Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

3 thói quen phổ biến ở trẻ mà các mẹ cần loại bỏ ngay nếu không muốn gây hại đến xương hàm và thẩm mỹ sau này của con


Nếu phát hiện con cái mắc phải 1 trong những thói quen nguy hại dưới đây, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng can thiệp để chúng không gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thẩm mỹ của trẻ trong tương lai

Trẻ nhỏ chưa có nhiều ý thức về hành động của mình nên rất dễ hình thành thói quen xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ trong tương lai. Vậy nên sự quan sát và can thiệp kịp thời của bố mẹ ở những năm tháng đầu đời của trẻ là vô cùng quan trọng. Sau đây chính là 3 thói quen vô cùng phổ biến với trẻ mà các bậc phụ huynh cần đặc biệt để ý.

Nhai một bên hàm

Đây là thói quen không chỉ trẻ nhỏ mà rất nhiều người lớn cũng mắc phải. Nhưng đối với cơ thể đang trong quá trình hoàn thiện các bộ phận thì nó lại gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Đầu tiên, nhai một bên hàm sẽ làm lệch mặt do cơ quai hàm chỉ phát triển ở một bên. Khi đó, bên còn lại do không được sử dụng thời gian dài sẽ bị co lại, dẫn tới mặt có dấu hiệu lệch. Nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến lệch sống mũi, ảnh hưởng khá lớn về mặt thẩm mỹ. Ngoài ra, trong thời gian sử dụng duy nhất 1 hàm để nhai, răng bị bào mòn gấp đôi và làm tăng nguy cơ làm tổn thương răng.

Thở bằng miệng

Trẻ nhỏ thường bị viêm mũi do cơ thể chưa thể thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường. Trong thời gian bị bệnh, chúng sẽ có xu hướng thở bằng miệng, dần dần hình thành thói quen. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu trẻ duy trì thói quen này trong 2 đến 3 năm sẽ gây ra biến dạng xương hàm, làm răng mọc không đúng vị trí, gây hô, cắn hở, từ đó ảnh hưởng đến chức năng nhai và khả năng phát âm.


Ngoài vấn đề thẩm mỹ, các nghiên cứu còn chỉ ra chất lượng giấc ngủ của những đứa trẻ có thói quen thở bằng miệng sẽ kém hơn rất nhiều so với các bé quen dùng mũi để thở. Điều này được lý giải gây ra bởi sự thiếu hụt lượng oxy, nhiều khả năng đe dọa sự phát triển về mặt trí tuệ của trẻ.

Mút tay

Từ tháng thứ 8 của thai kỳ, thai nhi theo bản năng sẽ tự động hình thành thói quen mút tay. Hành động này giúp ích rất nhiều cho các bé khi làm quen với việc bú ti mẹ hoặc bú sữa bình sau này. Thói quen này sẽ được duy trì cho đến tận sau khi chào đời. Các chuyên gia cho rằng nó có thể giúp thỏa mãn đứa trẻ về mặt cảm xúc vậy nên bố mẹ không nên vội can thiệp.


Nhưng đến tuổi mọc răng, thói quen này cần được giảm thiểu đến mức tối đa. Bởi vì mút tay trong thời gian này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm, đồng thời khiến răng nhô dẫn đến tình trạng hô, răng thưa và mọc không đều. Ngoài ra, thói quen mút tay còn làm gia tăng vi khuẩn trong khoang miệng và những căn bệnh nguy hại đến sức khỏe của trẻ.

Theo Phunu8.vn