Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

“Phơi nắng có trị được vàng da, còi xương?”: Chia sẻ gây sốt MXH của bác sĩ nhi khiến nhiều bà mẹ phải ngỡ ngàng khi hiểu ra


 

Nhiều mẹ có quan niệm cho con phơi nắng để chữa vàng da, còi xương sẽ vô cùng bất ngờ trước những thông tin mà bác sĩ Trương Hoàng Hưng chia sẻ dưới đây.

 

Đã từ lâu nhiều mẹ bỉm sữa vẫn thường cho con nhỏ tắm nắng để bé có thể hấp thụ được vitamin D, giúp chống còi xương và chữa được cả vàng da. Thế nhưng thì việc tắm nắng liệu có tác dụng thần kì đến vậy hay không? Mới đây bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng công tác ở viện MD KIDS PEDIATRICS, thành phố McKinney, Texas (Mỹ) đã có một bài viết giải thích cặn kẽ về việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh, trong đó có giải thích cả nhiều lầm tưởng các mẹ hay thường gặp nhất trong việc tắm nắng cho con.

 

Nguyên văn bài viết gây sốt MXH của bác sĩ Trương Hoàng Hưng về việc tắm nắng cho trẻ như sau:

 

"TẮM NẮNG NGỪA CÒI XƯƠNG - HUYỀN THOẠI TẮM NẮNG SÁNG

 

Hôm qua đưa bài phơi nắng trị vàng da, có vài ý kiến cho rằng phơi nắng tốt nên nói gì đi nữa thì cũng phơi. Chuyện đó là chuyện khác, là chuyện vitamin D và ánh nắng mặt trời. Chuyện này hơi dài chứ không ngắn như chuyện kia.

 

VITAMIN D

 

Vitamin D là loại vitamin hoà tan trong mỡ vô cùng quan trọng đối với cơ thể và có 2 loại chính:

 

Vitamin D2 (ergocalciferol): từ thức ăn, và chỉ có một số ít thức ăn giàu vit D mà thôi, cung cấp khoảng 10% nhu cầu cơ thể.

 

Vitamin D3 (cholecalciferol): tổng hợp ở da từ tiền chất Vit D dưới tác động của tia cực tím (UVB) từ ánh sáng mặt trời, cung cấp 90% cho nhu cầu cơ thể.

 

Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc hấp thu Canxi và Phosphate từ ruột và làm vững chắc xương, nếu thiếu Vitamin D sẽ khiến cơ thể phải lấy ngược Canxi từ xương để sử dụng, khiến xương yếu mềm đi, biến dạng gây bệnh còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn. Thành ra uống Canxi mà thiếu vitamin D cũng như không uống mà thôi.

 

Vitamin D còn có vai trò ngăn ngừa một số bệnh ung thư, bệnh tự miễn, bệnh mạch vành, tăng cường hệ miễn dịch.

 

Một người cần 400-1000 UI vitamin D mỗi ngày.

 

Những chia sẻ thẳng thắn của bác sĩ Trương Hoàng Hưng về việc tắm nắng khiến nhiều mẹ phải bất ngờ

 

Thiếu vitamin D là một vấn đề lớn của y tế ngày nay, do chế độ ăn thiếu vitamin D, do thiếu ánh nắng mặt trời, do dùng nhiều kem chống nắng mà tỷ lệ thiếu vitamin D cao thấy sợ. Số liệu báo cáo khoảng 1/3 người trẻ 18-29 tuổi thiếu vitamin D.

 

Bạn có con béo phì, gần như chắc chắn nó thiếu vitamin D, tôi thử 10 đứa thì hết cỡ 8-9 đứa có mức vitamin D thấp.

 

Người sống ở xa xích đạo từ vĩ tuyến 37 trở lên, người da sậm màu, béo phì, người già (chất béo dưới da giảm), phụ nữ có thai là những người có nguy cơ thiếu vitamin D.

 

Ở Mỹ, từ San Francisco hay Philadelphia trở lên có nguy cơ thiếu Vit D rất cao.

 

NGUỒN VITAMIN D

 

Lượng vitamin D từ thức ăn rất ít, chỉ có một số thức ăn giàu vitamin D như cá biển, tức là phải ăn chúng với số lượng nhiều mới đủ vitamin D. Một cái lòng đỏ trứng có khoảng 20 IU vitamin D, ăn 20 cái mới đủ 400 IU.

 

Sữa mẹ chỉ có từ 25-79 IU/L, có nghĩa là uống chừng 10 lít sữa mẹ mỗi ngày mới có được 400 IU, uống nổi không?

 

Sữa công thức được tăng cường Vitamin D 350-400 IU/L, tức là uống cỡ 1 lít mỗi ngày mới đủ lượng vitamin D.

 

Thực ra phần lớn vitamin D được tổng hợp từ da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

 

CHUYỆN PHƠI NẮNG

 

Ánh sáng mặt trời không nhìn thấy được có hai loại tia cưc tím (UV) là UVA (320-400nm) và UVB (290-320nm), còn UVC thì tầng ozone đã hấp thu hết không tới lượt mình.

 

Từ lâu UVB (và nghi ngờ có cả UVA trong các nghiên cứu gần đây) đã được chứng minh là thủ phạm gây 1,5 triệu ca ung thư da và gần 8000 cái chết mỗi năm trên nước Mỹ

 

UVA còn là thủ phạm gây lão hoá da, nhăn nheo. Mấy người dãi nắng dầm sương da nhăn, đồi mồi già trước tuổi là do thằng này. UVA là kẻ thù của chị em phụ nữ.

 

Tác dụng của UVA và UVB lên da là tác dụng cộng dồn, tức là mỗi lần tiếp xúc nó ảnh hưởng một chút rồi cộng lại từ từ, càng nhiều thì càng sớm ung thư da, nhăn da.

