Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé trai 9 tháng tuổi hôn mê rồi tử vong khi nhập viện, cha mẹ sốc nặng khi biết được lý do gây nên cái chết thảm thương của con


Cái chết của Tiểu Bảo là lời cảnh báo quan trọng đến tất cả các bậc cha mẹ đang chăm sóc con nhỏ dưới một tuổi.

4 giờ sáng, ngày 19/2. Tiểu Bảo (9 tháng tuổi), sống tại Hồng Kông được bố mẹ phát hiện trong tình trạng hôn mê, không phản ứng. Bố mẹ nhanh chóng đưa em đến bệnh viện và sốc nặng khi bác sĩ kết luận em đã tử vong. Theo báo cáo, trước đó Tiểu Bảo đã từng ọc sữa, người nhà đã xử lý sạch sẽ và em vẫn ngủ say. Các điều tra viên phỏng đoán em đã ọc sữa lần nữa khi đang ngủ, dẫn đến ngạt thở và tử vong.


Bố mẹ của Tiểu Bảo đang phối hợp điều tra cái chết bất ngờ của em

Bác sĩ Lý Tố Trân với 20 năm kinh nghiệm khám và chữa bệnh, cho biết: "Cho dù trẻ bú sữa công thức hoặc bú sữa mẹ, các mẹ phải nhớ giúp trẻ ợ hơi. Nếu không trẻ sẽ ọc sữa dẫn đến tắc nghẽn đường khí quản, gây ra tử vong".

Tại sao trẻ sơ sinh thường bị ọc sữa?

Lúc trẻ khóc hoặc bú sữa vội vã, trẻ sẽ vô tình nuốt không khí vào trong dạ dày. Sau khi trẻ bú sữa no nê, sữa sẽ theo không khí từ bên trong dạ dày thoát ra ngoài. Trẻ bị ọc sữa không đồng nghĩa là trẻ đang mắc bệnh hoặc không thoải mái, điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng.

Sau 1 tiếng bú sữa, trẻ thường bị nôn trớ, nguyên nhân là do đâu?

Môn vị là phần nối giữa tá tràng và dạ dày của trẻ, công năng của môn vị vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Sau khi trẻ bú sữa, môn vị tạm thời không thể khép chặt. Nếu trẻ bú no, vận động hoặc nằm ngửa, sữa sẽ từ dạ dày trào ngược ra ngoài. Khi trẻ lớn lên, tình hình sẽ được cải thiện.

Làm cách nào giảm thiểu tình trạng trẻ sơ sinh ọc sữa?

- Không chỉ ngậm đầu ti, các mẹ nên cho trẻ ngậm cả một phần bầu vú.

- Không đợi trẻ quá đói mới cho bú sữa, trẻ sẽ bú vội vã dẫn đến tình trạng nuốt nhiều khí vào dạ dày.

- Không ép trẻ bú tiếp khi trẻ đã bú no.

- Gia tăng tần suất giúp trẻ ợ hơi, không đợi trẻ bú no mới giúp trẻ ợ hơi. Sau khi trẻ bú một bên bầu vú, các mẹ cần giúp trẻ ợ hơi rồi mới cho trẻ bú tiếp bầu vú bên kia.

Đối với những trẻ khó ợ hơi, mẹ cần làm gì?

Nếu mẹ giúp trẻ ợ hơi hơn 10 phút, nhưng trẻ vẫn không thể nôn khí ra ngoài, mẹ cần bế trẻ ở tư thế đầu cao sau mỗi bữa bú rồi mới đặt nằm.

Nếu trẻ bú no và muốn ngủ, thay vì kê đầu trẻ cao hơn, mẹ nên chọn cách an toàn là kê nửa người phía trên của trẻ, cách này sẽ giảm thiểu nguy cơ ọc sữa dẫn đến tắc nghẽn khí quản.

Theo Afamily