Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

4 tính cách ở trẻ dự báo lớn lên hư hỏng, bất hiếu, cha mẹ sửa ngay cho con


Có những đứa trẻ vì được cưng chiều từ nhỏ, kết hợp với việc nuôi dạy không được sát sao bỗng dưng trở nên cáu gắt, trở thành những đứa trẻ hư hỏng trong tương lai.

Cha mẹ sinh con trời sinh tính, thế nhưng, bất kì bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy đứa con thơ ngây "như tờ giấy trắng" nên người, trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, cũng chính vì yêu thương con mà nuông chiều con thái quá dẫn đến việc trẻ có những tính cách hư hỏng.

Dưới đây chính là những điềm báo "tố cáo" đứa trẻ đang có những dấu hiệu của sự hư hỏng, ngỗ nghịch, thậm chí nếu không được cha mẹ dạy dỗ, sửa sai, trong tương lai sẽ trở thành những con người ích kỉ, không có hiếu với cha mẹ.

1. Trẻ không biết nói lời "Cảm ơn"

Ngoài những ngôn ngữ giao tiếp thông thường thì có lẽ nghi lễ nói "Cảm ơn" chính là việc đầu tiên và quan trọng mà mỗi bậc cha mẹ cần dạy cho con cái. Cảm ơn không chỉ với người ngoài mà còn cả với cha mẹ. Bé biết ơn những người đã giúp đỡ mình, sinh ra mình là thể hiện sự tôn trọng của bé dành mọi người, đặc biệt là ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Lời cảm ơn của trẻ phải được xuất phát và dạy dỗ đồng hành những sự việc trong cuộc sống, nghĩa là cha mẹ hãy lấy chính bản thân của mình để làm gương cho con. Cha mẹ biết ơn, tôn trọng những người xung quanh, bề trên và dạy cho trẻ khi nào thì cần phải nói lời cảm ơn: khi ai đó giúp đỡ mình, khi ai đó cho mình thứ gì, khi ai đó nhường nhịn mình việc gì...

Thực tế, trong xã hội hiện nay, rất ít đứa trẻ được cha mẹ chú trọng dạy cho điều này. Trẻ coi việc cha mẹ chuẩn bị quần áo, cơm nước cho chúng mỗi ngày là việc đương nhiên, trẻ coi việc những người xung quanh giúp đỡ mình là việc ngẫu nhiên. Không tỏ thái độ trân trọng, cảm ơn. Từ đó trẻ không biết được rằng, để được thừa hưởng những điều đó, trẻ cần phải có thái độ cảm ơn, trân quý.

Trong tương lai, một đứa trẻ không biết nói lời cảm ơn thường sẽ không thấu hiểu được sự hy sinh, tình yêu thương mà cha mẹ dành cho mình. Từ đó cũng không có trách nhiệm phải hiếu thuận với cha mẹ, dễ trở thành đứa trẻ ích kỉ, bất hiếu, bỏ mặc cha mẹ già ốm đau.

2. Ích kỉ, không biết biết nhận lỗi khi mình sai

Mọi sự việc trong xã hội hay điều cha mẹ làm cho bé đều không có thể trở nên tuyệt đối hoàn hảo. Đứa trẻ cũng không thể ích kỉ và yêu cầu mọi thứ đến với mình một cách hoàn hảo. Ích kỷ chính tính cách khiến đứa trẻ sẽ bị người xung quanh "nhấn chìm", nhất là trong một xã hội tập thể.

Hiện nay rất nhiều đứa trẻ, nhất là con một, được nhận sự cưng nựng của tất cả mọi người trong gia đình nên sinh ra thói quen ích kỉ, có suy nghĩ mọi người đều phải cưng phụng mình, coi mình là số một. Cũng từ đó, khi đi ra ngoài xã hội "sẽ có nhiều kẻ mạnh hơn". Đứa trẻ sẽ mãi mãi bị vùi dập nếu sở hữu tính cách ích kỉ, chỉ nghĩ cho riêng mình.

Sau lời "cảm ơn" chính là lời "xin lỗi" mà mọi đứa trẻ phải biết và hiểu được ý nghĩa của từ xin lỗi. Nếu đứa trẻ không biết nhận lỗi khi mình sai, thậm chí chăm chăm đổ lỗi cho người khác thì khả năng cao, trong tương lai đứa trẻ sẽ ít hiếu thảo với cha mẹ. Giải thích cho điều này đó là việc đứa trẻ đã quen với sự nuông chiều của cha mẹ, mọi thứ mình được nhận đều là nghiễm nhiên và có sai sót gì thì người nhận lỗi cũng không phải là mình. Những đứa trẻ như thế thường không biết nghĩ cho cha mẹ, đặt mình ở vị trí người khác để nhận ra cái sai của bản thân.

3. Đứa trẻ thích cãi lời cha mẹ

Cãi lời cha mẹ là thói quen của hầu hết trẻ thơ, đó cũng được coi là một giai đoạn phát triển về tâm lý, nhận thức của trẻ. Tuy nhiên, song song với việc phát triển, đứa trẻ cần phải được cha mẹ, ông bà và thầy cô dạy dỗ rằng cãi lời cha mẹ là thể hiện sự không tôn trọng cha mẹ của mình, người đang mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho chính mình.

Bên cạnh đó, nếu đứa trẻ có thái độ chống đối, cãi lại lời cha mẹ thì cha mẹ cũng nên tìm hiểu lý do tại sao, điểm sai nằm ở cách dạy của mình hay ở chính đứa con. Để từ đó trẻ có thái độ hợp tác hơn với những gì cha mẹ nói.

4. Cha mẹ cần phải "hối lộ" trẻ mới làm việc

"Hối lộ" có lẽ là việc mà rất nhiều bậc cha mẹ hiện nay đang làm với con cái của mình: cho con dùng điện thoại bé mới ăn, cho con ăn kẹo con mới ngoan, cho con tiền cho mới đi học, mua quần áo đẹp con mới nghe lời.... Nếu việc này chỉ dừng ở mức ít thì đó đơn giản là phần thưởng dành cho sự ngoan ngoãn cho bé. Tuy nhiên, nếu đó là thường xuyên thì bạn cần xem xét lại. Bằng không càng lớn lên, không có một thỏa thuận "hoán đổi" phù hợp, đứa trẻ sẽ bướng bỉnh, không nghe lời, thậm chí còn làm những việc sai trái mà cha mẹ không lường trước được.

Hối lộ chỉ là một giải pháp ngắn hạn nó có thể phản tác dụng. Khi hối lộ trở thành chuẩn mực, con của bạn sẽ bắt đầu kỳ vọng vào những phần thưởng tốt hơn trước khi đồng ý thực hiện nhiệm vụ.

Khi không đạt được yêu cầu, trẻ nghiễm nhiên không nghe lời cha mẹ và tìm kiếm sự tốt hơn ở bên ngoài, một khoản "hối lộ" lớn hơn từ những người xung quanh. Từ đó, đứa trẻ dễ bị dẫn dụ bởi kẻ xấu.

Vì thế, không nên hối lộ trẻ một cách thái quá mà cần phải phân định rõ ràng, việc nào trẻ có trách nhiệm phải làm và việc nào trẻ sẽ được thưởng vì cố gắng, nỗ lực của mình.

Theo Eva