Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hàng nghìn người mắc sởi do không chịu tiêm vắc xin phòng bệnh


Tại Philippines đã có trên 8.000 trường hợp mắc sởi phải nhập viện và có tới 136 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; hầu hết các trường hợp mắc sởi đều không có tiền sử tiêm vắc xin sởi.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong năm 2018, đầu năm 2019, dịch sởi đã xảy ra tại một số nước khu vực châu Âu, châu Phi, châu Á, kể cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga, Hoa Kỳ).

Đặc biệt trong những tuần đầu năm 2019, đến ngày 18/2/2019 tại Philippines đã có trên 8.000 trường hợp mắc sởi phải nhập viện và có tới 136 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; hầu hết các trường hợp mắc sởi đều không có tiền sử tiêm vắc xin sởi.

Theo ý kiến của Bộ Y tế Philippines, tình trạng dịch sởi gia tăng mạnh tại Philippines trong năm 2019 là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin (bao gồm cả vắc xin sởi) giảm thấp trong năm 2018 và đầu năm 2019.

Ngày 15/02/2019, trực tiếp Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, cũng đã trực tiếp cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của bệnh sởi và thúc giục các cha mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng sởi cho trẻ.

Bệnh sởi đang gia tăng nhanh chóng do người dân không tiêm vắc xin phòng bệnh.

Các nhà khoa học cho rằng, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường.

Tổ chức Y tế thế giới cũng nhấn mạnh, việc không tiêm phòng vắc xin sởi, các cuộc xung đột, đói nghèo là nguyên nhân chính làm tăng tới gần gấp đôi số trường hợp mắc sởi trên phạm vi toàn cầu trong năm 2018 (so với năm 2017).

43/63 tỉnh, thành nước ta ghi nhận các ca mắc sởi

Thống kê ở nước ta, đến nay đã có 43/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi.

Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa còn có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp và những đô thị có số trẻ di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch.

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

"Tiêm vắc xin sởi là một biện pháp hiệu quả phòng bệnh sởi"- chuyên gia nói.

Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm vắc xin sởi là một biện pháp hiệu quả phòng bệnh sởi.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt việc:

1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

3. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.

4. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

5. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn