Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách nhận biết trẻ bị vàng da và phương pháp điều trị


Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh không phải là bệnh hiếm, có thể xảy ra khi trẻ có bilirubin cao, sắc tố màu vàng được tạo ra trong quá trình phân hủy hồng cầu bình thường.

Tác giả bài viết: PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng

Vàng da ở trẻ nhỏ

Đối với trẻ mới sinh, các tế bào hồng cầu luôn được tạo mới và mất đi, nhưng sự mất đi diễn ra nhiều hơn hay là hiện tượng vỡ các hồng cầu sau sinh này, khi hồng cầu bị vỡ sẽ giải phóng ra hemoglobin, chất này sẽ được chuyển hóa tạo thành bilirubin. Từ đây bilirubin sẽ được chuyển hóa tại gan bé và đào thải ra ngoài qua phân và nước tiểu.

Tuy nhiên do gan của trẻ sơ sinh làm việc còn yếu nên việc thải bilirubin này không hiệu quả gây ra tình trạng tăng bilirubin trong máu, gây nên hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh. Theo y văn đây được gọi là vàng da sơ sinh sinh lý.

Với nhiều trường hợp, hiện tượng trẻ em bị vàng da sinh lý sẽ tự hết dần khi gan của bé phát triển và khi bé bắt đầu ăn, giúp thải bilirubin ra khỏi cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp, vàng da sẽ biến mất trong vòng từ 2 đến 3 tuần sau sinh.

Bên cạnh đó vẫn có hiện tượng vàng da bệnh lý, đó là những trường hợp vàng da kéo dài hơn ba tuần hoặc những trẻ có mức bilirubin gián tiếp trong máu quá cao vượt ngưỡng sinh lý. Với những trẻ có nồng độ bilirubin ở mức cao có thể khiến trẻ có nguy cơ bị điếc, bại não hoặc các dạng tổn thương não khác. Chính vì thế, các chuyên gia luôn khuyến cáo rằng tất cả trẻ sơ sinh phải được kiểm tra dấu hiệu vàng da (hoặc ít nhất là 8 đến 12 giờ) trước khi xuất viện và vài ngày sau khi xuất viện .

Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh vàng da ở trẻ

Những yếu tố gây nên hiện tượng vàng da ở trẻ chủ yếu do:

- Trẻ sơ sinh non tháng là những trẻ sinh ra trước 37 tuần.

- Trẻ sơ sinh có loại máu không tương thích với nhóm máu của mẹ hay còn gọi là bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con: sẽ xảy ra hiện tượng các kháng thể phá huỷ các tế bào hồng cầu và làm bilirubin của bé tăng cao đột ngột.

Các yếu tố nguy cơ khác của vàng da trẻ nhỏ:

- Bầm tím khi sinh hoặc xuất huyết nội tạng nhiều.

- Bệnh lý về gan, mật.

- Nhiễm trùng.

- Thiếu hụt enzyme.

- Bé có sự bất thường về hồng cầu.

Dấu hiệu trẻ bị vàng da là da bé vàng hơn và kết mạc mắt (lòng trắng) của đứa trẻ cũng bị vàng. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị vàng da

Dấu hiệu trẻ bị vàng da là da bé vàng hơn và kết mạc mắt (lòng trắng) của đứa trẻ cũng bị vàng. Biểu hiện vàng da này có thể bắt đầu trong vòng hai đến bốn ngày sau khi sinh và có thể bắt đầu ở mặt của bé trước, sau đó lan xuống khắp cơ thể.

Nồng độ bilirubin thường cao nhất từ 3 đến 7 ngày sau khi sinh. Nếu mẹ dùng một ngón tay ép nhẹ nhàng lên da của em bé khiến cho vùng da trở nên vàng, rất có thể đó là dấu hiệu của bệnh vàng da.

Xét về góc độ y khoa, vàng da ở trẻ nhỏ được phân thành hai nhóm: Vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Mỗi dạng sẽ có những biểu hiện khác nhau, mẹ cần nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để phát hiện sớm vàng da bệnh lý, kịp thời điều trị, tránh được những biến chứng nặng nề.

Vàng da sinh lý:

- Thường chiếm 45 - 60% trẻ đủ tháng và hơn 60% trẻ đẻ non. Có một số đặc điểm.

- Thời gian xuất hiện vàng da sau 24 giờ tuổi.

