Trời nóng bức, nên để nhiệt độ trong phòng điều hòa là bao nhiêu để tốt cho trẻ?
Các mẹ nên phân biệt được nhiệt độ phòng và nhiệt độ của điều hòa để áp dụng cho trẻ trong những ngày nóng bức ngày hè này.
Những ngày đầu mùa hè, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng phủ khắp diện rộng và điều hòa luôn được coi là sản phẩm cứu cánh hữu hiệu nhất với gia đình có trẻ nhỏ. Thế nhưng, không phải cứ dùng điều hòa, giảm nhiệt độ xuống thật mát là có thể mang đến sự an toàn, thoải mái cho trẻ. Bởi thực tế đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí nghiêm trọng đến mức phải nhập viện vì bố mẹ sử dụng điều hòa không đúng cách.
Dưới đây là những sai lầm của các mẹ trong việc sử dụng điều hòa cho bé ngày nắng nóng được các bác sĩ, chuyên gia cảnh báo. Bên cạnh đó là những kiến thức chuẩn mà bất cứ gia đình có con nhỏ nào cũng cần phải "bỏ túi".
Nhiệt độ phòng khác nhiệt độ điều hòa
Việc bố mẹ phụ thuộc vào thân nhiệt của bản thân hoặc cảm quan của mình để quyết định nhiệt độ bật điều hòa cho trẻ là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi lẽ, trẻ em và người lớn có mức cảm nhận nhiệt độ khác nhau, trung tâm điều hoà nhiệt của trẻ con chưa hoàn thiện như ở người lớn, nên khi nóng hoặc lạnh quá mức sẽ không chịu được. Ví dụ nếu người lớn cảm thấy nhiệt độ là mát thì có thể trẻ cảm thấy là lạnh.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) từng cho biết: "Việc sử dụng đo nhiệt độ phòng để điều chỉnh nhiệt độ trên điều hòa là rất cần thiết bởi nhiều nhà đặt điều hòa 25-26 độ nhưng nhiệt độ phòng lại xuống mức 22 độ hay đặt nhiệt độ trên điều hòa thấp nhưng nhiệt độ phòng vẫn cao. Nên nhớ việc sử dụng điều hòa còn phụ thuộc vào khối không khí và diện tích phòng; công suất và mức độ mới hay cũ của điều hòa và muốn nhiệt độ phòng ổn định thì điều kiện cần phải có là quạt thông gió cùng chiều với gió của điều hòa thổi ra".
Ông cũng tư vấn, nhiệt độ phù hợp cho trẻ từ 26-32 độ. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh, nhiệt độ luôn phải đặt cao hơn người lớn bởi trẻ nhạy cảm với nhiệt độ. Trẻ sơ sinh đẻ non tháng hoặc ở tuần đầu, nhiệt độ phù hợp là 32 độ. Còn trẻ sơ sinh đủ tháng nhiệt độ thường khoảng 30 độ tùy theo tuổi của trẻ.
Tuy nhiên, các gia đình nên lưu ý đặt quãng nhiệt độ 26 -32 độ. Trẻ càng lớn, sức khỏe tốt hơn thì nhiệt độ càng giảm. Để đặt nhiệt độ phù hợp cho bé, các mẹ nên giảm hoặc tăng từ từ khoảng 0,5 độ một cho đến khi bé thoải mái, không có biểu hiện ra mồ hôi hoặc ho.
Điều hòa không được vệ sinh thường xuyên
Nhiều gia đình thường không chú ý đến việc vệ sinh máy điều hòa, để nguyên sử dụng từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên, đó là sai lầm hàng đầu khiến trẻ dễ bị bệnh, bởi điều hòa có thể sẽ trở thành nguồn gốc phát sinh bệnh cho trẻ em.
Vì vậy, cần chú ý về việc vệ sinh máy điều hòa định kỳ, khoảng 3-4 tháng/1 lần, đặc biệt sau khi đổi mùa từ đông sang hè, hay sau thời gian dài không sử dụng để tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy.
