Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1: Phụ huynh ráo riết chạy đua


Mất kỳ nghỉ hè không chỉ là chuyện của học sinh cuối cấp, học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia mà đó còn là vấn đề của những “sĩ tử” tuổi lên 6 trước ngưỡng cửa trường tiểu học.

Thay vì nhồi nhét kiến thức, phụ huynh nên tạo tâm lý thoải mái giúp trẻ hứng khởi hơn khi bước vào ngưỡng cửa tiểu học

Chuyện các sĩ tử tuổi lên 6

Trong khi phần lớn học sinh các cấp học đã được nghỉ hè, hoàn thành hoặc chuẩn bị hoàn thành các kỳ thi chuyển cấp quan trọng thì những “sĩ tử” tuổi lên 6 vẫn miệt mài với những nét chữ và con số để chuẩn bị bước chân vào lớp đầu tiên của đời học trò.

Con trai nhỏ vừa “tốt nghiệp” 3 năm học mầm non từ đầu tháng thì ngay những ngày cuối tháng 5 chị Thanh Hà (thị trấn Đông Anh) đã tất tả đi tìm lớp luyện chữ chuẩn bị cho con vào lớp 1. Sau khi tìm hiểu qua nhiều mối quan hệ, chị quyết định cho con học thêm ở lớp của cô giáo “nổi” nhất nhì một trường tiểu học gần nhà.

“Bạn bè mách nước muốn con theo học cô nào khi vào lớp 1 thì ngay từ lúc đi học thêm hè phải xin cho con học luyện chữ của đúng cô đó. Cũng may mà lúc tôi xin cho con, lớp vẫn còn chỗ không như một số bố mẹ chậm chân 1 – 2 buổi là cô không nhận nữa, đồng nghĩa khả năng được vào lớp cô đó cũng ít đi”, chị Hương chia sẻ.

Trong khi phần lớn học trò tạm gác chuyện “đèn sách” để vui chơi, giải trí sau một năm học hành vất vả thì mẹ con chị Luyến (Long Biên, hà Nội) vẫn đều đặn tuần 3 buổi chở nhau đến một trung tâm luyện chữ để chuẩn bị cho bé vào lớp 1.

Ngay trong thời gian bé còn học mẫu giáo lớn chị Phương đã cho con nhận mặt chữ, rồi tập tô các nét nên nghĩ rằng bé đã đủ “tâm thế”. Thế nhưng khi đưa con đến luyện chữ mới vỡ lẽ, con chị thuộc dạng “chậm”, từ cách cầm bút tới nét chữ cũng bị cô chê là chưa “chuẩn”.

Tìm hiểu chị Phương mới biết, trong lớp rất nhiều bé đã đọc thông, viết thạo, ghép vần trơn tru vì được học từ khi lên 5 tuổi. Thế là từ 1 buổi học đăng ký ban đầu chị đã “tăng tốc” cho con thêm 2 buổi/ tuần để bé khỏi thua kém bạn bè.

Ảnh minh họa

Có nên bắt con "gồng mình" trong lò luyện?

“Gồng mình” trong những lò luyện chữ suốt mấy tháng hè, nhồi cho bằng hết bảng chữ cái, ghép vần, luyện đọc, cộng trừ những con số… không biết từ bao giờ đã trở thành việc phải làm của những đứa trẻ vừa bước qua cánh cổng trường mầm non.

Cho con đi học sớm là nhu cầu có thật của phần lớn các bậc phụ huynh từ nhiều năm qua và mỗi người đều có lý do riêng. Người sợ con không bằng các bạn cùng trang lứa, người muốn con bằng mọi giá phải vượt qua kỳ khảo sát gắt gao của những trường tiểu học có tiếng, người khác lại lo “một chữ bẻ đôi” không biết rồi không được cô yêu, bạn quý, con mình trở nên tự ti, nhút nhát thậm chí là trầm cảm ngay từ năm đầu tới trường…

Sự nôn nóng, lo lắng thái quá và tâm lý chạy theo số đông của nhiều cha mẹ đã kéo theo sự vào cuộc “bất đắc dĩ” của nhiều đứa trẻ.

Theo các chuyên gia giáo dục, sự dồn ép quá sớm không chỉ ảnh hưởng tới thể chất mà quan trọng hơn là tâm lý, tinh thần vì rất có thể việc học sớm sẽ khiến trẻ thui chột niềm hào hứng đến trường. Với nhiều trẻ, việc học sớm, biết trước làm chúng chủ quan, lơ là việc học trong giờ chính khóa và theo đó dần dần suy giảm sức học.

Rõ ràng, việc nhồi nhét kiến thức cho con trẻ quá sớm, quá nhiều là không phù hợp với lứa tuổi và gây ra những hệ lụy khó lường. Vấn đề đặt ra là làm sao giúp trẻ tự tin cho một bước chuyển mới khi bước vào lớp 1 mà không quá áp lực.

Nhiều ý kiến cho rằng, học sớm không phải hoàn toàn xấu, vấn đề là nên học như thế nào cho thích hợp. Đây là điều các bậc phụ huynh nên quan tâm, để cùng thầy cô nuôi dưỡng tình yêu, sự ham thích học tập cho con trẻ từ những bước đầu đời đến suốt cuộc đời về sau.

Làm sao để việc học, việc đọc trở thành sự thôi thúc tự nhiên trong chính bản thân các em. Đó là cả một nghệ thuật, một quá trình rất kiên nhẫn và dài lâu.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn