Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy con biết cãi đúng là dạy tư duy phản biện


Cãi lại người lớn là biểu hiện của tư duy phản biện. Đây là dấu hiệu đáng mừng để bạn tiếp tục giúp con rèn kỹ năng phản biện, một trong những kỹ năng mềm quan trọng bậc nhất để trẻ thành công trong tương lai.

Vụ cô giáo ở Quảng Bình ra lệnh cho học trò tát một nam sinh 231 cái vì nói tục; đa số đều hướng mũi nhọn vào sự tàn nhẫn của cô giáo. Điều ta cần quan tâm hơn sau câu chuyện đau lòng này chính là việc dạy kỹ năng phản biện cho con em mình. Đây là điều mà trong môi trường giáo dục hiện nay; trẻ hầu như không được dạy kỹ năng quan trọng bậc nhất này.

Bạn có thể dạy con phản biện, để rèn cho con tư duy đa chiều và trở thành một người có chính kiến.

Trẻ biết cãi lý là tốt

Biết là không nên đánh bạn, nhưng vì cô ra lệnh; 23 học sinh trong lớp vẫn tát bạn. Đó là không có tư duy phản biện.

Biết sẽ làm bạn đau, tổn hại đến tinh thần bạn; nhưng vì lệnh cô, 23 bạn cả gái, cả trai vẫn phải tát thật mạnh. Biết “lệnh” cô giáo sai nhưng 23 bạn không dám cãi, chỉ răm rắp nghe theo. Biết sai vẫn làm. Không biết phân tích để có lý lẽ cãi lại lệnh sai của cô. Đấy là tai hại dễ thấy nhất khi trẻ không có tư duy phản biện.

Xưa nay, đứa trẻ ngoan được định nghĩa là vâng lời người lớn. Còn trẻ hay lý lẽ, phản đối ý của người lớn; sẽ liệt vào danh sách trẻ bướng bỉnh, không ngoan. Điều đó bắt nguồn từ cách giáo dục một chiều từ nhà cho đến trường học.

Chúng ta thường mặc định “người lớn luôn đúng”; trẻ không biết gì nên xem việc trẻ cãi lại ý người lớn là trẻ hư. Cha mẹ thường dùng sức mạnh, quyền lực bắt trẻ “cấm cãi” bằng nhiều hình thức khác nhau. Việc cấm cản trẻ nói ra suy nghĩ sẽ làm thui chột tinh thần phản biện trong trẻ.

Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên tạp chí Child Development cho thấy; những lập luận tranh cãi giữa cha mẹ và trẻ em, đặc biệt là thanh thiếu niên và thiếu niên; rất có lợi cho trẻ trong thời gian dài. Joseph P. Allen – tác giả chính của nghiên cứu nói rằng: những gì một đứa trẻ học được trong việc xử lý các bất đồng với cha mẹ; chính xác là những gì trẻ áp dụng vào giao tiếp với bạn bè đồng lứa.

Những cuộc tranh cãi, lý luận với bố mẹ, (dĩ nhiên là trong hòa bình, không phải là ném đồ, gào thét); giúp trẻ học được kỹ năng đàm phán một cách bình tĩnh. Trẻ biết cách nói lên cảm giác, suy nghĩ, ý tưởng của mình. Trẻ thực hành việc đưa ra quyết định cho bản thân; và thương lượng để đạt được những gì mình muốn.

Bởi vậy, theo tác giả Allen; cha mẹ nên nghĩ về những lý lẽ trẻ đưa ra không phải là phiền toái, là bướng bỉnh; mà là nền tảng giáo dục quan trọng, giúp trẻ rèn luyện tinh thần phản biện.

Tư duy phản biện là khả năng phân tích và đánh giá thông tin đã có theo các cách nhìn khác; nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Trẻ có tư duy phản biện không thụ động tiếp nhận thông tin từ người khác. Thay vào đó, trẻ biết hoài nghi, lập luận; minh chứng phản bác lại ý kiến đó; để xác định lại tính chính xác trước khi thực sự tiếp nhận thông tin ấy.