Ngoài ra, phòng bật điều hòa thường xuyên cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ. Khi không bật điều hòa, mở cửa phòng cho thoáng khí, tránh tích tụ nhiều bụi bẩn, vi khuẩn.
Mở điều hòa trong suốt thời gian kéo dài
Thời gian nắng nóng, nhiều bố mẹ muốn đảm bảo cho con một bầu không khí mát lạnh đã không ngại việc bật điều hòa cả ngày, dù ngốn thêm một khoản tiền điện kha khá. Tuy nhiên, việc làm này tưởng hữu ích mà lại là có hại. Bởi việc ở trong phòng điều hòa liên tục, kéo dài sẽ khiến cho niêm mạc mũi của trẻ bị khô do đó dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp.
Do đó, bố mẹ không nên bật liên tục cả ngày dài mà mỗi 8 tiếng nên tắt điều hòa, mở cửa phòng giúp đối lưu không khí trong phòng. Khi ra khỏi phòng nên mở cửa to và đứng ở cửa vài phút để cơ thể kịp thích nghi với không khí mới. Khi bật điều hòa vào ban đêm, các bố mẹ cũng nên lưu ý thời gian sử dụng, thường về sáng nhiệt độ cơ thể sẽ hạ, nhiệt độ ngoài trời cũng dễ chịu hơn, nhưng cũng dễ bị cảm lạnh. Vậy nên lúc này bố mẹ nên tắt điều hòa, mở cửa phòng, bật quạt điện để trẻ ngủ được ngon hơn.
Đặt chậu nước trong phòng điều hòa
Từ trước đến nay, nhiều mẹ vẫn lan truyền nhau mẹo nhỏ khi sử dụng điều hòa là đặt thêm một chậu nước trong phòng để tạo đổ ẩm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đặt điều hòa với chậu nước trong phòng là hoàn toàn sai lầm. Ở Việt Nam, nhiệt độ nóng ẩm, không nên đặt chậu nước hay những thứ khác khi sử dụng điều hòa.
Nếu chịu khó quan sát, các mẹ sẽ thấy sau một ngày, mực nước trong chậu gần như giữ nguyên hoặc bốc hơi cực chậm. Điều đó chứng tỏ, nước không hề bốc hơi tạo độ ẩm cho cả phòng như "tin đồn". Thay vào đó, các mẹ có thể dùng khăn ẩm lau cơ thể cho bé. Dùng cách này sẽ thấy hiệu quả hơn, hơi nước trên sàn nhà bốc hơi rất nhanh.
Tương tự như thế, việc đặt thêm máy phun sương để tạo độ ẩm cũng là không cần thiết. Bởi nếu trẻ hít phải nhiều hơi nước, ở trong môi trường độ ẩm nhiều, sẽ không tốt cho hệ hô hấp, dễ gây viêm phổi, ho...
Bật điều hòa để gió phả trực tiếp vào đầu trẻ
Khi phòng có trẻ em, các bố mẹ nên lắp đặt điều hòa ở vị trí tránh phả thẳng không khí lạnh vào giường ngủ của trẻ. Bởi việc điều hòa phả thẳng vào đầu trẻ sẽ khiến trẻ khó chịu, thậm chí những bé có cơ địa yếu sẽ rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi... Vì vậy, khi bật điều hòa bố mẹ cũng nên để điều hòa chạy ở chế độ tản gió, giúp gió đảo đều khắp phòng, tạo cho bé sự dễ chịu.
Ngoài những lời khuyên trên, các mẹ cần rằng để trẻ khỏe mạnh, hãy để cho con có cơ hội được chạy nhảy, thích nghi với thời tiết và rèn luyện nhiều hơn. Tích cực cho trẻ uống nhiều nước vào những ngày thời tiết nóng bức hoặc vận động nhiều.
Nguồn https://eva.vn
|