Cậu bé 5 tuổi chưa biết nói vươn lên như Thánh Gióng sau một mùa Noel
Con hơn một tuổi vẫn không nhận ra mẹ, nhiều khi chị Trâm (TP HCM) xót xa 'con chó, con mèo thấy chủ còn biết mừng vẫy đuôi'.
Chiều 6/5 vừa qua, chị Phạm Thị Thúy Trâm, ở quận 4 tham dự buổi họp lớp cuối cấp 2 của con trai. Giây phút cô giáo thông báo thành tích thi 3 môn của em Huỳnh Quốc Cường đạt 35,8 điểm, đứng top 8 trong lớp, chị Trâm sung sướng như trúng số: "Năm nay con mình chuẩn bị thi tuyển sinh lên lớp 10, với kết quả điểm này thì khả năng vào một trong những trường tốt của thành phố là điều có thể mong chờ".
Thành tích này so với các bạn học giỏi chưa thấm vào đâu, nhưng với Quốc Cường thực sự là một điều bất ngờ. Bởi em từng là một trẻ tự kỷ.
Với thành tích cuối kỳ này, gia đình chị Trâm đang hy vọng Cường (đeo kính) vào được một trường cấp 3 tốt. Ảnh: T.Trâm.
Từ lúc con 2-3 tháng tuổi, chị Trâm đã thấy những dấu hiệu lạ của Cường như không hóng chuyện, cũng không lanh lợi như những bé khác. Con người ta vài tháng đã biết nhận mẹ, nhưng con chị 6-8 tháng vẫn không phân biệt nổi người lạ, người quen, cũng không biểu hiện cảm xúc gì. "Nghĩ về con là thấy chua xót. Con chó, con mèo còn nhận ra chủ, biết mừng vẫy đuôi, còn con mình đến mẹ cũng không biết", chị xót xa.
Đến tuổi biết đi, lại có thêm những biểu hiện bất thường khác. Bé đi nhón chân, thích những thứ xoay vòng, không nhìn vào mắt người khác, cũng không có biểu hiện muốn nói chuyện. Khi có xe đồ chơi, Cường luôn lật ngược xe lên, xoay vòng bánh xe, rồi cười tít mắt. Cậu bé cũng thích ném đồ từ trên cao xuống.
"Ban đêm con khó ngủ vô cùng, càng yên tĩnh càng khó ngủ. Suốt 5 năm con toàn nằm võng ngủ đêm mà phải đu đưa thì mới chịu nằm yên. Hai vợ chồng thay nhau đưa võng, cực lắm. Mệt nhất là con bệnh lên xuống, nhiều lần khóc cả đêm", người mẹ 41 tuổi nhớ lại.
Ngày ấy chị Trâm làm kinh doanh thiết bị khoa học cho một công ty nước ngoài, chồng chị là nhân viên máy tính. Hôm nào cũng tối muộn mới về, chị vẫn tranh thủ mua dụng cụ dạy con và đọc truyện nhưng cậu bé không hề quan tâm đáp trả khiến chị thấy buồn, có lúc nản lòng. Thời gian sau chị chỉ còn biết cầu nguyện, nói lời yêu thương với con mỗi tối trước lúc ngủ. Trong mơ chị cũng mong mỏi con được là đứa trẻ bình thường.
Năm Cường 2,5 tuổi, vợ chồng chị cho đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bác sĩ làm bài kiểm tra thính lực, lần đầu tạo ra tiếng sóng ầm ầm bất ngờ, chị Trâm giật mình, còn Cường thì trơ trơ. Lần hai rú còi xe lửa inh ỏi, con cũng chẳng phản ứng. Lần thứ ba mở nhạc vui nhộn, cậu bé liền đứng dậy nhảy theo. Bác sĩ kết luận con không bị điếc, mà bị rối loạn não bộ.
Cậu bé sau đó phải chật vật đổi nhiều nhà trẻ. Ở đâu bé cũng vô tổ chức, nói không nghe, luôn trốn học vào toilet nghịch nước. Nhiều lần tan học chị thấy người con hằn in những vết đỏ nhưng chỉ biết nuốt xót xa vào lòng vì nghĩ đến tình cảnh con mình chẳng ai dạy nổi.
Dù trong tình cảnh tăm tối thế nào, chị Trâm vẫn luôn dành cho con sự yêu thương và tin tưởng, đây là điều chị muốn gửi đến những bậc cha mẹ có con tự kỷ. Ảnh: Minh Trí.
Lúc Cường 5 tuổi chẳng còn nơi nào nhận bé nữa, chị Trâm mới tìm đến một trường chuyên biệt trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10). Qua các bài kiểm tra, bé được xác định thuộc phổ tự kỷ, ở mức trung bình.
Song chỉ một thời gian ngắn vào đây chị Trâm nhận ra con bắt đầu thay đổi. Sau nửa năm học, ánh mắt Cường đỡ dại, biết dừng lại nhìn vào mặt người khác lâu hơn.
"Một trưa vào mùa Giáng sinh 2009, mình đang thiu ngủ đột nhiên nghe thấy tiếng Cường hát 'ừm ứm ưm...', đệm theo bài hát Giáng Sinh. Mình tỉnh cả ngủ, bật dậy chạy đến ôm con. Mình kêu con hát lại thì nó hát, bảo nó kêu ba thì nó kêu 'ba ba', bảo kêu mẹ thì nó kêu 'ẹ ẹ'...", mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc ấy chị đều trào nước mắt.
