Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách hay để trẻ không mắc bệnh tiêu hoá mùa lạnh


Bệnh tiêu hóa là một bệnh khá phổ biến, nhất là trong thời điểm mùa đông xuân thời tiết thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển. Các bác sĩ cảnh báo đây cũng là nhóm bệnh mà trẻ nhỏ rất hay mắc và cũng là nguyên nhân gây tử vong đáng tiếc ở trẻ em.

Các chuyên gia cho hay, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh đường đường tiêu hóa, trong đó có 3 nguyên nhân chính là nguyên nhân nhiễm trùng (bao gồm vi khuẩn, ký sinh trùng, virus, do khuẩn HP), ký sinh trùng - phát triển rất nhiều ở khu vực nhiệt đới như ở nước ta. Nguyên nhân thứ 2 là yếu tố thực phẩm và chế độ dinh dưỡng đang thay đổi góp phần sinh ra các bệnh đường tiêu hóa. Nguyên nhân thứ 3 là yếu tố môi trường và lối sống. Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác cũng sinh ra các bệnh đường tiêu hóa.

Lưu ý khi trẻ quấy khóc, đau bụng

Riêng ở trẻ em, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, ở trẻ em thì mô hình bệnh tật hơi khác so với người lớn, có 2 hệ thống bệnh rất hay gặp ở trẻ em đó là bệnh hô hấp và tiêu hóa. Trong đó bệnh tiêu hóa là nhóm bệnh rất hay mắc và cũng là nguyên nhân gây tử vong rất đáng tiếc ở trẻ. Bệnh lý ở trẻ em hay gặp và cấp tính vì trẻ non nớt, chưa có sức đề kháng tốt và có thể thành dịch. Nếu như ở người lớn chỉ là bệnh đơn lẻ thì ở trẻ em xuất hiện thành những vụ dịch, lây qua đường phân, miệng, nghĩa là lây qua đường tiếp xúc ăn uống, từ tay vào miệng.

Bệnh tiêu hóa là nhóm bệnh rất hay mắc và cũng là nguyên nhân gây tử vong rất đáng tiếc ở trẻ. Ảnh minh hoạ.

Theo PGS. Thuý, biểu hiện có thể quan sát được ở trẻ khi mắc bệnh tiêu hoá là trẻ quấy khóc, đau bụng. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ em đó là bệnh tiêu chảy, bệnh này cũng có nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau: do nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn. Trong nhóm tiêu chảy nhiễm khuẩn hay nhắc đến nhiều nhất ở trẻ em đó là tiêu chảy cấp do rotavirus, có thể thành dịch lớn và gây tử vong. Thứ hai là tiêu chảy nhiễm khuẩn do tả, thương hàn, lỵ, ngộ độc thức ăn, viêm gan A… Ngoài ra có thể thấy HP gây viêm dạ dày đường tiêu hóa, một số bệnh tay chân miệng vừa gây bệnh đường tiêu hóa, đường hô hấp.

Cắt đường lây truyền bệnh

Biết được đường lây truyền bệnh tiêu hoá, vậy làm thế nào cắt được đường lây truyền đó?. PGS. Thuý cho rằng, việc vệ sinh ăn uống rất quan trọng trong việc phòng bệnh đường tiêu hóa. Người lớn cần thực hiện và giáo dục trẻ thực hiện tốt vệ sinh cá nhân tự bảo vệ mình, thói quen tốt nhất là rửa tay hàng ngày trước bữa ăn sau khi đi vệ sinh, rửa tay tốt nhất là bằng dung dịch sát khuẩn trung tính giúp trẻ sạch sẽ, hạn chế đường lây truyền.

Bên cạnh đó là vệ sinh đồ chơi hàng ngày, không dùng chung khăn mặt, cho trẻ tiêm chủng phòng chống rotavirus. Khi có dấu hiệu bệnh xảy ra phải lập tức đưa đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng giải tuyết tốt, đừng để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Cha mẹ cần chú ý đến các biểu hiện quấy khóc, đau bụng ở trẻ. Ảnh minh hoạ.

Ăn đúng giờ

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc phòng chống các bệnh về tiêu hoá. Theo TS. Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, để phòng chống bệnh đường tiêu hoá trước hết cần phải chú trọng tới giờ giấc ăn. Vì cơ thể cứ đúng giờ ăn là sẽ tiết ra dịch vị, nếu ăn sai giờ thì cơ thể không tiết ra dịch vị, gây hại cho đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, cần phải để ý mức độ ăn: no hay không no. Nhiều người thường ăn quá no nê, trong đó có người lại ăn quá ít đều không tốt. Cách đúng là phải ăn ở mức độ cảm thấy no vừa phải, đủ. Không nên ăn trước khi đi ngủ, vì trước khi đi ngủ các dịch tiêu hóa cần phải nghỉ ngơi.

Cha mẹ cần phải đa dạng hóa thực phẩm, cắt nhỏ thực phẩm và lựa chọn ăn các thực phẩm có tác dụng trung hòa, hỗ trợ cho bệnh tiêu hóa. Không cho trẻ ăn các loại thực phẩm đã đóng gói, đã chế biến, qua chiên xào nhiều lần. Trong một số trường hợp, cần phải tránh tiêu thụ đường, cần ăn nhiều chất xơ.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn