Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những sai lầm khi luyện ngủ cho con khiến mẹ luyện mãi vẫn thất bại thảm hại


Các chuyên gia về giấc ngủ của trẻ nhỏ đã phân tích và chỉ ra những sai lầm các mẹ thường gặp khi luyện ngủ cho con.

1. Sai lầm thứ nhất: Cho trẻ ăn hoặc rung lắc trẻ để dỗ trẻ ngủ

Khá nhiều người thường mắc phải sai lầm này khi bắt đầu làm mẹ. Trẻ sơ sinh thường ngủ thiếp đi sau mỗi lần bú, vì sau 2 - 3 giờ đồng hồ trẻ lại cần bú một lần và giờ đi ngủ của chúng khá lộn xộn. Việc trẻ ngủ sau mỗi lần bú là hoàn toàn bình thường, bởi đó là cách trẻ thích nghi với cuộc sống ngoài cơ thể người mẹ. Theo bác sĩ y khoa Ari Brown, cố vấn của chuyên trang tư vấn nuôi dạy trẻ Parents và là tác giả cuốn sách Baby 411: "Trong vài tháng đầu đời, trẻ sơ sinh tuy chưa thể ngay lập tức thích ứng với cuộc sống ngoài bụng mẹ, nhưng những thói quen xấu chưa thể hình thành được. Tuy nhiên từ tháng thứ 4 trở đi, hệ thần kinh của trẻ dần phát triển và trẻ bắt đầu hình thành thói quen ngủ theo giờ cố định".

Khi đó, nếu mẹ chỉ có thể dỗ trẻ ngủ bằng cách cho trẻ ăn hoặc rung lắc trẻ, vấn đề sẽ nảy sinh. "Trẻ sơ sinh thường tỉnh giấc 2 - 6 lần trong một đêm, vì thế mẹ sẽ phải liên tục cho trẻ ăn hoặc rung lắc trẻ để dỗ trẻ ngủ lại mỗi khi trẻ quấy khóc", bác sĩ tâm lý học Jodi Mindell - cố vấn chuyên trang tư vấn nuôi dạy trẻ Parents và là tác giả cuốn sách Sleeping Through the Night chỉ rõ.


Cho trẻ ăn để dỗ bé ngủ sẽ khiến việc luyện ngủ cho con thất bại (Ảnh minh họa).

Cách khắc phục: Luyện ngủ cho con theo thói quen bằng các hoạt động: tắm cho trẻ, mặc quần áo ngủ cho trẻ, đọc sách cho trẻ nghe và tắt đèn trong phòng. Bác sĩ Mindell cho biết: "Nếu những hoạt động đó được lặp đi lặp lại hàng tối, trẻ sẽ dần nhận thức được rằng 'Ồ, sắp đến giờ đi ngủ rồi đây'". Tương tự như vậy, trẻ sẽ biết rằng "mình sẽ ngủ trong cũi chứ không phải trong vòng tay mẹ" nếu bạn kiên trì đặt trẻ vào cũi hàng đêm trước khi trẻ buồn ngủ.

2. Sai lầm thứ hai: Bế trẻ lên mỗi lần trẻ khóc

Theo bản năng, mẹ thường ngay lập tức bế trẻ lên mỗi lần trẻ khóc. Trong 6 tháng đầu, nếu trẻ khóc, có mẹ bên cạnh sẽ làm trẻ thấy an tâm, nhưng mẹ hãy đợi một lúc để thử xem trẻ có thể tự nín khóc được không. Tuy nhiên, khi trẻ dần lớn lên, chúng sẽ biết dùng tiếng khóc để "tranh thủ lợi thế" cho mình. Bác sĩ Mindell cho biết: "Đứa trẻ 9 tháng tuổi sẽ ghi nhớ việc tối hôm trước được chơi đùa cùng mẹ đến khi buồn ngủ sau khi khóc quấy".

Những sai lầm khi luyện ngủ cho con khiến mẹ luyện mãi vẫn thất bại thảm hại - Ảnh 2.

Khóc là hành động chứng minh trẻ học cách tự trấn tĩnh bản thân và điều đó không có nghĩa bạn đang bỏ mặc trẻ (Ảnh minh họa).

Cách khắc phục: Khi trẻ khóc, mẹ hãy tự hỏi: Con bị đói bụng, khát nước không? Con tè dầm sao? Hay bị ốm? Nếu trẻ khóc chỉ vì cảm thấy không được mẹ chú ý, hãy thử phương pháp sau đây do bác sĩ tâm lý học Elizabeth Lombardo ở Lake Forest, Illinois phát triển dựa trên phương pháp luyện ngủ Ferber của bác sĩ nhi khoa Richard Ferber - Giám đốc Trung tâm Rối loạn giấc ngủ nhi khoa, Bệnh viện nhi Boston: Trước tiên, mẹ hãy tính thời gian 5 phút sau khi rời phòng ngủ của trẻ. Nếu sau 5 phút mà trẻ vẫn khóc, đến bên cạnh trẻ để xác định trẻ không có những dấu hiệu bất thường, sau đó rời khỏi phòng và lại tính giờ. Kiểm tra trẻ mỗi 5 phút đến khi trẻ ngủ say. Tương tự như vậy trong đêm tiếp theo, kiểm tra trẻ sau mỗi 10 phút. Dần dần, trẻ sẽ có thể tự ngủ dễ dàng hơn. Theo bác sĩ Lombardo: "Khóc là hành động chứng minh trẻ học cách tự trấn tĩnh bản thân và điều đó không có nghĩa bạn đang bỏ mặc trẻ".