Cuộc sống của con bạn sau này có rất nhiều thứ phải từ chối, phải nói không. Nhà tâm lý học lâm sàng Kelly M. Flanagan cho rằng; không có khả năng nói “Không”, không có khả năng thiết lập ranh giới cá nhân là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây xáo trộn và đau khổ cho con người. Điển hình như trong câu chuyện 231 cái tát; nếu con bạn có chính kiến, con sẽ không là 1 trong 23 học sinh biết sai mà vẫn răm rắp nghe theo.

Dạy con phản biện có kiểm soát

Một cuộc tranh cãi tốt cho trẻ là cuộc tranh cãi có kiểm soát từ phía trẻ và cả phụ huynh. Với trẻ, đó là cuộc tranh luận tay đôi về lý lẽ đi cùng sự tôn trọng người lớn; không gào khóc, không ném đồ. Với phụ huynh, đây là cuộc tranh luận bình tĩnh; công bằng, cởi mở, lắng nghe, không áp đặt quyền người lớn.

Do chưa biết cách thể hiện ý kiến của mình một cách mềm dẻo; việc cãi lại của trẻ luôn khiến người lớn cảm thấy bực mình, nổi giận. Đấy là lý do trẻ dễ bị áp đảo bằng quyền lực; thậm chí là bạo lực khi mở miệng cãi lời người lớn. Để không tuột mất cơ hội dạy con phản biện; bạn cần là người niệm thần chú: “Bình tĩnh, bình tĩnh”. Bạn đừng vội lên giọng: ”Tại sao con dám ăn nói với mẹ như thế?”; “Tại sao con không biết vâng lời”.

Bí quyết để bạn hạ hỏa là đếm từ 1–60; thậm chí là 120 nếu bạn cảm thấy cơn giận đang phừng phực dâng lên. Vừa đếm, bạn vừa nghĩ: “Con đang phản biện là tốt. Con đang thể hiện mình là người độc lập và trưởng thành”. Điều này sẽ giúp bạn lấy lại bình tĩnh, ngồi xuống và nói: “Con phản đối cũng có lý. Hãy cho mẹ biết vì sao con nghĩ thế?”.

Sự bình tĩnh, kiên nhẫn của bạn cũng giúp con bình tĩnh; kéo con vào cuộc tranh luận tôn trọng, không thô lỗ. Nếu bạn muốn con nói ra nhiều suy nghĩ; bạn đừng đưa ra câu trả lời ngay lập tức. Thay vào đó, bạn hãy giúp trẻ phát triển các giả thuyết; hoặc đặt câu hỏi mở liên quan đến chủ đề đang tranh cãi; vì chúng sẽ giúp hướng dẫn quy trình suy nghĩ của trẻ.

Ví dụ: Tại sao con không đồng ý với ý kiến của mẹ? Ý tưởng của con là gì? Vì sao con nghĩ mình đúng? Mẹ muốn nghe suy nghĩ của con về chuyện này? Con làm sao để giải quyết vấn đề này nếu con không đồng ý với đề nghị của mẹ? Điều gì sẽ xảy ra nếu con sai? Nếu chúng ta làm theo cách của con, con nghĩ điều gì sẽ xảy ra?…

Trẻ em học hỏi từ việc quan sát suy nghĩ của bạn. Cách bạn tranh luận hòa bình với con trong mỗi cuộc cãi vã; là đang hướng dẫn con tìm dẫn chứng, lý lẽ để bảo vệ chính kiến. Đừng giận vì con hay cãi. Hãy mừng vì con giỏi phản biện, bởi đấy là cơ hội để bạn dạy con thành một người biết nghĩ, biết làm trong tương lai.

Nguồn https://tiepthigiadinh.vn