Sinh con thuận tự nhiên: Đừng đẩy mình vào nghịch cảnh "kẻ giết con" ngay sau khi vừa vượt cạn
Sinh con thuận tự nhiên chẳng khác gì đặt cược mạng sống của mẹ và bé chỉ để đổi lấy... không gì cả.
Có một thực tế là trong khi tại Việt Nam và trên thế giới vẫn có biết bao nhiêu sản phụ đã mất mạng, mất con vì những biến chứng sau sinh mà không được y tế can thiệp kịp thời thì trào lưu sinh con thuận tự nhiên vẫn đang được nhiều sản phụ mông muội tin theo. Nhiều người mẹ vẫn quyết định mạo hiểm cuộc sống của cả mình và của con, chơi một ván cờ lớn với tử thần thay vì tin tưởng vào đội ngũ y tá, bác sĩ có chuyên môn và những tiến bộ vượt bậc của Y khoa. Đẻ dễ thì sống. Đẻ khó thì chết.
Ngày 22.4.2019, sản phụ B.T.Th (SN 1989, Đắk Lắk) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên trong tình trạng choáng, trụy mạch, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được do bị băng huyết sau khi sinh con tại nhà. Sản phụ may mắn được các bác sĩ tiến hành cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ tử cung, truyền lượng máu lớn nhất từ trước đến nay tại khoa sản (21 đơn vị máu) mới được cứu sống. Chậm chân một chút nữa thôi, ai cũng có thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra.
Cuối năm 2018, một thai phụ ở Hà Giang đau bụng chuyển dạ nhưng không đến bệnh viện. Trước đó, chị đã từng sinh 2 bé tại nhà thành công. Nhưng lần này, mọi chuyện không đơn giản như thế. Chị đau dữ dội, ngất lịm. Khi được gia đình đưa đến bệnh viện, sản phụ nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, vỡ tử cung. Thai nhi 39 tuần đã tử vong trong bụng mẹ. Các bác sĩ đã mổ lấy thai nhi, đồng thời cắt tử cung bán phần cho sản phụ. Sự đau đớn và nỗi hối hận chắc chắn sẽ chẳng dễ dàng buông tha cuộc đời người mẹ.
Ở bang California (Mỹ), tháng 10/2018, một người mẹ có tên Lisa đã mất đi đứa con vừa chào đời của mình vì chọn phương pháp sinh nở thuận tự nhiên. 6 ngày sau chuyển dạ, em bé Journey Moon, nặng 4kg này mãi mãi là một thiên thần ngủ vì bị nhiễm trùng đường tiết niệu mà người mẹ đã mắc phải. Điều đáng nói là bất kỳ một chuyển biến nào từ đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ hay những cơn đau dữ dội, Lisa đều liên tục cập nhật cho một hội nhóm gồm 12 nghìn thành viên. Các thành viên của hội nhóm đã thúc giục cô tiếp tục với lựa chọn sinh con "thuận tự nhiên" và "tin tưởng vào quá trình".
Để rồi cuối cùng, điều đáng tiếc nhất đã xảy ra. Ngoài nỗi đau mất con, Lisa còn bị cư dân mạng tấn công dồn dập đến mức 3 tuần sau phải đóng trang mạng xã hội. Một số thành viên trên mạng còn gọi cô là "kẻ giết con", "con quái vật". Nhưng không ai trong số những người đã từng cổ vũ cho Lisa dám lên tiếng hay bảo vệ cô.
Còn nhớ tháng 6/2017, Lisa Barrett, một phụ nữ sống ở Adelaide, Úc bị buộc phải chịu trách nhiệm với cái chết của hai đứa trẻ sau khi cổ súy việc sinh thuận tự nhiên tại nhà. Trường hợp tiếp theo xảy ra ở Melbourne vào năm 2012, sau khi bà mẹ hai con Caroline Lovell tử vong khi sinh bé thứ hai. Nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm này là do cô đã bị chảy máu quá nhiều khi sinh con thuận tự nhiên tại nhà mà không được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Trước đó, tại New South Wales vào năm 2015, một em bé gặp biến chứng nhưng người mẹ vẫn khăng khăng giữ bé ở nhà mà không chịu đem đến bệnh viện cấp cứu. Bé sơ sinh tử vong khi chỉ mới được ba ngày tuổi. Vị bác sĩ từng khuyên người mẹ mang con đến bệnh viện, thực sự rất sốc khi một người mẹ lại có thể đứng nhìn con mình chết như vậy mà vẫn bảo thủ những quan điểm điên rồ.
Thông qua những tuyên truyền của hội nhóm, một số bà mẹ đang hiểu sai khái niệm của sinh con thuận tự nhiên và cố tình thực hiện những điều sai để phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc. Sinh con thuận theo tự nhiên không có nghĩa là sản phụ tự mình xoay xở sinh nở ở nhà. Đặc biệt nghiêm trọng khi sản phụ tự sinh mà không có sự giám sát của y bác sĩ, không cắt dây rốn, không tiêm chủng. Đó là phản khoa học! Rất nhiều chuyên gia y khoa đã lên tiếng rằng việc sinh con tại nhà rất nguy hiểm, đó là hành động liều lĩnh khi từ chối mọi sự can thiệp của y tế.
