ngủ. Bạn có thể đánh thức bé bằng cách cù dưới bàn chân hoặc cọ xát nhẹ dưới tai. Lưu ý: Tiến hành các động tác một cách nhẹ nhàng vì da bé sơ sinh rất mỏng và dễ bị tổn thương.
Khi cho bé bú, mẹ nên nâng nhẹ đầu bé lên cao hơn so với bụng để tránh trào sữa.
Cho bé ợ hơi sau mỗi lần bú bằng cách vỗ nhẹ nhàng vào lưng bé. Trong lúc ngủ, đầu trẻ nên được nâng cao hơn cơ thể để tránh tình trạng trẻ bị nôn. Bạn nên đặt một miếng vải mềm hoặc khăn mỏng (dày khoảng 3 - 5cm) dưới đầu và ngực của bé.
Trẻ sinh non có thể không bú trực tiếp được do các vấn đề về mút, nuốt và thở, bạn có thể sử dụng muỗng hoặc katori (một dụng cụ hỗ trợ cho trẻ uống sữa). Tuy nhiên, bạn nên cố gắng cho trẻ bú trực tiếp, như vậy sẽ có lợi hơn cho quá trình bú mẹ của trẻ sau này.
Bạn có thể dùng máy để hút sữa và cho trẻ uống bằng bình hoặc bằng muỗng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý phải đảm bảo rằng tất cả các vật dụng được tiệt trùng trước và sau khi sử dụng.

 

5. Đến gặp bác sĩ

 

Bạn không được quên bất kỳ cuộc hẹn định kỳ nào với bác sĩ. Nếu nhận thấy các tình trạng bất thường hoặc không kiểm soát được, bạn phải liên hệ ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn kịp thời. Bạn cũng hãy nhớ đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng lịch mà bác sĩ đã chỉ định.

 

Trẻ sinh non là những đứa trẻ rất yếu ớt và cần sự chăm sóc vô cùng đặc biệt. Bạn nên hỏi rõ bác sĩ về những cách chăm sóc bé tại nhà và trao đổi với họ thường xuyên để có thể nắm bắt và kiểm soát được tình trạng của bé. Khi muốn thử một phương pháp chăm sóc mới, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng để tránh những rủi ro có thể gặp phải. Hello Bacsi hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn những cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà hiệu quả và an toàn!

 

Nguồn https://hellobacsi.com