Nỗ lực hòa nhập cho trẻ tự kỷ: Còn nhiều gian nan
Hôm nay (2/4) là ngày đã được Liên hiệp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy trẻ tự kỷ đang gia tăng trong xã hội, nhưng cho đến nay, trẻ mắc chứng tự kỷ vẫn đứng bên lề mọi chính sách dành cho trẻ em và người khuyết tật.
Trẻ tự kỉ cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Vẫn khó hòa nhập
Theo chuyên trang của Liên hiệp quốc về tự kỷ: Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội.
Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần.
Nhìn nhận về Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (gọi tắt là tự kỷ ), PGS. TS Phạm Minh Mục- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng đây là một vấn đề nhức nhối, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Ghi nhận ở khoa Nhi Bệnh viên Nhi Trung ương, trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 5-6 trường hợp trẻ đến để kiểm tra, đo, khám về tự kỷ nhưng hiện nay đã có tới hàng trăm ca một ngày.
Trong khi đó, xã hội nhìn chung đã có những hiểu biết nhất định về hội chứng này nhưng những người có kiến thức chuyên môn về tự kỷ chưa nhiều. Từ đó dẫn đến việc truyền thông để xã hội có cái nhìn chính xác về tự kỷ một cách toàn diện cũng chưa được thực hiện. Cá biệt có một số người chưa hiểu đúng về tự kỷ nên vẫn có những biểu hiện xa lánh, hạn chế con tiếp xúc với trẻ tự kỷ… Điển hình như tại những cơ sở giáo dục hòa nhập, nhiều trẻ khi được phát hiện là trẻ tự kỷ thì bị “cô lập” một góc, không cho ăn cùng, chơi cùng các bạn khác vì sợ các con thiếu kiểm soát gây tổn thương cho các bạn học khác…
Đánh giá về nhu cầu học hòa nhập của trẻ tự kỷ hiện đang rất lớn, PGS.TS Phạm Minh Mục cho rằng, hầu hết các trường từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, trung học phổ thông cả nước đều đang thiếu các điều kiện cần và đủ đó là cơ sở vật chất phù hợp, giáo viên hoặc nhân viên trường học dành cho trẻ tự kỷ. Đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu vùng xa, việc tập huấn cho giáo viên về trẻ tự kỷ chưa được chú trọng, cơ sở vật chất cũng còn nghèo nàn… nên trẻ tự kỷ gặp nhiều thiệt thòi hơn…
Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở GDĐT, trong số trẻ khuyết tật học đường của toàn thành phố thì số trẻ tự kỷ chiếm khoảng 30%. Riêng cấp tiểu học có khoảng hơn 1.000 trẻ khuyết tật đang học hòa nhập, trong đó 80% là trẻ tự kỷ. Dù được đánh giá là thực hiện tốt giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ thì nhiều trường có trẻ tự kỷ theo học cũng đang ở tình trạng không có cơ sở vật chất phù hợp, không có giáo viên hay nhân viên hỗ trợ chuyên biệt.
Lỗ hổng chính sách
Một điều dễ nhận thấy là đối với các gia đình có trẻ tự kỷ hầu hết đang phải “tự bơi” trong việc giáo dục cho trẻ tự. Mặc dù hiện nay có nhiều trung tâm dành cho trẻ tự kỷ nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung mọc lên nhưng chi phí để cho trẻ theo học những lớp học này không phải gia đình nào cũng kham nổi. Đó là chưa kể có những trung tâm được lập ra không phải vì mục tiêu chính là chăm sóc, hỗ trợ trẻ tự kỷ với đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản về các phương pháp hỗ trợ, can thiệp, giáo dục trẻ tự kỷ. Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu như các phương pháp này không phù hợp với đối tượng, nhu cầu, mức độ phát triển thì không những không giúp được trẻ tự kỷ tiến bộ mà còn làm cho mức độ trầm trọng hơn.
Ở góc độ pháp luật, năm 2011, Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật. Nhưng trẻ tự kỷ lại không được nói tới trong luật. Trong khi trẻ tự kỷ còn gặp nhiều khó khăn hơn một số trẻ khuyết tật khác. Vì vậy, đề xuất của các chuyên gia là cần phải có các văn bản quy phạm pháp luật xác định trẻ tự kỷ là người khuyết tật. Không chỉ là tờ giấy chứng nhận mà khi đó, các em sẽ nhận được nhiều hơn về bảo trợ xã hội, các chính sách khác về giáo dục… Ngành giáo dục cũng sẽ có cơ sở chỉ đạo các cơ quan chức năng phát triển tài liệu, triển khai hoạt động phổ biến kiến thức, tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên các phương pháp kỹ thuật, kỹ năng can thiệp, hỗ trợ trẻ tự kỷ…
Hệ thống các trường công lập hiện nay vẫn đang tiếp nhận trẻ tự kỷ học hòa nhập nhưng nhìn chung vẫn còn lúng túng, thậm chí với những ca rối loạn tự kỷ nặng là một thách thức trong việc quản lý, dạy học các em. Vì vậy, mong muốn chung của các trường là có các lớp tập huấn cho giáo viên để có phương pháp phù hợp hỗ trợ trẻ tự kỷ. Hoặc có giáo viên chuyên biệt, nhân viên trường học dành cho trẻ chuyên biệt để tư vấn tâm lý hoặc có các tiết học chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ thì chắc chắn các em sẽ được hỗ trợ tốt hơn.
Tự kỷ được cho là hình thành bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố như: Gien, môi trường, độ tuổi sinh con,… gây nên rối loạn của hệ thần kinh, ảnh hưởng đến não bộ khiến trẻ tự kỷ có nhiều biểu hiện và mức độ. Không một trẻ tự kỷ nào giống nhau, kể cả là trẻ sinh đôi. Bên cạnh đó, có không ít quan niệm cho rằng trong xã hội hiện đại, trẻ con tiếp cận với thiết bị điện tử nhiều hơn là tiếp xúc với cha mẹ, cộng đồng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bệnh tự kỷ ngày một gia tăng. Theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐTBXH, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Theo cách tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người mắc chứng tự kỷ ở Việt Nam là 500.000 người. Bác sĩ Đỗ Thuý Lan- Giám đốc Trung tâm Sao Mai (Trung tâm tư vấn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật trí tuệ, tự kỷ) cho biết, hiện nay y học hiện đại chưa có thuốc đặc hiệu cho bệnh tự kỷ mà chỉ điều trị các tổn thương não kèm theo như động kinh, tăng động,…
Nguồn http://daidoanket.vn/
|