Nhiều mẹ bao biện cho hành động liều lĩnh của mình bằng việc dẫn ra các bà các mẹ ta từ xưa đã áp dụng phương pháp đẻ tại nhà mà không nghĩ về hoàn cảnh thực tế thời kỳ đó, khi mà mạng lưới y tế chưa phát triển như hiện tại, điều kiện khoa học chưa đủ đầy. Khi đó đây là việc chẳng đặng đừng, chứ các bà các mẹ đâu có tôn sùng mông muội đi theo 1 trào lưu mà những người tuyên truyền đã cắt xén và đẩy lệch thông tin. Cái trào lưu sinh nở thuận tự nhiên hiện tại mà nhiều mẹ vẫn hô hào, chẳng khác gì việc chấp nhận những rủi ro bất thường mà không cho mình và con được cơ hội cứu sống. Bởi tự nhiên luôn ẩn chứa những điều bất thường mà con người không thể lường trước được.
Nếu tự theo dõi chuyển dạ mà không có sự hỗ trợ của các bác sĩ hay nhân viên y tế có chuyên môn, những nguy hiểm có thể xảy ra như: đầu không lọt, cổ tử cung không tiến triển, sa dây rốn trước ngôi, suy thai, chảy máu trong chuyển dạ, sang chấn cho bé trong quá trình chuyển dạ, sang chấn tầng sinh môn, đờ tử cung. Và cực nguy hiểm nếu thai phụ nằm một trong 5 tai biến sản khoa: băng huyết sau sinh, tiền sản giật, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung, uốn ván rốn.
Biến chứng trong khi sinh đòi hỏi cần được can thiệp lập tức, thường chỉ có 30 phút can thiệp nên phần lớn sản phụ tử vong do tai biến khi sinh đẻ vì không kịp đưa đến bệnh viện. Đối với thai nhi, ngạt thiếu oxy dẫn đến thiếu máu não, dẫn đến tử vong lập tức. Nếu thai nhi sống sót thì các tổn thương lên não sẽ để lại hậu quả nặng nề sau này như giảm thiểu trí tuệ hoặc chậm phát triển.
Thậm chí việc giữ lại dây rốn nối liền với bánh rau sau sinh, chờ ngày tự rụng trong phương pháp sinh thuận tự nhiên cũng đẩy em bé vào nguy hiểm. Vì sau sinh, tổ chức bánh rau đang phân hủy dần. Bánh rau sau khi ra ngoài một thời ngắn dây rốn ngừng đập và không có lượng máu cung cấp từ tử cung nên sẽ trở thành tổ chức chết. Hiển nhiên nguy cơ nhiễm trùng cao trên mô chứa máu như bánh rau từ vi khuẩn sẽ xảy ra. Trong khi vẫn có kết nối với bé bằng dây rốn thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Và nguy hiểm nhất là bé sơ sinh gặp nhiễm khuẩn huyết rất khó điều trị, phải được cấp cứu hồi sức tích cực mới qua khỏi.
Năm 2016, Tạp chí New York từng có thống kê, tỷ lệ tử vong khi sinh con tại nhà cao gấp 7 lần sinh tại bệnh viện. Nguyên nhân được đưa ra là do bà mụ thiếu kỹ năng chuyên khoa, không được đào tạo trong trường hợp có biến chứng. Nếu các mẹ cứ "lao theo" trào lưu nguy hiểm này chắc chắn việc gặp rủi ro còn cao hơn bội phần con số 7 lần vì không có ai theo dõi bên cạnh và điều kiện tại nhà cũng không được đảm bảo.
Hay nói cách khác, sinh con thuận tự nhiên là một phương pháp phản khoa học, đồng nghĩ với việc người mẹ quyết định đóng lại mọi cánh cửa để cứu sống mình và con trong trường hợp bất trắc. Hãy sáng suốt, đừng vô tình đẩy mình vào vai "kẻ giết con" hay người tìm đường tự sát sau cuộc vượt cạn chỉ bằng những bài viết không có tính xác thực, vài ba trường hợp chia sẻ kinh nghiệm ít ỏi trên mạng xã hội. Bởi cuối cùng, phần thu được có khi chỉ là sự hối hận tột độ và làn sóng phẫn nộ từ dư luận.
Làm mẹ là một việc khó. Cửa sinh cũng là cửa tử. Bởi vậy các mẹ hãy vì bản thân mình và vì con, hãy học cách tiếp nhận thông tin với tư duy phản biện. Hãy để Y khoa làm nhiệm vụ của mình, bởi "thuận tự nhiên" là bước theo dòng phát triển, tiến bộ của xã hội, chọn sự an toàn, kiểm soát rủi ro chứ không phải là đi ngược lại về với hủ tục. Hãy cho phép mẹ và bé được quyền sống, thay vì mạo hiểm đánh cược với tỷ lệ thua cược chắc chắn ở kèo trên! - Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả -
Nguồn http://helino.ttvn.vn/ |