Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách dạy bé lớp 1 tính nhẩm bằng phương pháp Finger Math


Cách dạy trẻ lớp 1 tính nhẩm bằng phương pháp Finger Math giúp bé không cần đặt bút vẫn có thể cộng trừ các số có 2 chữ số nhanh chóng.

Toán học là môn học quan trọng giúp bé phát triển trí thông minh và suy nghĩ logic. Học toán giỏi ngay từ lớp 1 sẽ giúp trang bị cho bé các kiến thức cần thiết như khả năng phân tích, suy luận giúp bé thành công hơn trong cuộc sống sau này. Tuy nhiên nếu chỉ dạy bé học toán bằng lí thuyết khô khan có thể khiến bé cảm thấy nhàm chán không muốn học.

Vì vậy, các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng phương pháp học toán mới mang tên phương pháp Finger Math. Mẹ hãy cùng tìm hiểu về cách dạy trẻ lớp 1 tính nhẩm theo phương pháp này.

1. Phương pháp Finger Math là gì?

Finger Math là phương pháp học toán tư duy qua việc tính nhẩm bằng hai bàn tay. Trong phương pháp học toán truyền thống, bé chỉ có thể đếm đến 10 tương ứng với 10 ngón tay. Tuy nhiên, với phương pháp Finger Math, bé có thể đếm đến 30, 50, hay 99 một cách dễ dàng. Nhờ đó bé có thể cộng trừ trong phạm vi các số hai chữ số nhanh chóng.

Phương pháp Finger Math đã được áp dụng cho trẻ mẫu giáo và tiểu học khá thành công tại Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Canada, Hàn Quốc…

2. Ưu điểm của phương pháp Finger Math

Cách dạy trẻ lớp 1 tính nhẩm bằng phương pháp Finger Math là phương pháp tiến bộ, khoa học mang lại nhiều lợi ích cho bé. Khi tính toán bằng phương pháp Finger Math bé sẽ phải sử dụng các ngón tay nên sẽ phát triển khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa cơ thể và tư duy. Từ đó hai bán cầu não trái và phải sẽ hoạt động cân bằng.

Phương pháp tính nhẩm này giúp bé tính toán nhanh chóng và chuẩn xác. Bé có thể vừa học vừa chơi và hứng thú với việc học toán hơn bao giờ hết.

3. Quy tắc của phương pháp Finger Math

Cách dạy trẻ lớp 1 tính nhẩm theo phương pháp Finger Math, bố mẹ cần giúp bé ghi nhớ các quy tắc sau đây:

- Các ngón tay bên phải dùng để chỉ các số hàng đơn vị.

- Các ngón tay bên trái dùng để chỉ các số hàng chục.

- Số 0 tương ứng với việc nắm tay lại.

- Quy ước bàn tay phải tương ứng với các số hàng đơn vị: Số 1 giơ ngón trỏ; số 2 giơ (ngón trỏ và ngón giữa); số 3 giơ (ngón trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn); số 4 giơ (ngón trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn, ngón út); số 5 giơ ngón cái; số 6 giơ (ngón cái và ngón trỏ); số 7 giơ (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa); số 8 giơ (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn); số 9 giơ (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn và ngón út).

- Quy ước của bàn tay trái tương ứng cho các số hàng chục: số 10 giơ ngón trỏ; số 20 giơ (ngón trỏ và ngón giữa); số 30 giơ (ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn); số 40 giơ (ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn và ngón út); số 50 giơ ngón cái; số 60 giơ (ngón cái và ngón trỏ); số 70 giơ (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa); số 80 giơ (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn); số 90 giơ (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn, ngón út).

- Số có 2 chữ số được ghép từ số hàng chục và số hàng đơn vị tương ứng với việc ghép giữa các ngón tay trái và các ngón tay phải. Ví dụ số 11 thì bé sẽ giơ (ngón trỏ tay trái và ngón trỏ tay phải); số 17 bé sẽ giơ (ngón trỏ tay trái và ngón cái, ngón trở, ngón giữa) của tay phải.

- Khi duỗi ngón tay ra sẽ là phép cộng, khi co ngón tay lại sẽ là phép trừ

- Quy tắc phép cộng: khi ngón cái duỗi ra thì 4 ngón còn lại sẽ phải co lại.

- Quy tắc phép trừ: khi ngón cái co lại thì 4 ngón còn lại sẽ phải duỗi ra

4. Cách dạy trẻ lớp 1 tính nhẩm bằng phương pháp Finger Math

Finger Math là cách tính nhẩm rất đơn giản và dễ học. Mỗi ngày bố mẹ chỉ cần dành 1 tiếng để cùng bé học làm toán với hai bàn tay theo hướng dẫn dưới đây thì sau hai tuần bé sẽ thành thạo phép cộng trừ số có hai chữ số.

- Đầu tiên bố mẹ dạy cho bé nhớ các số từ 1 đến 9. Các số này đều nằm ở bàn tay phải nên bé sẽ học rất dễ dàng.

- Khi bé đã đếm thành thạo từ 1 đến 9, bố mẹ tiếp tục dạy cho bé đếm trong phạm vi 100.

- Sau đó bố mẹ bắt đầu dạy cho bé làm quen với các phép cộng trừ từ đơn giản đến phức tạp.

Nguồn http://phunusuckhoe.vn