Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học khiến các bậc phụ huynh lơ là cảnh giác với con trong vấn đề "muôn thuở" này phải giật mình thon thót



Mới đây, các nhà khoa học ở Canada đã chỉ ra tác hại to lớn của việc để trẻ nhỏ dán mắt vào màn hình điện thoại, dù chỉ là 2 tiếng mỗi ngày.

 

Cuộc sống ngày càng phát triển, trong mỗi gia đình dù điều kiện kinh tế không mấy khá giả cũng đều không thể thiếu các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, tivi, máy tính. Bởi chúng không chỉ để phục vụ công việc mà còn giúp giải trí trong cuộc sống hàng ngày.

 

Trong nhiều trường hợp, việc đưa cho trẻ chiếc điện thoại di động hay để trẻ xem tivi nhiều giờ liền là cách dễ dàng để bố mẹ không phải chơi cùng con, có thời gian nghỉ ngơi hay làm các việc khác. Đó chính là lí do vì sao trẻ em ngày nay đang có xu hướng xem ti vi, điện thoại và các loại thiết bị điện tử khác vượt quá thời gian cho phép với từng lứa tuổi.

 

Đã có rất nhiều bài học đau đớn nhưng dường như nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự cảnh giác cao độ. Bởi mắt của con đâu có hỏng luôn sau 2 tiếng xem điện thoại, hành vi của con đâu có thay đổi sau 1 tiếng nhìn vào màn hình... nhưng về lâu về dài thì chẳng ai biết trước được.

 

 

Mới đây, các nhà khoa học ở Canada đã chỉ ra tác hại to lớn của việc để trẻ nhỏ dán mắt vào màn hình điện thoại, dù chỉ là 2 tiếng mỗi ngày.

 

Theo Daily mail, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu đứa trẻ dành hàng giờ để nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại di động, máy tính bảng mỗi ngày sẽ cư xử tồi tệ hơn khi chúng lên 5 tuổi. Ngoài ra, những đứa trẻ trước độ tuổi đến trường sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác trong hơn 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày cũng có khả năng mắc ADHD (bệnh thiếu chú ý và hiếu động) cao hơn gấp 5 lần.

 

Theo đó, các nhà khoa học tại Đại học Alberta đã nghiên cứu hơn 2.400 gia đình và nhận thấy những đứa trẻ được bố mẹ cho "dán mắt vào màn hình" có nhiều vấn đề về hành vi hơn. Bên cạnh đó chúng còn có nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cao hơn, những đứa trẻ sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá 2 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng này cao hơn gấp 5 lần.

 

 

"Chúng tôi thấy thời gian sử dụng các thiết bị điện tử ở trẻ có tác động đáng kể ở độ tuổi lên 5", tiến sĩ Piush Mandhane, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết.

 

Tiến sĩ Mandhane cũng nói với MailOnline rằng: "Dữ liệu của chúng tôi thu thập được cho thấy thời gian sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn dẫn đến thời gian ngủ ít hơn. Nếu trẻ hình thành thói quen ngủ đều đặn, thời gian thức giấc và ngủ phù hợp thì đó cũng là một phần quan trọng trong sự phát triển về thể chất và hành vi. Trong một phân tích khác, chúng tôi thấy rằng những đứa trẻ sử dụng các thiết bị điện tử hơn 2 tiếng mỗi ngày sẽ giảm gần 10% khả năng ngủ 10 giờ mỗi ngày, đồng nghĩa với việc thời gian ngủ ngày càng ít hơn".

 

 

Nghiên cứu này cũng "đồng tình" với một nghiên cứu khác trong quá khứ cho thấy nếu giấc ngủ bị ảnh hưởng thì sự phát triển não sẽ kém hơn, xuất hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần và mắt bị tổn thương. Thiếu ngủ trong thời thơ ấu có thể kìm hãm sự phát triển của não bộ và do đó dẫn đến những vấn đề trong cuộc sống sau này.

 

Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu CHEO ở Ottawa cũng đã chỉ ra rằng trẻ em từ 8 đến 11 tuổi có chức năng não kém hơn 5% so với các bạn cùng lứa nếu chúng dành hơn 2 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử. Họ tin rằng điều này có thể là do các trò chơi và video không kích thích não theo cách tương tự như đọc một cuốn sách. Điều đó cũng có nghĩa là chúng không ngủ ngon được như những đứa trẻ khác.

 

Trong nghiên cứu được công bố hôm 17/4 mới đây, các nhà khoa học nhận thấy môn thể thao có tổ chức và giấc ngủ ngon thực sự có thể bảo vệ bộ não khỏi những tác động xấu nếu trẻ dán mắt vào màn hình quá lâu.

 

 

Những lưu ý quan trọng khi cho con xem điện thoại di động, máy tính bảng, máy vi tính:

 

Giới hạn thời gian chơi

 

Cha mẹ cần đặt ra các giới hạn và thời gian thích hợp cho con tiếp xúc với màn hình các loại thiết bị điện tử. Dành thời gian còn lại để giúp trẻ và cùng trẻ thực hiện các hoạt động sáng tạo, có ích.

 

Đừng cho con riêng 1 chiếc điện thoại di động

 

Không mua điện thoại di động cho bé. Nếu con có chơi, để con chơi trên điện thoại của bạn và tất nhiên, trong khoảng thời gian cho phép.

 

 

Hãy làm gương cho trẻ

 

Đây là điều bắt buộc và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cha mẹ cần nêu gương tốt cho con. Nếu bạn cũng dành nhiều thời gian xem điện thoại di động, bản thân bạn phải "cai nghiện" trước. Sẽ không thể giải quyết triệt để "vấn nạn" nghiện điện thoại của con nếu chính bạn không thực hiện tốt.

 

Theo dõi và giám sát những gì con xem trên điện thoại

 

Đặc biệt là các clip, các trò chơi. Bạn cần nhận biết ngay nếu con chơi thứ gì đó bạo lực, không lành mạnh. Việc giám sát chặt chẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị tiêm nhiễm nhiều ý tưởng xấu từ nhỏ.

 

Không cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử

 

Đây là nguyên tắc bạn cần nghiêm chỉnh tuân thủ. Bởi nếu tiếp xúc quá sớm với các thiết bị điện tử, trẻ sẽ dễ dàng sa đà vào đó, khó từ bỏ và phải đối mặt với nhiều hậu quả về lâu dài.

 

Nguồn http://afamily.vn