 

UV còn gây các bệnh về mắt, trong đó có đục thuỷ tinh thể.

 

Nhiều mẹ vẫn thường cho con tắm nắng để tổng hợp vitamin D, thế nhưng nếu tắm nắng không đúng cách thì lại gây hại cho trẻ (Ảnh minh họa).

 

Tới chuyện phơi nắng, để tạo vitamin D, cần phải có UVB, UVA thì không có tác dụng tạo vitamin D.

 

UVA có bước sóng cao hơn, xuyên thấu hơn nên có thể xuyên qua tầng ozone tới chúng ta suốt ngày từ lúc mặt trời mọc tới lúc lặn

 

UVB có bước sóng thấp hơn, chỉ tới được trái đất khi mặt trời lên cao và tạo được góc 50 độ với nơi chúng ta đang đứng, tức là từ 10AM-3PM, tức là giờ nắng dã man nhất, đỉnh điểm UBV là giữa trưa.

 

Tắm nắng tạo vitamin D là phải tắm trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời buổi trưa.

 

Bóng râm hay mây nhiều làm giảm 50% tác dụng, mặc quần áo thì làm giảm gần như hoàn toàn. Ô nhiễm không khícũng làm giam hiệu quả tắm nắng.

 

Kem chống nắng làm giảm 80-90%.

 

Da càng sậm màu thì hiệu quả càng kém (do vậy bệnh còi xương gặp nhiều ở trẻ em da đen).

 

UVB không xuyên qua kính nên phơi trong nhà là tầm bậy.

 

Tức là tắm nắng để kiếm vitamin D là phải cởi áo (quần) hay ít nhất mặc áo ngắn tay, đem ra giữa trời nắng lúc gần trưa, xong để nằm đó 15-30 phút liên tục thì mới tạo đủ 1000 IU mỗi ngày.

 

Tới đây tôi lại nói là mỗi sáng sớm đem con ra đường phơi nắng không những không có được miếng vitamin D nào từ UVB mà còn tặng cho con một đống UVA để dành đó gây ung thư da và lão hoá da sau này. Chưa kể là cho con hít một đống không khí ô nhiễm, bạn nào đọc bài tự kỷ của tôi thì biết là không khí ô nhiễm là yếu tố gây tự kỷ.

 

Hiện nay vì nguy cơ tổn thương da, AAP khuyến cáo cho trẻ bú mẹ hay bú sữa công thức dưới 1 lit/ngày uống Vitamin D 400 IU/ngày

 

Nếu không thích uống thì đi phơi nắng ĐÚNG CÁCH

 

PHƠI NẮNG TRỊ VÀNG DA

 

Chuyện là từ 2004 AAP đã khuyến cáo không phơi nắng để trị vàng da ở trẻ sơ sinh. Tại sao không?

 

Vàng da sơ sinh là do cơ thể bé tạo ra nhiều chất bilirubin từ hồng cầu bị phân huỷ mà gan chuyển hoá không kịp, đó thực ra là hiện tượng sinh lý và thường giảm dần sau tuần đầu, tuy nhiên có thể bị nhiều hơn do một số bệnh lý kèm theo. Nếu tăng quá cao, chất bilirubin sẽ vào trong não, gây tổn thương não vĩnh viễn. Do vậy việc phát hiện vàng da sớm và theo dõi khi nào cần điều trị là rất quan trọng.

 

Điều trị vàng da nhằm mục đích giảm bilirubin trong cơ thể, có 2 cách chính là chiếu đèn và thay máu.

 

Chiếu đèn là dùng đèn chiếu có sóng bức xạ 450-460 chiếu vào da chứ không phải đèn neon nha mấy mẹ, ở mức sóng này, bilirubin sẽ hấp thu ánh sáng và chuyển hoá thành dạng đồng phân có thể hoà tan trong nước và thải qua thận.

 

Ánh sáng mặt trời bao gồm mức sóng này, nên sẽ có tác dụng giảm bilirubin, thật không? Thật mà không thật?

 

Bạn có bao giờ thấy đứa nhỏ bị chiếu đèn chưa, phải cởi hết quần áo, chỉ mặc tã (nếu bị vàng da nặng còn bỏ luôn cả tã), che mắt thôi, nằm dưới ánh đèn liên tục suốt ngày đêm ngoại trừ lúc bú, có khi phải dùng cả tấm lót có đèn dưới lưng (biliblanket) nếu vàng da nhiều. Chiếu như vậy mới giảm đáng kể được lượng bilirubin trong cơ thể. Còn kiểu phơi nắng bằng cách cởi đổ để gần cửa sổ 15 phút chẳng có tác dụng gì cả.

 

Nghiên cứu về chiếu đèn cho thấy phải mất 15 phút chiếu đèn liên tục mới bắt đầu có tác dụng giảm bilirubin, mất 4 tiếng mới bắt đầu đạt hiệu quả tối đa. Phơi nắng mỗi ngày 4 tiếng thì may ra có giảm được bilirubin chút ít.

 

Phơi nắng như vậy không có tác dụng gì mà còn khiến trẻ tiếp xúc với tia cực tím và tia hồng ngoại làm bỏng da và tăng nguy cơ ung thư da.

 

Còn một nguy cơ nữa là thấy con vàng da mà không lo đi khám, tối ngày lo phơi nắng, tới hồi đi khám là đã vàng da nặng, mà nếu có tổn thương não rồi là tiêu đời đứa nhỏ, khi đó hối hận cả đời.

 

Tóm lại là vàng da sơ sinh KHÔNG CẦN PHƠI NẮNG, vàng da nhẹ thì tự nó hết".

 

Theo http://afamily.vn