“Tràng hoa quấn cổ” nguy hiểm thế nào? Tràng hoa quấn cổ (còn gọi là dây rau hoặc dây rốn quấn cổ) là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi 1 vòng hoặc nhiều vòng.
Những thai phụ có thai nhi bị tràng hoa quấn cổ cần được theo dõi để đề phòng những nguy hiểm xảy ra cho bé.
Thực chất dây rau là một ống dẫn hai đầu để đưa dưỡng chất và ôxy từ máu mẹ sang thai nhi, đồng thời cũng mang những sản phẩm chuyển hóa từ máu thai nhi sang máu mẹ để đào thải ra ngoài. Với chiều dài 45-60cm, dây rau đảm bảo cho thai nhi khi sổ ra khỏi cơ thể mẹ mà không bị ảnh hưởng gì. Nhưng cũng có khi bản thân dây rau ngắn hơn chiều dài trên (toàn bộ chiều dài dây rau dưới 35cm thì gọi là dây rau ngắn tuyệt đối) hoặc là khi thai vận động trong buồng tử cung làm cho dây rau quấn vào cổ làm cho dây rau ngắn lại.
Tình trạng tràng hoa quấn cổ xảy ra do thai nhi thường xuyên cử động, xoay chuyển trong không gian tử cung chật hẹp của mẹ. Trong quá trình di chuyển đó, khi dây rốn còn dài, thai nhi đã làm rối dây rốn như cuộn chỉ bị rối và dây rau quấn vào thân hay cổ thai nhi. Cũng có trường hợp khi còn bé, thai di chuyển lung tung trong buồng tử cung đã làm cho dây rau bị thắt nút lại. Nếu dây rau bị thắt nút lại kèm theo quấn cổ thì rất nguy hiểm. Hoặc là ở 3 tháng cuối, khi thai quay đầu để xuống dưới (gọi là thai thuận), dây rau mềm trơn nên cũng dễ bị quấn vào thai nhi. Nếu dây rau quấn vào thân thai nhi thì có thể tự tháo được, còn khi bị quấn vào cổ là một khe hẹp giữa đầu và vai nên dây rau không thể tự tháo được mà ngày càng bị quấn chặt hơn.
Khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ, quá trình vận chuyển máu và dinh dưỡng nuôi thai nhi sẽ bị cản trở. Bởi thế, bé sơ sinh có nguy cơ nhẹ cân, thiếu máu, thậm chí là tử vong trong bụng mẹ.
Làm thế nào để phát hiện bé bị tràng hoa quấn cổ? Chỉ có siêu âm mới phát hiện chính xác bé bị tràng hoa quấn cổ. Hiện tượng này thường xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ. Một số trường hợp phát hiện tràng hoa quấn cổ vào tháng thứ 5-6. Một số trường hợp thai ở tuần 18-25 bị dây rốn quấn cổ rồi sau đó tự trở lại bình thường. Một số trường hợp thai nhi càng lớn, do cử động nhiều nên bị dây rốn quấn thêm một vài vòng. Khi ấy sẽ không có cách nào để gỡ dây rốn. Bởi thế, người mẹ cần theo dõi cử động của thai. Nếu thai đột ngột đạp mạnh hoặc đạp quá yếu thì cần nhập viện kiểm tra ngay.
Ngoài ra, thai máy bất thường có thể cũng là dấu hiệu của tràng hoa quấn cổ. Nhiều trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn chặt gây thiếu oxy, khó thở, thai sẽ đạp nhiều và bất thường hơn.
Những trường hợp dây rốn dài hơn thai nhi hoặc thai nhỏ, ối nhiều cũng có xác suất bị quấn cổ nhiều hơn.
Nguy cơ khi bé bị tràng hoa quấn cổ
Nếu dây rau quấn cổ sẽ làm giảm máu mẹ đến máu con, mà thành phần quan trọng nhất là ôxy sẽ tác động rất mạnh đến tính mạng của thai nhi. Trong khi chuyển dạ, nếu dây rau quấn cổ thì khi có cơn co tử cung, nhịp tim thai bị chậm ngay và khi hết cơn co thì tim thai lại trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu chuyển dạ lâu cũng sẽ nhanh chóng dẫn đến suy thai và chết thai do thiếu ôxy.
Tùy vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ chỉ định có nên mổ hay không. Thông thường, với các trường hợp thai nhi và mẹ khỏe mạnh hoặc tràng hoa quấn cổ ít (1 vòng), bác sĩ có thể chỉ định sinh thường. Và trong hầu hết các trường hợp, thai nhi sinh ra đều khỏe mạnh. Nếu dây rau quấn cổ chừng 2 vòng, dây rau vẫn còn đủ dài thì thai vẫn có thể xuống phía dưới được, cuộc đẻ sẽ kéo dài và khó khăn nên nhiều khi phải dùng đến một dụng cụ là foóc-xép để lấy thai ra, có thể gây tai biến và sang chấn đường sinh sản cho mẹ. Nếu dây rau quấn cổ 2 hoặc 3 vòng thít chặt sẽ làm cho thai không quay đầu xuống phía dưới tử cung được và thai sẽ là ngôi ngược nên phải mổ lấy thai.
Nếu dây rau bị quấn cổ, trong tháng cuối thai kỳ, đầu thai hướng dần và đi vào tiểu khung mà thường gọi là "sụt bụng", dây rau sẽ bị kéo căng, càng siết chặt ở cổ thai làm giảm lượng máu đến thai gây suy thai, thậm chí dẫn đến chết thai.
Nguy cơ với bé sau khi chào đời: Nếu được bác sĩ xử lý kịp thời thì các trường hợp tràng hoa quấn cổ không gây nguy hiểm cho bé sơ sinh. Tuy nhiên, nếu dây rốn quấn chặt thì bé có thể bị thiếu oxy. Do đó, đối với những bé bị tràng hoa quấn cổ, sau khi sinh, nếu mẹ phát hiện bé sơ sinh có dấu hiệu co giật, chân tay run thì cần đưa bé đi khám ngay.
Thực tế, không có biện pháp nào để phòng ngừa dây rau quấn cổ vì thai nằm trong tử cung, tự thai vận động và gây nên. Chỉ đôi khi nghi ngờ khi siêu âm mà thôi. Vì vậy khi thai phụ thấy có các dấu hiệu bất thường: cử động thai kém dần, yếu dần... thì cần đi khám ngay.
BS. Phương Lan
Nguồn http://afamily.vn
|