Trị hăm tã cho bé bằng thuốc gì?
Do thường xuyên phải dùng bỉm, tã giấy, nên bé nhà tôi 3 tháng tuổi thường xuyên bị hăm tã, nhất là khi thời tiết nóng bức như hiện nay.
Có thuốc gì bôi cho bé hết hăm không? Mong bác sĩ tư vấn.
Ngô Thu Minh (Hà Nội)
Hăm tã là phản ứng của da khi hệ thống bài tiết tại da bị bít kín, với dấu hiệu dễ nhận thấy là: Đỏ da lan tỏa ở xung quanh bộ phận sinh dục kèm theo mùi hôi khai, nếu bội nhiễm thì ở giữa có mủ...
Việc điều trị hăm tã tùy thuộc tình trạng hăm của trẻ. Hăm ở dạng nhẹ sẽ tự khỏi không cần điều trị. Nên rửa vùng kín nhẹ nhàng cho bé ngày 4-5 lần bằng nước ấm, thấm khô và thay tã mới. Dùng khăn ướt đóng gói sẵn có thể làm khô da bé, cần chọn loại không cồn và không mùi. Bôi kem chống hăm vào các vết hăm. Nên chọn kem chống hăm có chứa chất dexpanthenol (tiền vitamin B5), hoặc lanolin (chiết xuất từ mỡ cừu tự nhiên) để duy trì độ ẩm cho làn da. Loại kem có thành phần là kẽm oxyd hoặc có chiết xuất hydrocarbon cũng phù hợp để chống hăm cho bé, giữ vùng da bị ngứa không dính nước tiểu.
Không nên dùng phấn rôm để rắc vào chỗ hăm vì có thể làm nặng thêm vùng da đang bị tổn thương. Cũng không nên sử dụng các loại kem thoa có chứa corticoid trừ trường hợp được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn cách sử dụng.
Nếu bị hăm ở dạng nặng hoặc có mủ, tốt nhất là không bôi kem, mà nên pha baking soda với nước theo tỷ lệ 1:3 để lau rửa vùng da bị hăm. Bởi chứa chất kiềm nhẹ, baking soda là chất tẩy rửa rất tốt cho da, giúp loại bỏ vi khuẩn trên da, trung hòa axit trong phân và nước tiểu còn đọng lại trên da bé. Sau đó rửa lại bằng nước sạch và lau khô.
Với trường hợp nặng, hăm tã có bội nhiễm hoặc nhiễm nấm ngày càng nặng hơn thì phải đưa bé đi khám để dùng thuốc. Bác sĩ sẽ căn cứ tình trạng bội nhiễm để kê thuốc cho bé. Có thể bé phải dùng thuốc hạ sốt (nếu bé sốt cao), thuốc kháng sinh đường uống (amoxicillin, cephalosporin...) khi bội nhiễm lan rộng, sử dụng dung dịch vệ sinh làm sạch vùng da bị tổn thương, kèm thuốc kháng khuẩn bôi tại chỗ có chứa kháng sinh, corticoid. Trường hợp bội nhiễm theo dạng viêm da thì phải cho bé dùng thuốc theo phác đồ trị viêm da. Nếu hăm tã có dấu hiệu nhiễm nấm thì phải dùng kem chống nấm. Cha mẹ tuyệt đối không sử dụng nhiều loại kem bôi chống hăm mà không tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhi vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng.
DS. Tâm Trang
Nguồn https://suckhoedoisong.vn
|