Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách ăn uống giúp trẻ “miễn dịch” với các bệnh mùa hè



Mùa hè hoặc những thời khắc giao mùa, gia đình có con nhỏ thường hết sức lo lắng khi phải đối phó với những bệnh mà trẻ hay mắc phải như cảm cúm, sởi, viêm màng não...

 

 

Rau củ cung cấp một lượng vitamin thiết yếu và chất xơ cần thiết cho trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

 

Làm gì trước nỗi lo trẻ bị cúm, sởi...?


Như trong đợt nắng nóng vào cuối tháng 4 vừa qua, ghi nhận tại các bệnh viện trên toàn quốc, đặc biệt là tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai), số lượng các bệnh nhân nhiễm cúm, sởi, viêm não, viêm màng não tăng đột biến so với thời gian trước đó. Vào những ngày cuối tháng 4, chỉ riêng BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận hàng chục trẻ em bị viêm não và viêm màng não. Được biết, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận từ 300-500 ca viêm màng não.

 

Để phòng tránh những bệnh dễ lây nhiễm và bùng phát trong mùa hè này, theo các chuyên gia y tế, ngoài việc thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, cha mẹ cần phải tăng sức đề kháng cho con bằng nhiều biện pháp kết hợp, trong đó yếu tố dinh dưỡng được nêu lên hàng đầu.

 

Sức đề kháng hay còn gọi là khả năng miễn dịch của cơ thể, khả năng chống đỡ, sức đề kháng của cơ thể trước sự xâm nhập có hại từ bên ngoài và từ bên trong cơ thể. Các tế bào miễn dịch đảm nhiệm các chức năng miễn dịch, chúng tồn tại, di động và lưu hành khắp cơ thể, làm nhiệm vụ tầm soát liên tục toàn bộ cơ thể nhằm phát hiện các tác nhân gây bệnh: Các vi sinh vật (ký sinh trùng như giun, sán, nấm, mốc...), vi khuẩn, Rickettsia, virus, Prion (các protein lây nhiễm, nhỏ hơn virus 100 lần) và những vật lạ trong cơ thể sinh ra hoặc đưa từ bên ngoài vào (tế bào lạ; các phức hợp: Kháng nguyên, kháng thể lạ; các tế bào ung thư...) để sẵn sàng tiêu diệt, loại trừ các tác nhân gây hại cho cơ thể.


Cơ quan miễn dịch cho ta sự chống đỡ với bệnh tật của từng người khác nhau. Trong một khu vực có những bệnh mà người này mắc, người khác không. Người không mắc bệnh chứng tỏ cơ quan miễn dịch của họ tốt hơn những người đã mắc bệnh. Hoặc khi mắc bệnh thì cũng chóng khỏi nhờ sức đề kháng tốt của cơ thể...

 

Để tăng đề kháng cho cơ thể phải kết hợp 4 trong một: một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và , chế độ tập thể dục và tập luyện cả thân và tâm để tâm được bình an và thân thể khỏe mạnh.

 

Cách ăn uống làm tăng khả năng miễn dịch cho trẻ


Theo bác sĩ Trưởng khoa Dinh dưỡng Nguyễn Thị Thu Hậu, BV Nhi Đồng 2 (TP HCM), một chế độ ăn đầy đủ các loại chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất... sẽ góp phần xây dựng hàng rào sức đề kháng thêm vững chắc.

 

Trong chế độ ăn uống, điều đầu tiên cha mẹ cần phải lưu ý đó là phải tăng cường dinh dưỡng cho trẻ đủ lượng và chất. Có thể lên thực đơn ba bữa cho con bằng những thực phẩm có lợi sau:

 

Thực phẩm giàu protein như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng, cá, sữa, đậu hạt, thực phẩm chế biến từ đậu nành. Mỗi ngày dùng ít nhất 3 lần các loại thực phẩm này sẽ giúp phòng ngừa bệnh cúm.

