Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Độ tuổi tốt nhất để học ngoại ngữ


Chúng ta thường nghĩ rằng trẻ em học ngoại ngữ nhanh nhất. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng – và học ngoại ngữ khi trưởng thành cũng có những lợi ích riêng.

Hiệu trưởng trường mẫu giáo song ngữ tiếng Tây Ban Nha tại Luân Đôn, Carmen Rampersad, cho biết: “Khi còn nhỏ tuổi, trẻ em không cần cố gắng học ngôn ngữ - chúng tự có được ngôn ngữ.” Câu nói này tóm lược lại khả năng học ngoại ngữ đáng ghen tị của lũ trẻ trường bà. Nhiều đứa trẻ ở đây coi tiếng Tây Ban Nha là ngoại ngữ thứ ba hoặc thứ tư. Tiếng mẹ đẻ của chúng bao gồm tiếng Croatia, tiếng Do Thái, tiếng Hàn và tiếng Hà Lan.

So sánh khả năng thần kì này với sự nhọc nhằn của một người trưởng thành trong lớp tiếng Anh, chúng ta dễ dàng kết luận học ngoại ngữ càng sớm càng tốt.

Nhìn chung, các giai đoạn khác nhau của cuộc đời cho ta những lợi thế học ngôn ngữ khác nhau. Khi còn sơ sinh, tai chúng ta phân biệt âm thanh tốt hơn; khi vào lớp mẫu giáo, chúng ta có thể bắt chước chất giọng bản địa nhanh đến kinh ngạc. Khi trưởng thành, chúng ta có khả năng tập trung tốt hơn, và các kĩ năng quan trọng như đọc viết cho phép chúng ta không ngừng mở rộng vốn từ, kể cả trong ngôn ngữ mẹ đẻ.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác quyết định số ngôn ngữ và khả năng ngôn ngữ của chúng ta, như hoàn cảnh xã hội, phương pháp dạy và học, và cả tình yêu và tình bạn.

Trẻ nhỏ có kỹ năng chọn giọng bản địa - nhưng các giai đoạn cuộc sống khác nhau mang lại lợi ích ngôn ngữ khác nhau

Antonella Sorace, giáo sư ngôn ngữ học, giám đốc Trung tâm Song ngữ tại đại học Edinburgh, Anh, cho biết: “Trẻ em ít có khả năng học tập chủ động, bởi chúng không thể kiểm soát nhận thức cũng như chưa có khả năng ghi nhớ và tập trung. Những phẩm chất này được trau dồi khi chúng ta trưởng thành.”

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Israel chỉ ra người trưởng thành có thể hiểu và áp dụng quy luật ngôn ngữ nhanh hơn trẻ em trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học so sánh ba nhóm tuổi: nhóm 8 tuổi, nhóm 12 tuổi, và người mới trưởng thành. Người trưởng thành đạt điểm cao hơn hai nhóm còn lại, và nhóm 12 tuổi đạt điểm cao hơn nhóm 8 tuổi.

Kết quả này cũng giống với kết quả một nghiên cứu dài hạn khác trên gần 2,000 người Tây Ban Nha học tiếng Anh: những người trưởng thành học nhanh hơn trẻ nhỏ.

Các nhà nghiên cứu Israel cho rằng người trưởng thành học ngoại ngữ hưởng lợi từ các kĩ năng có được trong quá trình trưởng thành – ví dụ như các chiến thuật giải quyết vấn đề phức tạp – và nhiều kinh nghiệm về ngôn ngữ hơn. Nói cách khác, các học sinh lớn tuổi hơn thường đã biết khá nhiều về bản thân và thế giới và có thể sử dụng kiến thức này để xử lí thông tin mới.

Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người trẻ tuổi có lợi thế hơn trẻ em khi nói đến việc học ngôn ngữ

Trẻ em rất giỏi học ngầm: Nghe người bản ngữ nói và bắt chước họ. Tuy nhiên kiểu học này đòi hỏi nhiều thời gian với người bản ngữ. Năm 2016, Trung tâm Ngôn ngữ chuẩn bị một báo cáo nội bộ về học tiếng Trung ở trường tiểu học để trình lên chính phủ Scotland. Họ thấy rằng một tiếng một tuần không đủ để làm nên sự khác biệt cho trẻ năm tuổi. Tuy nhiên, chỉ cần học thêm nửa tiếng một tuần với người bản ngữ, trẻ em có thể nắm bắt được các khái niệm tiếng Trung thậm chí còn khó đối với người trưởng thành, ví dụ như âm sắc.

