Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thịt lợn không thể thiếu trong bữa ăn gia đình


Thịt lợn là món ăn truyền thống, thông dụng nhất trong mỗi gia đình, đặc biệt là ở vùng nông thôn người ta sử dụng nhiều và thường xuyên trong các bữa ăn. Thịt lợn rất dễ ăn và tần suất ăn nhiều nhưng không chán so với các loại thịt khác. Thịt lợn dễ chế biến, chế biến được nhiều món ăn từ luộc, rang, chiên, nướng, kho…phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già, vì vậy thịt lợn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của từng người, từng gia đình.

Tuy nhiên đứng trước tình hình dịch lơn hiện nay, nhiều người lo ngại không ăn thịt lợn. Việc quan tâm đến sức khỏe và bệnh tật là rất tốt, nhưng việc đầu tiên là quan tâm đến chất lượng của mỗi bữa ăn gia đình, mà chất lượng bữa ăn thì xuất phát từ nguồn thực phẩm phải tươi, ngon và đảm bảo an toàn. Nhưng người dân cũng đừng quá lo lắng, không nên tẩy chay thịt lợn mà chúng ta hãy quan tâm đến cách ăn, cách chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dịch bệnh ở gia súc hiện nay đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, hiện nay nó đang xuất hiện và vi khuẩn còn tồn tại lâu dài thỉnh thoảng lại xuất hiện trở lại. Biện pháp xử lý là bao vây ổ dịch và tiêu hủy đàn gia súc mắc bệnh, hiện nay ngành thú y cũng đang tiến hành các biện pháp ngăn chặn để hạn chế dịch xảy ra tràn lan làm thiệt hại kinh tế của người dân và xã hội. Ngoài ra, phải đồng thời kiểm soát những đàn gia súc không mắc bệnh để chăn nuôi bảo tồn và giết mổ cung cấp nguồn thịt cho người tiêu dùng. Việc xác định gia súc có bị bệnh hay không sau khi đã giết mổ và mang đi tiêu thụ là rất khó khăn, mà phải xác định gia súc có bị bệnh hay không từ trước khi giết mổ.

Ảnh minh họa

Về giá trị dinh dưỡng: Thịt lợn có đủ các thành phần dinh dưỡng, nó là nguồn cung cấp chất đạm, chất béo, các vitamin và muối khoáng cho cơ thể. Trong 100 gam thực phẩm ăn được, thành phần dinh dưỡng của từng loại như sau:

- Thịt lợn nửa nạc, nửa mỡ: 16.5 gam protein, 21.5 gam mỡ, 9 mg can xi, 178 mg phosphor, 1.5 mg sắt, 1.91 mg kẽm, 285 mg kali, 55 mg natri, vitamin A 10 µg.

- Thịt lợn nạc: 19.0 gam protein, 7 gam mỡ, 7 mg can xi, 190 mg phosphor, 1.5 mg sắt, 2.5 mg kẽm, 341 mg kali, 76 mg natri, vitamin A 2 µg.

- Thịt lợn mỡ: 14.5 gam protein, 37.3 gam mỡ, 8 mg can xi, 156 mg phosphor, 0.4 mg sắt, 1.59 mg kẽm, 318 mg kali, 42 mg natri, vitamin A 2 µg.

Những lưu ý khi lựa chọn thịt tươi?

Người tiêu dùng muốn chọn thực phẩm bảo đảm an toàn, khi đi mua cần chọn thực phẩm đã qua kiểm dịch (dấu kiểm dịch của thú y), mua thực phẩm ở các cơ sở có uy tín và biết nguồn gốc thực phẩm, cửa hàng có thương hiệu.

Giá trị dinh dưỡng đích thực của thực phẩm đem lại sức khỏe cho con người, chỉ khi thực phẩm đó thực sự an toàn. Vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh là yếu tố then chốt nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Thịt còn tươi cần đạt được các tiêu chí sau:

- Màng ngoài thịt khô, không bị ướt;

- Có mùi thơm của thịt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu, mùi thuốc kháng sinh;

- Màu sắc bình thường: Thịt màu hồng tươi, thịt bò màu đỏ đậm vừa phải (không quá sớm), thịt trâu màu tím;

- Khối thịt săn chắc, có độ dính, mềm và đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra;

- Cắt thịt không thấy có nước, thịt không hao, chỗ vết cắt có màu sáng, khô;

- Mỡ lợn màu trắng, dày bị không có những chấm xuất huyết màu đỏ tím, không bị những mảng bầm tím, tụ máu;

- Tủy xương có màu trong, bám chặt vào thành ống xương, đàn hồi và không có mùi ôi;

- Kiểm tra phần thịt nạc và lưỡi không được có ấu trùng sán màu trắng nhỏ bằng hạt gạo.

Thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thì chúng cũng dễ bị ôi thưu. Mặc dù thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thực phẩm tươi, nhưng người nội trợ không biết cách chế biến và sử dụng để đảm bảo an toàn thì nó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện những lời khuyên về an toàn thực phẩm như sau:

Để bảo vệ sức khỏe, không nên ăn tiết canh, thịt còn sống, nem chua,…Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun sôi, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu thức ăn còn nóng cho ngay vào tủ lạnh, nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ biến chất, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho thực phẩm. Khi ăn phải nấu chín lại thức ăn trước khi dùng vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.

Tuy nhiên, tủ lạnh cũng không phải là “chiếc tủ thần kỳ” để bảo quản đồ ăn. Thức ăn được lấy ra ở trong tủ lạnh chỉ sử dụng một lần cho bữa sau, và nếu còn không để lại bữa sau, thức ăn để lâu nhất là 5 – 6 giờ. Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố. Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC, nhưng độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên độc tính gây nên ngộ độc cho người sử dụng.

Để có thực sự có một sức khỏe tốt, có những bữa ăn ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc bảo quản, lưu giữ thực phẩm là hết sức quan trọng, tuyệt đối không để thực phẩm sống lẫn thực phẩm đã chín. Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần đựng vào hộp riêng, đậy nắp kín. Thực phẩm chín, đã chế biến cần để ở ngăn trên cùng trong ngăn mát tủ lạnh. Không nên để thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh khiến luồng khí lạnh không thể lưu thông, dẫn đến nhiệt độ ở một số vị trí trong tủ có thể tăng cao, làm hỏng thức ăn. Nếu tủ lạnh của bạn chứa đầy thức ăn, hãy điều chỉnh nhiệt độ thấp xuống, đồng thời thường xuyên vệ sinh tủ lạnh.

Trong trường hợp bất khả kháng, người nội trợ không an tâm khi sử dụng thịt lợn trong điểm  dịch bệnh cho bữa ăn gia đình thì tốt nhất nên dùng các thực phẩm khác thay thế như: cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng... Người nội trợ có thể tham khảo các thực phẩm giàu protein để lựa chọn thực phẩm thay thế cho thịt gia súc trong bữa ăn của gia đình.

Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Nguồn http://viendinhduong.vn/