 

Các thực phẩm nhiều vitamin C như sơ ri, cam, quýt, chanh, nho, bưởi, táo tây, kiwi, bơ, chuối, dứa... có tác dụng ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, nâng cao khả năng diệt khuẩn của các tế bào.

 

Còn với các loại rau quả có màu cam như cà rốt, cà chua, bí ngô, mơ, xoài..; có màu xanh đậm như bông cải xanh, trái cây màu xanh, rau có lá màu xanh... chứa nhiều chất tiền vitamin A. Khi vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hóa thành vitamin A, sẽ giúp hệ hô hấp luôn được khỏe mạnh và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Các loại rau xanh giàu chất sắt, các loại đậu hạt cũng có tác dụng tăng cường sức đề kháng. Trà thảo mộc, bạc hà... cũng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể.

 

Bên cạnh đó, bổ sung lợi khuẩn (hay Probiotic) là một trong những phương pháp đã được chứng minh hiệu quả trong việc nâng cao hệ miễn dịch đường ruột, từ đó giúp tăng sức đề kháng, ngăn ngừa cảm cúm cho trẻ. Giải thích về vấn đề này, bác sĩ Hậu chia sẻ: "Hệ miễn dịch giống vòng tay che chở, giúp cả nhà luôn khỏe mạnh và tránh các bệnh viêm nhiễm, điển hình là cảm cúm... Điều thú vị là hệ miễn dịch và đường ruột có mối tương quan mật thiết vì trong ruột có rất nhiều hạch, là nơi sản xuất 70-80% các tế bào miễn dịch của cơ thể. Một đường ruột khỏe mạnh sẽ góp phần giúp nâng cao hệ miễn dịch và ngược lại".

 

Bố mẹ cần lưu ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin. Ví dụ như, việc bổ sung vitamin C - một chất chống oxy hóa rất mạnh, hệ miễn dịch của bạn sẽ được hỗ trợ đề công kích lại vi khuẩn và virus. Nó cũng giúp cơ thể tạo ra interferon (một loại protein ngăn không cho virus phát triển trong cơ thể). Đồng thời, vitamin C còn giúp tăng cường glutathione, giúp tăng cường chức năng thải độc và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.

 

Ngoài ra các loại khoáng chất, kẽm cũng góp phần duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Cơ thể thiếu kẽm sẽ khiến lượng bạch cầu suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật. Bạn có thể bổ sung khoáng chất, kẽm trong các loại trái cây tươi, chín mọng, có màu sậm, cá hồi, tôm, cua...

 

Bên cạnh đó, các loại gia vị như tỏi, hành, kinh giới, rất giàu chất flavonoid và giúp ngăn ngừa sự phát triển của các siêu vi khuẩn và chống lại các gốc tự do trong cơ thể. Tỏi được sử dụng như một loại "thuốc" có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, làm tăng sức đề kháng, rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... và đã được chứng minh là có tác dụng tăng số lượng tế bào miễn dịch T- killer tự nhiên. Còn rau kinh giới đã được ông bà ta sử dụng từ bao đời nay làm thuốc giải cảm, chống dị ứng, chống sốt...

 

Hiện nay, có những loại kháng sinh tự nhiên được làm từ dấm táo, tỏi, hành tím ta, riềng, gừng, nghệ, cần tây, hạt tiêu, củ cải trắng, mật ong...dành cho trẻ em, cho người lớn, cho người bị tiểu đường đang được nhiều người tin dùng. Các chuyên gia khuyên rằng, cha mẹ nên cho trẻ sử dụng các loại kháng sinh tự nhiên này bởi chúng vừa lành tính lại có tác dụng tăng sức đề kháng hữu hiệu cho cơ thể, giúp trẻ phòng tránh được các loại bệnh do thời tiết và các dịch bệnh lây nhiễm trong mùa hè này.

 

Nguồn Ngân Khánh (Gia đình & Xã hội)