- Mức độ vàng da nhẹ - trung bình.

- Tốc độ vàng da tăng chậm; đạt mức độ cao nhất vào ngày thứ 3 - 4 (trẻ đủ tháng), ngày thứ 5 - 6 (trẻ đẻ non) rồi giảm dần.

- Vàng da kéo dài dưới 10 ngày.

- Vàng da đơn thuần, không kèm với các dấu hiệu bất thường khác.

Sau sinh 72 giờ bệnh viện sẽ cho sản phụ và em bé ra viện. Nếu cẩn thận hơn, vài ngày sau sinh mẹ nên mang theo bé đến bác sĩ để khám, vì mức độ bilirubin cao nhất từ 3 đến 7 ngày sau sinh. Khi khám bác sĩ chỉ cần nhìn bằng mắt cũng đã biết bé bị vàng da hay không.

Vàng da bệnh lý

Hầu hết các trường hợp vàng da là bình thường, nhưng đôi khi vàng da có thể chỉ ra một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Chứng vàng da nghiêm trọng khi bilirubin tăng cao quá mức có thể gây tổn thương não.

Mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để khám khi thấy con có những dấu hiệu như:

- Vàng da xuất hiện sớm trước 24 giờ tuổi.

- Mức độ vàng da càng lúc càng rõ, vàng toàn thân.

- Tốc độ vàng da tăng nhanh.

- Vàng da kéo dài trên 1 tuần (đủ tháng) hay trên 2 tuần (đẻ non).

- Vàng da có kèm với bất kỳ dấu hiệu bất thường khác.

Những dấu hiệu bất thường khác có thể là: Nôn, bú kém, bụng chướng, cơn ngưng thở, nhịp thở nhanh, nhịp tim chậm, hạ thân nhiệt, sụt cân, xanh tái, ban xuất huyết, ngủ li bì, gồng cứng người, co giật, hôn mê…

Liệu pháp trị liệu bằng chiếu đèn là phương pháp điều trị thông thường và có hiệu quả cao. Ảnh minh họa

Trẻ mới sinh bị vàng da điều trị như thế nào?

Vàng da sinh lý sẽ tự hết sau 2-3 tuần.

Còn trẻ sơ sinh bị vàng da kéo dài do bệnh lý nghiêm trọng hơn có thể cần các phương pháp điều trị khác. Liệu pháp trị liệu bằng chiếu đèn là phương pháp điều trị thông thường và có hiệu quả cao. Nhiều mẹ sẽ thắc mắc bé bị vàng da chiếu đèn bao lâu, việc chiếu đèn này có thể giúp phá vỡ bilirubin trong cơ thể của em bé. Tùy vào mức độ và xác định bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định thời gian chiếu đèn cho các bé vàng da.

Với phương pháp trị liệu bằng ánh sáng, bé sẽ được đặt trên một chiếc giường đặc biệt dưới ánh sáng màu xanh, trong khi bé chỉ mặc một cái tã và được che mắt bằng vải đen. Trong những trường hợp rất nặng, có thể cần thay truyền máu. Khi thay truyền máu, bé sẽ nhận được một lượng máu nhiều hơn so với lượng máu của trẻ sẵn có. Việc này sẽ thay thế máu bị hỏng của bé bằng các tế bào hồng cầu khoẻ mạnh. Điều này cũng làm tăng số tế bào hồng cầu của bé và làm giảm mức bilirubin.

Phòng ngừa bệnh vàng da trẻ sơ sinh trở nên trầm trọng

Nếu bé bị vàng da, có nhiều cách mẹ có thể ngăn ngừa chứng bệnh này trở nên trầm trọng hơn, như:

- Đảm bảo bé có đủ dinh dưỡng thông qua sữa mẹ.

- Nếu mẹ không thể cho con bú sữa mẹ vì chưa có sữa kịp thời, có thể chọn sữa công thức cho bé bú. Nên tư vấn với bác sĩ, nếu mẹ quan tâm đến việc bé đang dùng quá ít hoặc quá nhiều sữa công thức.

- Theo dõi cẩn thận bé trong 5-7 ngày đầu tiên sau sinh các triệu chứng của bệnh vàng da, chẳng hạn như vàng da và mắt.

Nếu mẹ nhận thấy rằng bé có các triệu chứng bệnh vàng da, hãy cho bé di khám ngay lập tức.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Nguồn https://eva.vn