Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngừa thai bằng cách đặt vòng và những tai nạn “chết người” mẹ Việt nào cũng nên biết


Đặt vòng là phương pháp phòng ngừa thai phổ biến được rất nhiều chị em áp dụng, tuy nhiên theo các chuyên gia, không có biện pháp tránh thai nào là tối ưu cho tất cả mọi người.

Theo đó, dù phương pháp tránh thai bằng cách đặt vòng được cho là phổ biến với nhiều ưu điểm như có hiệu quả khá cao, tác dụng lập tức và lâu dài, ít tốn kém, thoải mái, dễ sử dụng, và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản..., tuy nhiên cũng không thể loại trừ những tai nạn hy hữu có thể khiến các chị em áp dụng phương pháp này rơi vào nguy hiểm.

Vòng tránh thai bị rơi ra ngoài sau 4 tháng đặt vòng

Đó là trường hợp của chị L.T.T ở Thanh Hóa. Theo đó, bà mẹ trẻ đã chia sẻ trên mạng xã hội tình huống hy hữu chính chị đã trải qua. "Các mẹ ơi, mình đặt vòng mới được mấy tháng thôi. Tự dưng hôm nay nó rơi ra ngoài vậy có sao không ạ?"

Chị T. cho biết chị đặt vòng tránh thai để kiểm soát sinh sản sau khi sinh bé đầu. "Mình đặt vòng cách đây khoảng 4 tháng tại trung tâm y tế dự phòng. Tự nhiên một hôm mình đi vệ sinh thì thấy vòng rơi ra như vậy chứ không hề thấy đau bụng hay khó chịu gì. Vì cơ thể không có vấn đề gì nên mình cũng chưa đi khám hay đặt vòng lại nữa."

Sau khi đăng tải, câu chuyện "rơi vòng" của bà mẹ này lập tức thu hút đông đảo chị em quan tâm. Trong đó, nhiều người cho rằng vòng bị tuột ra có thể do cơ thể chị T. không phù hợp với phương pháp này hoặc hoạt động mạnh, làm việc nặng.

Mẹ Đồng Nai bị thủng bàng quang sau 31 năm đặt vòng tránh thai

Theo thông tin trên Pháp luật TP.HCM, ngày 21/1, bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T.T.H (sinh năm 1965) nhập viện trong tình trạng bị đau bụng vùng hạ vị kèm tiểu khó.

Tiến hành thăm khám, kết hợp với kết quả siêu âm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dị vật hình chữ T xuyên qua thành bàng quang và có sỏi bàng quang. Bệnh nhân đã được chỉ định mổ nội soi lấy dị vật và sỏi ra khỏi bàng quang.

Bác sĩ Phan Văn Ở, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho biết dị vật là chiếc vòng tránh thai hình chữ T, chiếc vòng này đã được đặt từ 31 năm trước và bị rơi ra khỏi vị trí cố định ban đầu, từ ngoài xuyên thành bàng quang và tạo sỏi bên trong bàng quang. Đến ngày 13-2 vừa qua, bà H. đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.

Trên thực tế, những trường hợp phụ nữ lớn tuổi quên tháo hay thay vòng tránh thai theo khuyến cáo, dẫn đến các biến chứng là không ít.

Bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình - Bệnh viện Từ Dũ, cho biết tùy vào chủng loại, thông thường vòng tránh thai có thời hạn từ 5-10 năm. Các thông số này ghi trên sản phẩm và nơi làm thủ thuật đặt vòng phải tư vấn rõ cho bệnh nhân về thời hạn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bỏ quên vòng tránh thai trong cơ thể trên 20, 30 năm.

Việc để vòng tránh thai quá hạn trong bụng dễ dẫn đến nhiều biến chứng. Thường gặp nhất, đó là việc mang thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, vòng quá hạn có thể bị lệch, nứt gãy, thậm chí xuyên cơ vào ổ bụng, bám vào các cơ quan lân cận. Điều này sẽ gây ra các tổn thương, nhiễm trùng; thậm chí thủng tử cung, gây viêm phúc mạc hoặc xuất huyết nội... khiến bệnh nhân tử vong.

Đặt vòng tránh thai, mẹ trẻ suýt mất mạng vì chảy máu vùng kín

Gần đây, một bà mẹ tại Úc đã chia sẻ câu chuyện suýt chết vì đặt vòng tránh thai của mình. Theo đó, chị Shannon Hubbard (sống tại Queensland, Úc) đã thực hiện đặt vòng tránh thai để đề phòng "vỡ kế hoạch" khi đã có 3 con.

Sau khi đặt, Shannon thấy mình bị chảy máu vùng kín. Tuy nhiên, cô nghĩ đó là tác dụng phụ thường thấy của việc đặt vòng tránh thai nên đã không để ý đến. Thêm vào đó, do quá bận rộn với việc chăm sóc 3 đứa con nhỏ nên Shannon đã không quan tâm nhiều tới tình trạng sức khỏe của mình.

Shannon suýt mất mạng vì đặt vòng tránh thai.

Vậy nhưng chỉ 3 ngày sau khi đặt vòng, Shannon đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, cô bị mất ý thức và xuất huyết nghiêm trọng. Các bác sĩ nhận định rằng nguyên nhân gây chảy máu là do vòng tránh thai được cấy sai vị trí và đã tiến hành tháo vòng tránh thai.

Sau khi trải qua 3 cuộc phẫu thuật, Shannon tiếp tục được đưa tới phòng chăm sóc đặc biệt để truyền 17 túi máu. Các bác sĩ tưởng rằng cô sẽ chết sau khi trải qua cuộc phẫu thuật thứ ba. Tồi tệ hơn, các biến chứng của sự việc đã khiến cho tử cung của Shannon bị tổn thương nghiêm trọng. Các bác sĩ nói rằng cô sẽ có rất ít cơ hội có con trong tương lai.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản TPHCM, thông thường, thời gian đầu sau khi đặt vòng, bệnh nhân thường được hẹn quay lại khám sau 1 tháng, rồi 3 tháng, 6 tháng... Sau khi đã ổn định thì chỉ cần khám thường niên.

Dù vòng tránh thai có hiệu quả ngừa thai cao (99%) và an toàn nhưng chị em vẫn nên tuân thủ việc thăm khám sau đặt vòng, bởi biện pháp nào cũng có một tỉ lệ thất bại nhất định. Trong thực tế, các bác sĩ sản phụ khoa thường gặp những phụ nữ để vòng trong tử cung rất lâu, sau tuổi mãn kinh, tuổi đã về hưu. Với những phụ nữ đến lúc mãn kinh mới lấy vòng ra, lúc này tử cung đã teo nhỏ, nội mạc mỏng dần khiến cho việc lấy vòng trở nên phức tạp hơn.

Khi sử dụng vòng tránh thai, nếu thấy các biểu hiện bất thường như trễ kinh, đột nhiên ra huyết, đau bụng..., chị em nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra xem tình trạng đó có liên quan đến vòng tránh thai hoặc có mang thai ngoài muốn hay không.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, những trường hợp chị em bị viêm vùng chậu cấp, viêm sinh dục trên, tiền sử viêm sinh dục trên, đang mắc hoặc có nguy cơ cao những bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiền sử thai ngoài tử cung, hiếm muộn, chưa có con; các trường hợp thiếu máu, xuất huyết âm đạo bất thường, rong kinh, rong huyết, thống kinh... cần cân nhắc sử dụng phương pháp đặt vòng tránh thai. Nếu muốn đặt vòng, cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Theo Eva