Chúng ta đều là những nhà ngôn ngữ học tự nhiên. Khi còn sơ sinh, chúng ta có thể nghe được tất cả 600 phụ âm và 200 nguyên âm tạo nên các ngôn ngữ của thế giới. Trong năm đầu đời, bộ não chúng ta bắt đầu phân hóa, chỉ tập trung vào các âm thanh thường nghe nhất. Trẻ sơ sinh có thể nói bập bẹ bằng tiếng mẹ đẻ. Thậm chí cả trẻ mới đẻ cũng đã có thể khóc với âm sắc mô phỏng lại các cuộc nói chuyện chúng nghe được khi còn trong bụng mẹ. Sự chuyên hóa này cũng có nghĩa là chúng ta loại bỏ các kĩ năng không cần thiết. Trẻ em Nhật Bản có thể dễ dàng phân biệt âm “l” và “r”. Với người trưởng thành Nhật Bản, điều này khó hơn nhiều.

Những năm đầu đời rất quan trọng đối với việc học ngôn ngữ. Nghiên cứu trên trẻ bị bỏ rơi hoặc cô lập chỉ ra rằng nếu chúng ta không học ngôn ngữ con người từ sớm, rất khó để có thể bù đắp lại khiếm khuyết sau này. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là quy luật này không áp dụng với học ngoại ngữ. Danijela Trenkic, một nhà tâm lí ngôn ngữ học tại Đại học York, Anh cho biết: “Tuổi tác ảnh hưởng tới rất nhiều biến số khác. Cuộc sống của trẻ em hoàn toàn khác với cuộc sống của người lớn. Bởi vậy, so sánh khả năng ngôn ngữ của trẻ em với người lớn là một sự so sánh khập khiễng.” Bà lấy ví dụ về một gia đình chuyển tới một đất nước khác. Thông thường, trẻ em sẽ học ngôn ngữ mới nhanh hơn nhiều so với cha mẹ. Tuy nhiên, điều này có thể do trẻ được nghe ngôn ngữ này liên tục khi ở trường, trong khi cha mẹ làm việc một mình. Trẻ em cũng có thể sốt sắng học hơn, bởi thành thạo ngôn ngữ là yếu tố quan trọng đối với đời sống xã hội của chúng: kết bạn, được chấp nhận, và hòa nhập với cộng đồng. Mặt khác, cha mẹ có thể giao tiếp với những người hiểu họ, như những người nhập cư khác. Trenkic cho biết: “Tạo nên mối liên hệ về cảm xúc có thể giúp bạn học ngôn ngữ giỏi hơn.”

Khi một gia đình chuyển đến các quốc gia, trẻ em thường học ngôn ngữ nhanh hơn - nhưng điều đó có thể là vì nó cần thiết hơn cho sự sống còn của chúng

Người trưởng thành cũng có thể tạo ra mối liên hệ cảm xúc đó qua các kênh khác tình yêu và tình bạn với người bản xứ. Một nghiên cứu năm 2013 trên những người Anh trưởng thành học tiếng Ý cơ bản chỉ ra những người kiên trì đến cuối cùng đã được giúp đỡ trước đó bởi giáo viên và các học sinh khác. Trenkic cho biết: “Nếu bạn tìm thấy người cùng chí hướng, bạn sẽ muốn kiên trì và dành nhiều công sức để học ngôn ngữ hơn. Và đây là yếu tố chủ chốt. Bạn cần phải dành hàng năm trời để học một ngôn ngữ mới. Trừ khi có một động lực về mặt xã hội, rất khó để bạn duy trì hoạt động này.”

Mới đây, một nghiên cứu của MIT trên 670.000 người làm test online cho thấy để đạt được trình độ ngữ pháp tiếng Anh như người bản xứ, tốt nhất bạn nên bắt đầu từ lúc 10 tuổi, vì sau tuổi này khả năng học giảm sút. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chúng ta có thể cải thiện trình độ ngôn ngữ, kể cả tiếng mẹ đẻ, theo thời gian. Ví dụ, chúng ta chỉ thực sự thành thạo ngữ pháp mẹ đẻ khi ở tuổi 30. Phát hiện này bổ sung cho một nghiên cứu online trước đó cho thấy chúng ta học khoảng một từ mới mỗi ngày trong tiếng mẹ đẻ cho đến tuổi trung niên.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn