Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vậy trẻ sơ sinh ngủ ít có làm sao không?


Bác sĩ Đoàn Thị Mai cho rằng, giấc ngủ là một phần rất quan trọng trong sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy trẻ sơ sinh ngủ ít có làm sao không?


Tác giả bài viết: Bác sĩ Đoàn Thị Mai - Nghiên cứu sinh tiến sĩ dinh dưỡng và miễn dịch nhi khoa - Khoa y - Bệnh viện Đại học Tổng hợp Sankt-Peterburg (Nga)

Nguyên nhân trẻ sơ sinh ít ngủ

Tình trạng trẻ sơ sinh ngủ ít có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, mẹ cần hiểu một điều, bé sơ sinh mới ra với môi trường bên ngoài. Những âm thanh, ánh sáng... đều có thể dẫn đến việc bé bị tác động.

Một số những nguyên nhân tác động đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh như:

- Trẻ bị ướt mông do tè ướt tã, tràn tã.

- Bé sơ sinh có dạ dày nhỏ và sữa rất nhanh tiêu nên bé sẽ thường nhanh đói. Khi bé đói sẽ tự khắc thức giấc.

- Thiếu vi chất dinh dưỡng: Bé sơ sinh bị thiếu kẽm, canxi cũng sẽ ngủ không sâu giấc, hay giật mình, bứt rứt khó chịu khi ngủ.

- Thời tiết chuyển mùa dễ khiến bé mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm... Khi bị ốm bé sẽ mệt mỏi, bú kém, khó ngủ.

Thời gian ngủ trung bình của trẻ
Trên thực tế có nhiều trẻ sơ sinh ngủ ít hơn bình thường, hay thức chơi vào ban đêm đã trở thành nỗi ám ảnh của ông bà bố mẹ. Tuy nhiên, mỗi trẻ lại có nhu cầu khác nhau về giấc ngủ.

Khi chứng kiến trẻ sơ sinh ít ngủ bố mẹ lo lắng không biết con bị làm sao không. Vì thế để hiểu hơn về giấc ngủ các con, bố mẹ cần tìm hiểu về thời gian ngủ trung bình của trẻ trong một ngày.

- Trẻ sơ sinh (đến 8 tuần tuổi): 16 đến 18 giờ, mỗi giấc ngủ từ 2 đến 4 giờ.

- Trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng: 14 đến 16 giờ.

- Trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi: 14 giờ.

- Trẻ 1 đến 3 tuổi: 10 đến 13 giờ.

- Trẻ 3 đến 5 tuổi: 10 đến 12 giờ.

Trẻ sơ sinh ngủ ít có ảnh hưởng gì không?
Giấc ngủ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe trẻ sơ sinh. Ngủ tốt và đủ là yếu tố quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch, trí nhớ, việc học hỏi, các hoạt động trao đổi chất để lớn lên của cơ thể.

Trong tháng đầu sơ sinh, khoảng thời gian thức giữa hai giấc ngủ của em bé trung bình là từ 30 phút đến 1 giờ. Do nhu cầu của các bé là khác nhau, nên có bé thời gian thức sẽ ít hơn làm các giấc ngủ như liên tiếp nhau, làm chúng ta thấy bé ngủ rất nhiều.

Trẻ sơ sinh (đến 8 tuần tuổi): 16 đến 18 giờ, mỗi giấc ngủ từ 2 đến 4 giờ. Ảnh minh họa

Lúc này nên chú ý trò chuyện với bé nhiều hơn, và nên cho bé bú sữa vào khoảng thời gian này. Một số bé thì thời gian thức lại dài hơn, sau đó khó quay lại giấc ngủ, thời gian ngủ trong ngày chỉ khoảng 12 đến 14 giờ.

Nhưng nhớ là chúng ta không nên định lượng giấc ngủ của con nhiều hay ít bằng cách so với một đứa trẻ khác. Trẻ ngủ đủ theo nhu cầu riêng của trẻ thì sẽ khỏe mạnh, vui vẻ mà ít cáu gắt khó chịu. Trường hợp con của các mẹ ngủ ít hơn 10 giờ một ngày chúng ta sẽ cần thăm khám bác sĩ trực tiếp để tìm nguyên nhân.

Trẻ sơ sinh ngủ ít phải làm sao?
Trong vòng một tháng đầu, mẹ cần cho bé bú bất cứ lúc nào bé đói nhưng thông thường là từ 1,5 giờ đến 2 giờ vào ban ngày và 3,5 đến 4 giờ vào ban đêm cho một cữ bú, từ 8-12 cữ trong vòng 24 giờ một ngày.

Ban ngày nếu bé ngủ quá 2 -3 giờ thì mẹ cần đánh thức bé dậy cho bú. Ảnh minh họa

Trung bình một em bé sơ sinh sẽ cần được cung cấp 600ml sữa mỗi ngày (hai tuần đầu ít hơn từ 300 đến 400ml). Em bé sơ sinh rất ham ngủ, có thể ngủ quên ăn và nhiều mẹ cho rằng bé ngủ sâu giấc không nên làm phiền. Nhưng mẹ cần biết dạ dày bé rất nhỏ nên bé sẽ nhanh đói thường xuyên.

Như vậy trong tháng đầu tiên, ban ngày nếu bé ngủ quá 2 -3 giờ thì cần đánh thức bé dậy cho bú, và ban đêm là từ 4 đến 5 giờ. Qua tháng đầu sơ sinh chúng ta sẽ không cần đánh thức bé dậy bú vào ban đêm nữa nếu thấy lượng sữa ban ngày bé bú đã đầy đủ và việc đi tiêu, đi tiểu, tăng cân của bé bình thường.

Thông thường qua 3 tháng tuổi, hầu hết các em bé sẽ nhận đủ năng lượng vào ban ngày nên có thể ngủ 5-6 giờ vào ban đêm. Và lí tưởng là bước tiếp theo bạn sẽ tập luyện cho em bé ăn vào ban ngày và ngủ xuyên đêm khi bé được 6 tháng tuổi.

Theo Eva