Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cơ thể biến đổi ra sao sau thời gian dài không ăn sáng?


Không ăn sáng trong thời gian dài dẫn đến hạ đường huyết, hạ huyết áp, dinh dưỡng thiếu cân bằng, ảnh hưởng đến đường ruột.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị mọi người ăn 3 bữa một ngày. Các bữa ăn đều quan trọng, đặc biệt là bữa sáng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, con người có xu hướng bỏ bữa sáng, dẫn đến các hệ quả sau.

Hạ đường huyết và hạ huyết áp

Không ăn sáng dễ dẫn đến hiện tượng hạ huyết áp và hạ đường huyết bởi dù đã ăn bữa tối vào ngày trước đó, cơ thể vẫn tiêu hao glycogen khi ngủ. Hơn nữa, bữa sáng và bữa trưa cách nhau ít nhất 4 tiếng, khiến cơ thể không được kịp thời bù đắp năng lượng đã mất. 

Bữa sáng bù đắp năng lượng đã mất sau giấc ngủ. Ảnh: FantaSea.

Dinh dưỡng thiếu cân bằng

Không ăn sáng trong thời gian ngắn thì sức khỏe không bị đe dọa. Nếu thói quen này diễn ra trong thời gian dài, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng.

Dinh dưỡng thiếu cân bằng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Đối với người lớn, đây còn là nguy cơ dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm.

Ảnh hưởng đến cân bằng đường ruột

Cố tình lờ đi khi dạ dày kêu đói hoặc chỉ uống nước lọc khiến hoạt động của dạ dày và đường ruột mất cân bằng, đặc biệt ở những người vốn tiêu hóa kém, hay đau bụng hoặc đầy hơi. 

Tóm lại, ăn sáng vẫn đem lại nhiều lợi ích hơn là bỏ bữa. Do vậy, mọi người nên duy trì thói quen ăn sáng để bảo vệ sức khỏe.

Nguồn https://vnexpress.net