Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé gái mới 3 tuổi đã bị bệnh gút do chính cách chăm sóc mù quáng của người lớn


Trước đây bệnh gút được coi là "căn bệnh mãn tính của người già". Tuy nhiên gần đây tỉ lệ trẻ nhỏ mắc căn bệnh này ngày một gia tăng lên.


Tiểu Mẫn là đứa trẻ vô cùng đáng yêu, cô bé được coi là viên ngọc quý trong gia đình. Kể từ khi Tiểu Mẫn được sinh ra, mọi người trong gia đình đều hết mực chăm sóc yêu thương. Đặc biệt, ông bà nội Tiểu Mẫn vì muốn bổ sinh dinh dưỡng cho cháu, ông bà đã dành nhiều thời gian để làm món canh hầm xương để giúp bổ sung canxi cho cháu gái. Do đó, từ khi Tiểu Mẫn bắt đầu được 1 tuổi, mỗi ngày cô bé đều ăn 2 bát canh hầm xương.

Trong nửa năm lại đây, Tiểu Mẫn đã vài lần xuất hiện triệu chứng đau chân, nhưng mọi người trong gia đình không nghĩ đến bệnh gút, cộng thêm việc sau khi nghỉ ngơi tình trạng lại thuyên giảm, chính vì vậy người lớn đều hiểu lầm là do chấn thương, nên không mấy coi trọng.

Vào buổi tối ngày 16/11, Tiểu Mẫn sau khi ăn xong một bát đậu phụ, cô bé lại xuất hiện tình trạng đau chân, hai mắt cá chân đỏ và sưng, khi chạm vào rất đau, không thể đi nổi và cô bé khóc không ngừng. Lúc này gia đình mới đưa Tiểu Mẫn đến phòng cấp cứu của Khoa Nhi thuộc Bệnh viện nhân dân trung tâm thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông), kết quả phát hiện axit uric trong máu tăng cao, chẩn đoán là bị bệnh gút.


Ăn quá nhiều canh xương hầm chính là nguyên nhân khiến Tiểu Mẫn bị gút (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Trương Tuyết Trân, trưởng Khoa Nhi Bệnh viện nhân dân trung tâm thành phố Huệ Châu nói rằng, thực tế bố của Tiểu Mẫn cũng bị bệnh gút. Đối với Tiểu Mẫn, di truyền là yếu tố nguy cơ cao, cộng thêm mỗi ngày 2 bát canh hầm xương là "chất xúc tác", khiến cô bé dễ bị tăng axit uric trong máu, càng khiến xuất hiện bệnh gút sớm hơn.

Khi ninh xương, nhìn màu trắng đục của nước xương tưởng rất nhiều canxi nhưng thực chất, hàm lượng canxi trong đó rất ít (2-4mg/100ml, trong khi canxi của sữa là 100-150mg/100ml). Và màu trắng đục đó chính là chất béo và purine. Cơ thể dung nạp quá nhiều chất béo dễ gây ra béo phì, thời gian dài ăn canh xương có nhiều purine có thể dẫn đến mỡ máu cao, axit uric cao.

4 yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh gút cao ở trẻ em và thanh thiếu niên

Bác sĩ Trương Tuyết Trân giải thích: "Bệnh gút hiện là một bệnh phổ biến và thường xuyên xảy ra. Chúng tôi hầu như mỗi ngày đều tiếp nhận bệnh nhân bị gút dao động từ 5 đến 90 tuổi. Trong những năm gần đây, do mức sống của người dân được nâng cao, chế độ ăn uống cũng thay đổi, vì vậy những bệnh nhân có axit uric máu cao cũng tăng và trong số đó có không ít trẻ em".

Bác sĩ Trương Tuyết Trân nói thêm, có bốn yếu tố, bao gồm: suy dinh dưỡng, các loại đồ uống, béo phì và di truyền là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh gút ở trẻ em và người trẻ tuổi. Ví dụ, các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như cá biển, hải sản, thịt đỏ (thịt bò và thịt cừu), cũng như rượu, nội tạng động vật, canh xương hầm là tất cả các loại thực phẩm chứa purine cao. Ngoài ra có rất nhiều trẻ thích đồ uống có ga và các loại đồ uống chức năng, sau khi uống lượng lớn vào cơ thể sẽ làm tăng sản xuất axit uric.


Cho trẻ uống quá nhiều nước có ga là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị mắc bệnh gút (Ảnh minh họa).

Phòng ngừa bệnh gút ở trẻ

Bất cứ ai đã có kinh nghiệm về bệnh gút đều biết rằng các cơn đau khiến con người rất khổ sở, đặc biệt ở trẻ khả năng chịu đựng kém, đơn giản như thở cũng thấy đau. Điều đáng lo ngại hơn nữa là bệnh gút ở trẻ em còn có thể gây ra nhiều bệnh như bệnh thận, bệnh tim mạch và mạch máu não, bệnh khớp... Đặc biệt là sưng, đau khớp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương ở trẻ và cũng có thể gây tê liệt chân tay.

Bác sĩ Trương Tuyết Trân gợi ý rằng điều đầu tiên cần chú ý là chế độ ăn uống cân bằng, tránh ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhân purine cao, các loại đồ uống có đường và thực phẩm ngọt. Nếu người lớn muốn bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, có thể cho trẻ ăn protein chất lượng cao, chẳng hạn như các loại đậu, các sản phẩm từ sữa, trứng, cá nước ngọt, thịt trắng (cá, gà...).

Tất nhiên khi nấu ăn chú ý cho ít dầu, ít đường, ít gia vị, ăn nhiều thực phẩm nấu bằng phương pháp hấp, luộc. Trái cây có thể lựa chọn các loại quả không quá ngọt như anh đào, kiwi, đu đủ, khế, ổi... Đồng thời, tạo thói quen tập thể dục cho trẻ, khuyên trẻ uống nhiều nước để thúc đẩy bài tiết axit uric. Đảm bảo mỗi ngày uống 2 lít nước và tập thể dục 30 phút.

Theo Afamily