Mỗi phụ nữ đều là một cô con gái và mỗi đàn bà đều có một người mẹ. Thế nhưng, cô con gái ấy làm sao biết được mai này mình sẽ trở thành mẫu người mẹ nào.
Một khi được sinh ra, mối liên hệ mẹ - con là bất tử. Từ mẹ không riêng nhắm chỉ người phụ nữ sinh nở, dưỡng dục con cái. Có lẽ danh xưng người mẹ phải được biểu cảm với ngữ nghĩa là một động từ hơn là một danh từ. Làm mẹ mới thực sự dạy cho một phụ nữ biết thế nào là yêu thương, suy nghĩ, phát triển tiềm năng và có được nữ tính.
Lờ mờ nhận dạng mẫu mẹ-con hoàn hảo
Trước khi là mẹ, mẹ đã làm con. Con cái thâm nhập vào cuộc đời mẹ mình như một món quà từ thiên đàng. Nhờ con, đặc biệt là con gái, người mẹ thấy được chính họ dưới lăng kính một cuộc sống mới, biết được họ đã trông nom chăm sóc con gái thế nào và hiểu vì sao cô con gái của mình là độc đáo, là có một không hai. Con gái cho phép, đôi khi thúc đẩy, người mẹ nhận ra có một thế giới rộng lớn hơn, một thế giới lạ lẫm nơi các cô con gái đang trú ngụ. Nhờ chúng, mẹ được cơ hội trở nên trọn vẹn. Tôi nhớ mình đã từng xúc động khi đọc được những dòng nhật ký của một cô gái viết về mẹ nhân ngày 8/3 với những tâm tình như sau "... Khi con nhìn bóng mình phản chiếu trong mắt mẹ, con thấy một con người nào đó đẹp hơn gấp mười lần chính con người thật của con. Người ấy chính là mẹ. Mẹ đã từng muốn con là đôi cánh của mẹ, muốn con bay lên, vì chưa bao giờ mẹ đã từng có can đảm thực hiện. Con yêu mẹ vì điều đó. Yêu vì một sự thực là mẹ đã hạ sinh đôi cánh của chính mình. Mẹ ơi! Bây giờ, khi đã làm mẹ, không chỉ con được ban tặng một món quà là tình yêu thương con cái với tất cả sức lực, mà con còn được trao cả một món quà về tình mẹ. Khi con thôi không còn nhìn mẹ với con mắt trẻ thơ thì lại thấy ở mẹ một người đàn bà đã giúp con sinh ra chính mình, để lúc này đây con không còn phải thắc mắc tự hỏi Mẹ ơi! Mẹ là ai? như hồi thanh xuân nữa...".
Thế nhưng, trong cuộc sống đời thường đâu phải lúc nào cũng có được mối quan hệ giữa mẹ và con gái hoàn hảo. Trên thực tế vẫn tồn tại những kiểu mẹ-con gần như "vô phương cứu chữa". Làm con, ai cũng biết mẹ luôn cần và yêu thương mình, nhưng có lẽ trong lòng đứa con nào, nếu biết nghĩ đến mẹ, vẫn nơm nớp lo sợ không biết lúc nào mẹ sẽ "bùng nổ". Mẫu người mẹ hoàn hảo thì khó "so bó đũa chọn cột cờ", còn kiểu mẹ "độc" thì lại rất dễ tìm ra ở cuộc sống chung quanh. Nói đâu xa, nhà tôi có đến mấy chị em gái, tất cả đều đã lên chức mẹ, thậm chí bà ngoại. Họ mang đầy đủ những phiên bản người mẹ khác nhau đến khó tin, đủ hình thành một "bộ sưu tập" mẫu những bà mẹ "đặc biệt".
Người mẹ có máu Trương Phi
Cho đến giờ này ngay cả những đứa con tôi cũng e dè né bà chị cả của mẹ chúng. Tôi đã từng nhiều lần chứng kiến bác Thanh nhà tôi nổi tam bành với lũ con. Chị thường hay có thái độ nóng nảy đầy vẻ hăm dọa mỗi lần "tính sổ" với con cái. Nhiều lúc tôi nghĩ có lẽ chị ấy không biết cách bày tỏ tình cảm với con mình. Giọng của chị rít gằn thật cao, ngón tay như dí thẳng vào mặt mấy đứa bé. Nhìn mặt chúng lúc ấy mà thấy tội, chúng sợ, tựa như đang xem một bộ phim kinh dị hay đối diện với thứ gì ghê gớm lắm. Với tính cách làm mẹ như của chị Thanh, các nhà tâm lý phân tích rằng tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ bị ám ảnh. Chúng thường chọn bài chuồn êm vì "tránh voi chẳng xấu mặt nào" hoặc tìm cách vuốt giận mẹ vì sợ cương lại sẽ khủng khiếp hơn. Mai này lớn lên, có lẽ sẽ có đứa sống an phận thủ thường theo kiểu "dĩ hòa vi qúy", là một sự bất lợi khi cạnh tranh giữa đời.
thì làm sao lũ trẻ nhà cô ấy tin tưởng chính bản thân mình được. Chúng cảm thấy dường như bất kỳ một quyết định nào chúng đưa ra trong nhà đều vô giá trị.
Mẹ hát con phải khen hay
Phải nói là Phượng, bà chị ba của tôi đẹp nhất nhà. Cô con gái duy nhất của chị hồi đi tiểu học lúc nào cũng khoe với bạn rằng mẹ nó như hoa hậu. Thế nhưng chỉ có tôi mới hiểu tại sao đến khi vào trung học nó hết dám khoe. Lý do là chính "người đẹp" ấy có thói luôn áp đặt con gái phải lấy tấm gương của mình làm thước đo tiêu chuẩn. Chị quá yêu và tôn thờ nét đẹp vóc dáng chị có và muốn con gái cũng phải giống vậy. Bé Loan thường được mẹ khen "ôi, con gái tôi xinh như thiên thần". Thế nhưng, cũng chính cô nữ sinh trung học Loan ấy lại "tắt tiếng" chỉ vì hình thể của cô không ăn khớp với khuôn mặt xinh xắn. Ba vòng ở tuổi dậy thì cứ lấn nhau phát tướng. Loan tìm cách tránh mặt mẹ vì sợ cái nhìn chau mày, thở dài, cách nói năng thờ ơ lạnh nhạt kiểu "Sao thế con? Nhìn phoọc mẹ đây này!".
"Người cõi trên" trong nhà
Hồi bé có lúc rất bực nhưng cũng có lúc tôi lại ao ước có được tính vô tư của Quỳ, em gái kế tôi. Lớn lên làm mẹ nó vẫn thế. Lâu lâu chị em gặp nhau hỏi con của chị học hành ra sao, đã có bồ chưa, định theo ngành nào... nàng Quỳ nhà tôi cười giả lả rồi buông một câu "Chị hỏi bố nó ấy!". Tính lơ đễnh, chẳng để ý trách nhiệm gì, giấu suy nghĩ riêng trong lòng và sống như "người cõi trên" ấy khiến mẹ con ở bên nhau mà như hàng xóm. Con chị ấy không những ít vui vì mẹ, mà có khi còn cảm thấy như đang gánh lấy cả nghĩa vụ phải làm mẹ vui nữa. Mai mốt lớn lên chúng dễ dính căn bệnh tâm lý "thiếu quan tâm đến cảm giác và nhu cầu cảm xúc của chính mình mà cứ đi lo cho những kỳ vọng, thất vọng của thiên hạ".
Trứng đòi khôn hơn vịt
Người tôi gần gũi nhất mà cũng khó chịu nhất hồi còn bé chính là Linh, chị em song sinh với tôi. Tính so kè ganh tỵ từng chút với chị em trong nhà theo nó cho đến khi về nhà chồng. Đối tượng mới để "kèn cựa" trong đời cô em tôi bây giờ lại chính là cô con gái lớn. Câu nói "trứng đòi khôn hơn vịt" là câu tôi thường được nghe nhất mỗi khi Linh "lên lớp" với con. Lũ trẻ thời đại mới cập nhật kiến thức ngày một mà cứ bị mẹ "khớp miệng" không cho nói chỉ vì "mới ba tuổi đầu mà bày đặt!". Một bà Linh nhân viên văn phòng quèn mà không hồ hởi chúc mừng khi nghe con gái khoe vừa nhận chức trưởng phòng, cũng lạ! Với cá tính ấy, tôi dám chắc, giả dụ có lúc con bé bị sa thải thì chắc Linh sẽ nhảy nhổm lên để châm dầu vào lửa.
Theo Phunu8.vn |