Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hiệu trưởng trường mầm non chịu trách nhiệm chính về vệ sinh an toàn thực phẩm


Thành phố Hải Phòng đã gắn trách nhiệm của hiệu trưởng các trường mầm non trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn đối với nguồn thực phẩm đầu vào cho các suất ăn.

Từ cuối tháng 5/2018, Sở Y tế Hải Phòng đã thành lập đoàn kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường mầm non công lập, tư thục, nhóm trẻ gia đình.

Qua thực tế kiểm tra, phát hiện bếp ăn một số trường còn “mập mờ” về nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến chưa bảo đảm vệ sinh, cô nuôi hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một số trường chưa ký hợp đồng cung cấp thực phẩm đầu vào bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm.

Bộc lộ nhiều vi phạm

Trường mầm non Tân Phong (huyện Kiến Thụy), năm học 2017-2018, phụ huynh học sinh có nhiều bức xúc về nguồn gốc thực phẩm để chế biến thức ăn cho trẻ.

Theo phản ánh, mặc dù nhà trường có ký hợp đồng mua thực phẩm với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phúc Khang, nhưng thường xuyên ghi không đúng giá thực phẩm tại sổ ghi.

Có lần phụ huynh phát hiện công ty này chuyển gà công nghiệp chưa chế biến sạch trong khi trong sổ thực phẩm ghi thịt gà ta.

Bếp ăn một số trường mầm non tại Hải Phòng chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (Ảnh: Lã Tiến)

Hay Trường mầm non Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh), hiện chưa ký hợp đồng mua thực phẩm với đơn vị, doanh nghiệp.

Nhà trường chỉ “hợp đồng miệng” mua các mặt hàng rau, thịt, thủy sản, trứng, sữa… với 1 phụ huynh trong trường cung cấp;

Giấy khám sức khỏe của các cô nấu ăn tại trường đều lấy từ một phòng khám chuyên khoa ở xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên).

Sai phạm không chỉ xảy ra ở các trường mầm non công lập, các nhóm trẻ độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình cũng bộc lộ nhiều vi phạm.

Đơn cử, Trường mầm non tư thục Hoa Hồng (ở xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đi vào hoạt động khoảng 1 năm nay, thu hút khá đông phụ huynh gửi con.

Tuy nhiên, một số phụ huynh thực sự lo lắng vì bữa ăn con em mình tại trường chất lượng thực phẩm chưa bảo đảm.

Theo tìm hiểu, nguồn thực phẩm sử dụng trong bếp ăn chủ yếu mua ngoài chợ, có khi nhà trường “hợp đồng miệng” với một số gia đình chuyên cung cấp rau, thịt lợn để chế biến thức ăn.

Không những thế, việc xây dựng thực đơn, dinh dưỡng bữa ăn chưa được nhà trường quan tâm.

Thực đơn lặp lại 2-3 lần trong 1 tuần, gây sự nhàm chán cho trẻ. Sau vài lần kiến nghị, một số phụ huynh cho con em nghỉ vì bữa ăn của trẻ không có sự thay đổi.

Trên thực tế, việc mua thức ăn ngoài chợ, “hợp đồng miệng” mua bán thực phẩm nếu xảy ra sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm, rất khó truy nguồn gốc để cơ quan chuyên môn có hướng xử lý.

Điều đáng lo ngại hơn là cơ sở vật chất phục vụ nấu ăn, khâu chế biến thức ăn, ý thức trách nhiệm của cô nuôi về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được lưu tâm.

Như nhóm trẻ gia đình Tương Lai (ở xã An Đồng, huyện An Dương) có gần 20 cháu theo học.

Do tận dụng bếp ăn gia đình để chế biến thức ăn cho trẻ nên diện tích chật hẹp, đồ dùng nấu bếp chưa được đầu tư, vệ sinh sạch sẽ. Không những thế bếp còn gần nhà vệ sinh, mất vệ sinh, mỹ quan.

Một số nhóm trẻ gia đình khác chưa thực hiện quy trình bếp ăn một chiều, việc lưu mẫu thức ăn trước và sau chế biến còn lơ là, thức ăn sống, chín để lẫn lộn dễ dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn chéo, công tác bảo quản sơ sài…

Theo thống kê, hiện toàn thành phố Hải Phòng có 1.974 bếp ăn trường mầm non công lập và hơn 8.000 nhóm trẻ độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình đang hoạt động. Trong số đó, mới có gần 600 nhóm trẻ độc lập tư thục được cấp phép.

Hơn 7.000 nhóm trẻ độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép hoạt động đồng nghĩa với các điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, giáo viên, đồ dùng dạy và học và cả yếu tố cô nuôi, bếp ăn đều chưa đạt yêu cầu.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nguồn gốc thực phẩm đầu vào

Là đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định, bà Lê Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Sáng (ở thị trấn An Lão, huyện An Lão, Hải Phòng) cho biết: Hiện, nhà trường cung cấp bữa ăn bán trú cho 366 cháu theo học tại trường.

Do đó, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được nhà trường hết sức quan tâm.

Ngay từ đầu năm nhà trường họp ban chủ nhiệm phụ huynh học sinh thống nhất nhà cung cấp thực phẩm.

Tất cả các khâu từ đầu vào, sơ chế, chế biến, lưu mẫu… đều được giám sát cẩn thận, không để sai sót xảy ra.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho cô nuôi được thực hiện đều đặn hằng năm.

Để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu trưởng các trường mầm non tại Hải Phòng phải chịu trách nhiệm chính (Ảnh: Lã Tiến)

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hải Phòng, để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, các trường học có bếp ăn bán trú ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất cần kiểm soát chặt chẽ đầu vào các loại thực phẩm, phụ gia, nước uống, bảo đảm các thực phẩm đưa vào nhà trường đều an toàn đối với trẻ.

Các trường chỉ nên ký hợp đồng thực phẩm với nhà cung cấp có uy tín; khi mua phải có hóa đơn, chứng từ đầy đủ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm.

Đối với sản phẩm bao gói sẵn cần kiểm tra kỹ nhãn mác, thông tin chi tiết về sản phẩm, hạn sử dụng, kết quả kiểm nghiệm định kỳ của sản phẩm…

“Thời gian tới, Sở Y tế tham mưu với thành phố Hải Phòng khuyến khích và dần tiến tới bắt buộc các trường học trên địa bàn phải bảo đảm vệ sinh an toàn đối với nguồn thực phẩm đầu vào cho các suất ăn.

Chịu trách nhiệm chính về vấn đề này tại các trường sẽ là hiệu trưởng”, ông Toản nói.

Sở Y tế sẽ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát, thẩm định, cấp phép lại đối với tất cả các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học và tất cả những cơ sở, đơn vị liên quan đến vấn đề cung cấp suất ăn cho học sinh.

Quá trình thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại hệ thống giáo dục mầm non và phổ thông sẽ được tiến hành theo từng quý.

Cùng với đó, các trường học tại các quận huyện được yêu cầu phải thiết lập hệ thống tự kiểm tra.

Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền để các địa phương hiểu trách nhiệm của mình trong việc quản lý, kiểm tra các bếp ăn của trường học mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn.

Nguồn http://giaoduc.net.vn