Sinh con lớn tuổi - Nguy hiểm cả mẹ lẫn con. Vì nhiều lý do, tỷ lệ bà mẹ sinh con ở tuổi trên 35 ngày càng tăng trong những năm gần đây. Điều này dẫn đến hậu quả là nhiều sản phụ phải đối mặt với những hội chứng nguy hiểm như tiền sản giật, dọa sinh sớm... Đáng lưu ý là tỷ lệ dị tật ở nhóm trẻ sơ sinh “muộn mằn” này cũng tăng cao hơn nhiều so với bình thường... Bác sĩ Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết. Sản phụ lớn tuổi tăng nhanh Theo ông Tiến, trong 3 - 4 năm trở lại đây, do chịu áp lực trong công việc và xã hội, số sản phụ sinh lần đầu ở tuổi trên 30 đã tăng đáng kể. Điều nguy hại đầu tiên là họ thường đối mặt với các triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con như tiền sản giật, doạ sinh non... Ngoài ra, phần lớn trong số họ đều rơi vào tình trạng khó sinh và phải nhờ đến các biện pháp hộ sinh do tầng sinh môn còn chắc, sức rặn yếu hơn các sản phụ trẻ hơn nên việc rặn không có hiệu quả cao và phải nhờ đến sự can thiệp bên ngoài của bác sĩ. Phương pháp hộ sinh phổ biến nhất là mổ đẻ. Với cách này, sản phụ sẽ phải chịu một vết thương ở tử cung và buộc phải chờ đợi một thời gian dài nữa mới được phép mang thai lần thứ hai. Tuy nhiên, do đã quá thời kỳ sung mãn trong độ tuổi sinh đẻ nên cơ hội thụ thai của họ cũng giảm đi rất nhiều, chưa kể đến những tai biến có thể gặp với xác xuất lớn khi sinh. Bên cạnh đó sự mệt mỏi trong quá trình thai nghén lần sau của các sản phụ cũng tăng lên đáng kể. Những con số thống kê về sảy thai tăng theo tuổi tác cũng cho thấy, gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỷ lệ sảy thai tăng lên 20% ở độ tuổi 35 - 37 và tiếp tục cao hơn nữa ở những lứa tuổi lớn hơn. "Phụ nữ có thai ở lứa tuổi trên 30 thường tăng nguy cơ đẻ con bị dị tật và hội chứng đao (Down) cũng tăng lên. Nguyên nhân do tuổi tác làm cho các thể nhiễm sắc ở trứng không tách biệt tốt, chúng dễ kết dính với nhau và khi tạo thành một tổ hợp nhiễm sắc thể nào đó thì có thể dẫn đến hội chứng Down và nhiều bệnh khác do có nhiễm sắc thể thừa"- Ông Tiến cho hay. Những biến chứng dễ gặp khi sinh nở muộn Bác sĩ Lan Hương - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đưa ra lời khuyên: "Sinh sớm hơn hay muộn hơn về mặt lý thuyết đều không thuận lợi về tâm, sinh lý cho cả sản phụ và thai nhi". Với những phụ nữ sinh nở lần thứ nhất khi đã trên 30 tuổi cần lưu ý thường xuyên đi khám thai định kỳ để phát hiện dị tật và những biến chứng có thể gặp phải. Bên cạnh đó nên đề phòng một số chứng bệnh hay gặp phải như: Tiền sản giật: Là bệnh nhiễm độc thai ngén thường gặp, chiếm tỉ lệ 5% - 8% số phụ nữ mang thai và dễ gặp ở thai phụ lớn tuổi. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là cao huyết áp, phù mặt, tay và nước tiểu nhiều chất đạm. Dấu hiệu phù mặt, tay của tiền sản giật rất dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng phù nề do xuống máu. Tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ). Bệnh cũng khiến thai nhi chậm phát triển, thậm chí thai bị chết lưu trong tử cung. Nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng rau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong. Bệnh tim: Các thai phụ ở mọi lứa tuổi nên lưu ý đặc biệt trong 4 tháng mang thai cuối cùng. Nếu gặp một số triệu chứng như khó thở, nặng ngực, mệt mỏi, thở dốc... diễn ra thường xuyên cần nghĩ đến khả năng thai phụ có bệnh tim dẫn đến tình trạng thiếu oxy mãn tính khiến thai nhi phát triển không tốt. Nếu tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến tình trạng bị sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Tiểu đường: Nguy cơ mắc tiểu đường khi mang thai thường hay xảy ra ở những người sống trong gia đình có tiền sử căn bệnh tiểu đường, thai phụ tăng cân quá nhiều (tăng trên 20 cân tính đến tháng cuối) hay trước đó hay sảy thai, sinh non. Với những phụ nữ lớn tuổi khi cóá thai kèm theo những cảnh báo trên cần thường xuyên đến các cơ sở y tế để phát hiện những biến chứng có thể xảy ra. Phạm Thanh |