Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ sơ sinh đi ngoài có hạt có đáng lo ngại?


 

Việc trẻ sơ sinh đi ngoài có hạt có thể là biểu hiện tốt. Tuy nhiên trong 1 vài trường hợp có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ gặp phải vấn đề về sức khỏe.

 

Phân trẻ sơ sinh có sức khỏe tốt biểu hiện như thế nào?

 

Việc theo dõi trẻ đi ngoài như thế nào, phân có hiện tượng gì lạ là điều quan trọng để biết về tình trạng sức khỏe, sự phát triển của bé.

 

Khi trẻ mới ra đời trong 1, 2 ngày đầu sẽ có phân su màu xanh đen, sệt và dính. Đây là "sản phẩm" tạo nên từ nước ối, chất nhầy và những gì bé tiêu hóa trong bụng mẹ. Khi chào đời phân của trẻ bú mẹ và bú sữa công thức sẽ khác nhau.

 

 

Mẹ cần theo dõi phân của bé kỹ để phát hiện bất thường

 

Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn:

 

Sữa non hay sữa đầu của mẹ sẽ giúp nhuận tràng, đẩy phân su ra khỏi người bé. Khoảng ba ngày sau phân của bé sẽ có sự thay đổi dần dần.

 

Chúng có màu sáng hơn, từ xanh nâu sang vàng, mùi hơi ngọt. Kết cấu hơi hỏng, đôi khi có lợn cợn hoặc vón cục. Bú sữa mẹ là một lý do khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có hạt.

 

 

Bé bú sữa mẹ và sữa công thức phân sẽ khác nhau

 

Ở vài tuần đầu tiên trẻ thường đi đại tiện khi bú hoặc sau đó. Sau đó thì hệ tiêu hóa của bé sẽ thiết lập chu kỳ, chỉ đi đại tiện vài ngày một lần hoặc một tuần một lần. Miễn là phân mềm và dễ ra thì mẹ không cần lo lắng.

 

Trẻ sơ sinh bú sữa ngoài:

 

Khi trẻ bú sữa công thức phân sẽ nhiều hơn bé bú sữa mẹ. Có màu vàng nhạt hoặc nâu vàng, nặng mùi giống phân của người lớn hơn.

 

Trẻ chuyển từ bú mẹ sang bú sữa công thức:

 

Khi đang bú mẹ hoàn toàn sang uống sữa công thức thì phân của bé sẽ sẫm màu và giống bột hồ, nặng mùi hơn.

 

Trẻ bắt đầu ăn dặm:

 

Giai đoạn này phân của bé sẽ có sự thay đổi rất lớn. Màu phân phụ thuộc khá nhiều vào thực phẩm mà mẹ cho bé ăn. Ví dụ bé ăn cá rốt thì chất thải sẽ có màu cam sáng.

 

Khi bé tập ăn nhiều món khác nhau thì phân sẽ đặc hơn, sẫm và bốc mùi hơn.

 

 

Bé bú sữa công thức và bắt đầu ăn dặm phân sẽ có mùi nặng hơn

 

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có hạt

 

Khi thấy trẻ sơ sinh đi ngoài có hạt thì mẹ không cần phải quá lo lắng mà phải bình tĩnh theo dõi. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn đây là điều hết sức bình thường và còn tốt cho hệ tiêu hóa của bé.

 

Bởi trong sữa mẹ có các chất giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tăng hoạt động của nhu động ruột giúp bé đi ngoài dễ hơn. Phân của bé sẽ có màu vàng, hơi hỏng, có hạt trắng nhỏ, hoặc kiểu hoa cà hoa cải.

 

Một hiện tượng trẻ sơ sinh đi ngoài có hạt nữa mà mẹ không cần phải quá lo lắng đó là đi ngoài phân sống. Điều này xảy ra ở trẻ sơ sinh bú mẹ trong ba tháng đầu.

 

Phân bé sẽ có hạt trắng, chất nhầy, sủi bọt hay tách ra thành phân - nước màu dưa cải.

 

 

Phân có hạt hay phân hoa cải là hiện tượng bình thường khi trẻ bú sữa mẹ

 

Nếu trẻ vẫn ăn uống, lên cân và sinh hoạt bình thường thì không vấn đề gì. Hiện tượng này sẽ hết sau khoảng 60 - 90 ngày. Bởi do cặn sữa tích tụ hay không quen với một số chất trong đó.

 

Một nguyên nhân khác là do bé bị lạnh bụng, ăn món lạ hoặc do bị cảm mệt, sau khi chích ngừa. Trường hợp này nếu bé đi quá 3 lần/ ngày, kéo dài, kèm sốt cao, mặt tái nhợt thì phải đưa bé đi khám ngay.

 

Những dấu hiệu bất thường mẹ cần lưu ý

 

Khi chăm sóc trẻ, mẹ nên theo dõi tình trạng phân, nếu thấy các hiện tượng sau thì mẹ phải đưa bé đi khám bác sĩ ngay:

 

Phân màu xanh, lỏng, đại tiện thường xuyên và nhiều hơn bình thường cho thấy có thể bé bị tiêu chảy.

Khó khăn khi đi đại tiện, rặn đỏ mặt tía tai, phân khô và nhỏ, cứng là do bị táo bón.

Phân bé có mùi chua, nhiều bọt do lượng đường trong sữa hoặc lượng tinh bột không tiêu hóa hết gây kích ứng dạ dày.

Phân màu rất nhạt có thể là dấu hiệu của bệnh vàng da hoặc vấn đề về gan.


Như vậy việc trẻ sơ sinh đi ngoài có hạt không phải là hiện tượng đáng lo ngại, nguy hiểm. Chỉ cần bé ăn ngủ tốt, phân không có hiện tượng bất thượng khác là mẹ hoàn toàn có thể yên tâm.

 

Nguồn https://www.marrybaby.vn