Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Để con trẻ tự lớn lên...


Các nhà làm truyền hình Nhật đã không chỉ xem thiếu nhi là một mảng “thị trường giải trí " cần đáp ứng, mà còn chủ động tham gia vào sự nghiệp giáo dục bằng những hình thức mới lạ, độc đáo. Trong khi đó, giáo dục ta nhồi sọ trẻ con, còn các hình thức giải trí cũng lặp lại, cũ mòn… Chưa hết bất ngờ với loạt chương trình dài tập Trò chuyện với Chú Chó Trắng, VTV tiếp tục tung ra loạt phim tài liệu hết sức thú vị mang tên Con đã lớn khôn - bản quyền cũng của truyền hình Nhật bản. Một đằng dạy con trẻ bằng quan sát đủ loại trò chơi sáng tạo, một đằng “đẩy” chúng vào những thử thách buộc chúng phải một mình giải quyết. Khoảnh khắc lớn khôn không chỉ dành cho các em nhỏ tham gia cuộc chơi, mà còn kích thích cả những người lớn và trẻ nhỏ khác khi theo dõi... 1. Dạy con kiểu… Nhật: Một cô bé 5 tuổi dắt cậu em trai 3 tuổi đi siêu thị sắm đồ cho mẹ: một cái nồi lớn. Bánh. Và vài thứ linh tinh. Tất cả chất vào cái thùng giấy lớn, cồng kềnh. Đường xa. Phải đi xe buýt, qua mấy con đường lớn. Tối mịt. Mưa rơi. Cậu em khóc nhè đòi mẹ và nhất định không chịu giúp chị khiêng thùng đồ về. Lại còn định ngồi ì giữa đường không đi tiếp. Cô bé phải cư xử sao cho ra dáng chị: vừa dỗ em nín, vừa tìm cách mang cái thùng nặng về nhà, vừa phải chế ngự nỗi sợ hãi, mệt mỏi và thất vọng của riêng mình. Người mẹ trẻ của bé, vốn là nhân viên trạm xăng, sống một mình nuôi hai con từ khi chồng cô bỏ đi, đã chấp nhận cho cả hai bước vào thử thách mà không chạy tới giúp, vì cô muốn các con cũng có tinh thần tự lập. Rất nhiều người mẹ trong chương trình này đã bật khóc khi đứa con bé bỏng của họ về tới nơi. Tả tơi vì đường xa, mưa gió, sợ hãi. Nhưng khoảnh khắc ôm con vào lòng, họ tin rằng từ đấy chúng vừa lớn lên, bởi vừa ý thức được trách nhiệm làm chị, làm “đàn ông” , làm một người bạn biết chia sẻ với bạn ốm, biết chào từ giã cho dù chỉ là một chú dê con khi chuyển nhà, hay đơn giản chỉ là biết vượt qua nỗi sợ hãi khi một mình xuống phố… Chiếc máy quay đóng vai trò quan sát. Ngay cả khi các “anh hùng tí hon” bật khóc ngêu ngao và tưởng chừng đã bỏ cuộc. Nó kiên trì chờ đợi để chứng tỏ là con cái chúng ta có thể dũng cảm, nghị lực hơn chúng ta tưởng thế nào. Không biết bao nhiêu thước phim đã được “đốt” cho cuộc chứng tỏ ấy. Bù lại, những người làm truyền hình có thể tự hào ghi tên mình dưới một chương trình độc đáo, hơn thế, như những người rất sáng tạo tham gia vào quá trình giáo dục con trẻ, bắt đầu bằng cách thay đổi quan niệm giáo dục con cái từ bản thân cha mẹ chúng. 2. Và kiểu Việt: Một nữ khán giả không bỏ sót buổi phát sóng nào của loạt “Con đã lớn khôn” lắc đầu: Con trai tôi đã học lớp mười, cho nó đi xe đạp một đoạn tới trường đã thấy lo lắng. Đường đầy xe cộ, tai nạn. Sợ lắm. Rồi lại đưa đón cho yên tâm. Tính cho nó du học tại Mỹ năm lớp mười rồi cũng thôi, sợ lúc về không theo kịp bạn bè, chương trình học ở nước mình thì bạn biết rồi, rất nặng so với bên ấy”. Rất nhiều nỗi sợ hãi, từ xã hội, nhà trường “ban cho”, khiến các bậc cha mẹ một mặt luôn phải bao bọc lấy con mình, mặt khác lại tham gia dồn ép, vô tình đã kìm hãm sự trưởng thành, thậm chí còn trở thành một trong những nguyên nhân khiến chúng “xì trét”… Một đạo diễn chuyên làm chương trình cho thiếu nhi trên truyền hình thì gần đây cho biết anh đang làm tiết mục mới, nhưng công nhận rằng so với các chương trình đã có, nó không khác bao nhiêu. Công nhận rằng từ rối đến xiếc đến các chương trình ca múa nhạc, kể chuyện cổ tích trên các đài hay các sân khấu đều na ná nhau. Thậm chí có những tiết mục cũ mòn đến thảm hại: mười năm trước là thế, mười năm sau vẫn thế, vẫn là điệu nhạc ấy, con rối ấy, bụi bám đen thảm hại. Các câu chuyện cổ tích được kể một cách “thiếu kinh phí” đến làm thui chột cả trí tưởng tượng, nói gì đến “tham gia khơi gợi, giáo dục”. “Đúng là chưa có sáng kiến độc đáo cho giải trí của các em, để kích thích sáng tạo hay nghị lực của chúng kiểu “Anh Chó Trắng” hay “Con đã lớn khôn”. Vì ít ai nghĩ. Mà cũng vì thiếu kinh phí.” Cũng theo đạo diễn này, chương trình cho thiếu nhi ở bổn đài dường như là “bọt bèo” nhất. Có lẽ vì nó không quan trọng bằng các chương trình khác. Tiền ít, ngay cả các anh kỹ thuật viên cũng nản. 8 giờ vào phòng thu, 11 giờ đã muốn nghỉ ăn trưa. Đầu tư sơ sài. Thật khó xuất hiện kiểu "Anh Chó Trắng" hay Con đã lớn khôn trên truyền hình ta, bởi bản thân các nhà làm chương trình ta cũng đâu đã từng tiếp xúc với lối đào tạo sáng tạo kiểu đó? Tuy nhiên, khi báo chí, xã hội đang quyết liệt lên tiếng cải cách giáo dục, hi vọng những cách làm mới trên sẽ đưa ra những gợi ý hay cho việc làm chương trình cho thiếu nhi, góp phần cùng xã hội đào tạo những thế hệ mới sáng tạo hơn, tự tin và cũng giàu lòng nhân ái hơn… HẠ UYÊN(Tuổi Trẻ)