Như Thánh Gióng không nói 3 năm, đùng một ngày vươn vai thành tráng sĩ, Cường bắt nhận thức được và nói được luôn trong mùa Noel năm đó, chứ không hề qua một giai đoạn tiến triển từ từ nào khác.
"Trước mình rất sợ cảnh mỗi khi ra đường là con chạy bạt mạng, ai kêu cũng không nghe, nhưng giờ con hiểu và làm theo yêu cầu của ba mẹ, nề nếp như một đứa trẻ bình thường", chị kể. Không khí gia đình ngày đó lúc nào cũng hân hoan như Tết.
Cô Nguyễn Hoài Phú, giáo viên trực tiếp dạy Cường tại trường chuyên biệt này cho biết, lúc mới vào kỹ năng vận động của Cường thì tương đương tuổi, nhưng nhận thức chỉ mới như đứa trẻ 1-2 tuổi. Cậu bé rất lăng xăng, không nói, nhưng sau một thời gian bé học được cách tập trung, bớt lăng xăng, bớt các hành động kỳ quặc. Bé rất hiền và hợp tác nên mau tiến bộ.
Sau vài tháng quen cô giáo, Cường bắt đầu chịu quan sát cô. Một lần thấy cô nhảy lên bức tranh, Cường cũng nhảy theo và đọc theo ngắc ngứ. Từ bấy cô Phú tạo ra những bài chơi cho Cường vui, qua đó thu hút cậu bé học. Sau quá trình tác động liên tục thì Cường đã bật được khỏi cái vỏ của mình.
"Những trường hợp trẻ tự kỷ hoà nhập được khá ít, song vẫn gặp trở ngại ở một vấn đề nào đó. Nhưng Cường khá đặc biệt khi hoà nhập được và ít còn trở ngại nào", cô Phú đánh giá.
Trước những tiến bộ của con, người mẹ táo bạo đăng ký cho bé vào lớp một đúng tuổi, mời thêm giáo viên chuyên biệt về nhà dạy. Vì cậu bé chưa từng cầm bút nên năm ấy khá chật vật mới lên được lớp 2. Tuy vậy, những năm cấp 1-2, Cường chỉ học kém môn Văn, còn các môn khác học khá, riêng Anh Văn rất tốt. Thành tích thường được khá, thi thoảng có năm được giỏi.
Từ lúc con biết nhận thức, chị Trâm cũng năng đọc các sách nuôi dạy con và kèm con học mỗi lúc có thời gian. Vì Cường thích ngoại ngữ, người mẹ đã đến trung tâm học ba khóa để có thể đọc truyện tiếng Anh cho con, thậm chí học thêm với gia sư nước ngoài tại nhà hơn nửa năm. Ấy nhưng đến giờ chị chẳng dạy được con, mà ngược lại cậu bé dạy mẹ.
Chị Trâm tiếc vì mình đã quá bận bịu nên không học được nhiều kiến thức dạy con từ sớm hơn. Ảnh: Minh Trí.
"Nói đến Quốc Cường là các thầy cô ở trường đều ấn tượng và thương yêu. Hồi đầu mới nhận lớp, mình nhìn ánh mắt con biết bị vấn đề gì đó. Thật bất ngờ, khi học con rất cố gắng, lễ phép, đáng yêu và thành tích tốt hơn nhiều bạn trong lớp", cô Nguyễn Bùi Phương Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 của Cường cho biết thêm.
Bốn năm trước cậu bé đặc biệt này mê xe hơi. Đến nỗi một chiếc xe chạy thoáng trên đường cậu cũng biết thuộc hãng gì, đời nào và kể vanh vách đặc điểm. Đến giờ Cường lại chuyển qua tìm hiểu các đời điện thoại. Một khi đã thích, cậu bé đều nghiên cứu bài bản. Cường cũng hy vọng sẽ đỗ vào trường phổ thông tốt trong kỳ thi tới, xa hơn là theo đuổi ngành công nghệ thông tin trong tương lai.
Đối với gia đình chị Trâm, Cường như một món quà mà Thượng đế ban tặng. Có lần cùng con vào thăm bà ngoại ốm, Cường nói: "Sau này con còn chăm mẹ nhiều hơn mẹ chăm bà", rồi giải thích một ngày mẹ vào với bà có một lần, nhưng cậu sẽ vào 3 lần.
Chị Trâm không mong đến một ngày như vậy, mà ngay lúc này đã tận hưởng sự đáng yêu của "chàng soái ca to bự". Mỗi tối, một nụ hôn của người mẹ này vẫn đậu lên trán cậu con 15 tuổi, để trong giấc mơ con cũng thấy được yêu thương.
"Luôn yêu, tin tưởng và chăm sóc con hết mình, rồi đứa trẻ sẽ hiểu lòng mẹ cha mà đáp lại", chị Trâm nhắn nhủ các bậc cha mẹ có con đặc biệt như mình. Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một khuyết tật phát triển gây ra bởi những khác biệt trong não bộ. Hình thức bên ngoài của người mắc ASD thường không có gì khác biệt với người khác, nhưng họ có thể giao tiếp, cư xử, và học tập theo cách khác với hầu hết mọi người. Khả năng học tập, tư duy, và giải quyết vấn đề của người mắc ASD có thể nằm trong phạm vi từ tài năng đến gặp khó khăn nghiêm trọng. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2018, Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và tăng trong những năm gần đây. Không có cách chữa nào làm biến mất chứng tự kỷ. Việc can thiệp/trị liệu chỉ nhằm khống chế và làm giảm bớt các triệu chứng.
Nguồn https://vnexpress.net
|