3. Sai lầm thứ ba: Cho trẻ bú nhiều về đêm

Cho trẻ bú nhiều về đêm sẽ dần hình thành thói quen bú đêm của trẻ mặc dù nhiều khi trẻ không thực sự đói. Bác sĩ Brown chia sẻ: "Trẻ vì thế sẽ quen tỉnh giấc và cho rằng 'mẹ sẽ cho mình bú để mình ngủ lại thôi mà'". Các mẹ hẳn đã nhận ra dỗ trẻ ngủ bằng cách cho bú thường dễ dàng hơn việc để trẻ tự nín và ngủ trở lại. Nhưng trẻ được 6 tháng tuổi có thể vẫn đòi bú mặc dù trẻ không thực sự cần. Bác sĩ Brown giải thích: "Giấc ngủ của người mẹ sẽ bị gián đoạn khi họ chiều theo đòi hỏi của trẻ".

Cho trẻ bú nhiều về đêm không chỉ gián đoạn giấc ngủ của mẹ mà còn ảnh hưởng đến giờ ăn trong ngày của trẻ. Bác sĩ Mindell khuyến cáo: "Đó là một vòng luẩn quẩn: Trẻ ăn quá nhiều về đêm và sẽ biếng ăn vào ban ngày, vì thế trẻ sẽ lại đói vào ban đêm". Hơn nữa, sai lầm này cũng có thể khiến mẹ khó thành công khi tập cho trẻ bắt đầu ăn dặm.


Trẻ ăn quá nhiều về đêm và sẽ biếng ăn vào ban ngày, vì thế trẻ sẽ lại đói vào ban đêm (Ảnh minh họa).

Cách khắc phục: Các mẹ nên dỗ cho trẻ ăn nhiều hơn vào ban ngày bằng cách giảm lượng sữa hoặc thời gian cho trẻ bú. Hoặc nếu muốn cai bú đêm, mẹ có thể để bố dỗ trẻ ngủ vài đêm.

4. Sai lầm thứ tư: Đung đưa để dỗ trẻ ngủ

Mẹ sẽ có thêm thời gian làm vài việc vặt trong nhà khi để trẻ ngủ trong nôi, nhưng khi đã quen với điều đó, trẻ khó có thể tự mình ngủ - theo ý kiến của bác sĩ Mindell. Khi đó, chính người mẹ cũng có thể gặp phải chứng rối loạn giấc ngủ. Bác sĩ Lombardo giải thích: "Bố mẹ thường để trẻ ngủ khi nào trẻ muốn, nhưng quan trọng hơn trẻ cần hiểu được đâu mới là lúc mình nên ngủ".

Cách khắc phục: Mẹ cần biết trẻ cần ngủ bao lâu, cũng như thời gian biểu cho giấc ngủ của trẻ. Để trẻ ngủ trong cũi càng thường xuyên càng tốt. Nếu trẻ không muốn, mẹ hãy thử thực hiện phương pháp sau do bác sĩ Mindell gợi ý: "Trước tiên chỉ để trẻ tự ngủ trong cũi một giấc mỗi ngày, khi trẻ đã dần quen thì áp dụng cho tất cả các giấc ngủ trong ngày".

5. Sai lầm thứ năm: Để trẻ thức khuya

Nhiều mẹ sẽ cho rằng để trẻ thức đến khi trẻ thực sự buồn ngủ sẽ giúp trẻ ngủ sâu hơn và ngon giấc hơn, nhưng sai lầm đó có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Bác sĩ Mindell cho biết: "Trẻ sẽ mệt mỏi nếu thức khuya. Khi đó, trẻ khó ngủ hơn và hay tỉnh giấc hơn". Mặc dù giờ giấc sinh hoạt lộn xộn khiến trẻ sơ sinh thường ngủ muộn, nhưng từ tháng thứ 4 trở đi, trẻ thường buồn ngủ vào khoảng 7h hoặc 8h tối.

Cách khắc phục: Nếu trẻ thường ngủ sớm hơn 7h tối, mẹ hãy tìm cách luyện cho trẻ ngủ muộn hơn 15 phút mỗi ngày đến khi trẻ quen với việc ngủ lúc 7h hoặc 8h tối, coi đó là giấc ngủ chính trong ngày của trẻ và để trẻ ngủ đến sáng hôm sau.

Theo Afamily