Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tình trạng thiếu hụt kháng thể với virut sởi ở phụ nữ có thai: Khoảng trống miễn dịch và nguy cơ mắc sởi ở trẻ sau sinh


Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ, sau nhiều năm triển khai tiêm chủng đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong do sởi. Tuy nhiên, đến nay các vụ dịch sởi vẫn xảy ra kể cả ở các nước phát triển và có tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trước khi có vắc- xin, khoảng 90% số người bị mắc bệnh sởi trước 20 tuổi, trước năm 1980, bệnh sởi gây ra khoảng 2,6 triệu trường hợp tử vong mỗi năm. Bệnh sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu, mặc dù đã có vắc-xin an toàn và hiệu quả trong nhiều năm nay. Chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu hoạt động năm 1974 và phát triển rất nhanh với nhiều thành quả bảo vệ sức khỏe được ghi nhận. Đến nay, có 190 quốc gia thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng với gần 30 loại vắc-xin. Sau đó, nhiều nước trên thế giới đã công bố loại trừ bệnh sởi, tuy nhiên gần đây dịch sởi đã quay trở lại ở một số nước đã từng khống chế thành công hoặc loại trừ căn bệnh này. Tuy nhiên, đặc điểm dịch tễ học của bệnh sởi trên thế giới đã thay đổi, thời gian giữa các vụ dịch sởi kéo dài hơn, quy mô các vụ dịch bị thu nhỏ nhưng có xu hướng tái diễn, lứa tuổi mắc sởi dần dịch chuyển sang lứa tuổi lớn và đặc biệt ghi nhận số mắc cao ở trẻ rất nhỏ khi chưa đến tuổi tiêm chủng.

Trong nhiều năm qua, nhờ sự nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia, độ bao phủ vắc-xin và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi không ngừng gia tăng trên thế giới. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi cao nhưng không phải tất cả các đối tượng đều có kháng thể bảo vệ với virut sởi, đặc biệt sự thiếu hụt kháng thể ở phụ nữ có thai dẫn tới thiếu hụt kháng thể ở trẻ ngay sau sinh và tăng nguy cơ mắc sởi sớm ở trẻ. Kết quả đánh giá tại huyện Đông Anh, Hà Nội thì chỉ 50% phụ nữ nhóm tuổi 18-19 có kháng thể trong khi 90,5% phụ nữ hơn 30 tuổi có kháng thể.

Nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng sởi đúng lịch. Ảnh: TM

Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mức độ kháng thể của mẹ chính là tình trạng mắc sởi tự nhiên hoặc tình trạng tiêm vắc-xin sởi trước đó của người mẹ. Tuy nhiên, để biết được chính xác tình trạng tiêm chủng hay mắc sởi tự nhiên của phụ nữ là rất khó, nên một số nghiên cứu thường phân chia phụ nữ thành 2 nhóm là nhóm được sinh ra từ trước khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, kháng thể đối với sởi có được ở phụ nữ lứa tuổi này được coi là do mắc sởi tự nhiên; nhóm thứ 2 là nhóm phụ nữ được sinh ra sau khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, kháng thể có được ở nhóm này được cho là do tiêm vắc-xin sởi. Qua các nghiên cứu, cho thấy phụ nữ mắc sởi tự nhiên có nồng độ kháng thể đủ bảo vệ với virut sởi cao hơn nhóm phụ nữ được tiêm chủng.

Kháng thể ở trẻ sau sinh là kháng thể được truyền một cách tự nhiên từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc qua sữa mẹ. Trẻ nhỏ được bảo vệ trong những tháng đầu đời không mắc sởi chủ yếu là nhờ kháng thể IgG do mẹ truyền qua nhau thai. Hiện tượng này xảy ra từ tuần 28 của thai kỳ cho đến lúc trẻ ra đời.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng kháng thể đối với virut sởi bao gồm các yếu tố từ mẹ và các yếu tố từ trẻ sau sinh. Các yếu tố từ mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ kháng thể và khả năng bảo vệ chống lại virut sởi của trẻ sau sinh là nồng độ kháng thể của mẹ trước khi sinh, mẹ có nồng độ kháng thể cao thì con sinh ra sẽ có nồng độ kháng thể cao và kéo dài. Tuổi của mẹ cũng ảnh hưởng đến kháng thể truyền từ mẹ sang con, tuổi mẹ càng lớn thì nồng độ kháng thể càng cao, do mẹ lớn tuổi chủ yếu là mắc sởi tự nhiên còn mẹ trẻ tuổi được sinh ra sau khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng nên kháng thể có được là do từ tiêm chủng, khả năng truyền cho con kém hơn. Tình trạng tiêm chủng vắc-xin sởi của mẹ trẻ cũng ảnh hưởng đến khả năng truyền kháng thể từ mẹ sang con.

Qua đó, có thể thấy tình trạng kháng thể kháng virut sởi ở phụ nữ có thai có xu hướng giảm ở người trẻ tuổi, đồng nghĩa với việc khoảng trống miễn dịch đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Tình trạng kháng thể của trẻ sau sinh phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng kháng thể mẹ và cũng có xu hướng giảm nhanh ngay sau sinh và giảm nhiều hơn ở những trẻ sinh ra từ những bà mẹ trẻ tuổi nên trẻ sau sinh hiện nay có nguy cơ mắc sởi cao và sớm, nên cần có những đánh giá thường xuyên về khoảng trống miễn dịch sởi ở các nhóm nguy cơ khác nhau để nghiên cứu các chiến lược hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc sởi  sớm ở trẻ sau sinh.

HOÀNG ANH

((Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội))

Nguồn https://suckhoedoisong.vn