Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

GIÁO DỤC MẦM NON SAU 5 NĂM ĐỔI MỚI: Trẻ đến trường tăng, biên chế giáo viên lại giảm


Trẻ mầm non đến lớp mỗi năm tăng bình quân 230.000 em, bữa ăn trưa của trẻ vùng khó khăn đã đầy đặn hơn, giáo viên mầm non (GVMN) được hưởng chế độ như GV các cấp học khác, cuộc sống đã ổn định hơn... là 3 trong số những thành công rõ nét nhất của giáo dục mầm non sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29 - NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Trẻ mầm non đến lớp mỗi năm tăng bình quân 230.000 em (ảnh minh họa). Ảnh: P.V

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng cả về quy mô, số lượng và chất lượng, ngành GDĐT vẫn sẽ phải đối mặt với những khó khăn về thiếu trường lớp, GV và vấn đề bạo lực học đường.

GV bớt khổ, học sinh đến trường đông hơn

Sau 5 năm thực hiện đổi mới theo Nghị quyết 29, giờ đây Trường Mầm non Dìn Chin (Mường Khương, Lào Cai) đã có nhiều chuyển biến.

Cô giáo Tải Thị Lê - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Dìn Chin - chia sẻ: Từ ngày có Nghị quyết 29, giáo dục mầm non được quan tâm hơn nhiều. Mạng lưới cơ sở vật chất được đầu tư và phát triển, tỉ lệ phòng kiên cố hoá đầy đủ, đảm bảo thực hiện thành công phổ cập trẻ 5 tuổi và công tác nuôi dạy trẻ. 

Đội ngũ GV cũng được tăng số lượng, các lớp học đều đảm bảo 2 cô/lớp. Các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ đã đổi mới hơn theo hướng lấy trẻ là trung tâm. Với cô giáo Lê, ước muốn bây giờ chỉ là Nhà nước hỗ trợ thêm đối với trẻ 2 tuổi.

“Chúng tôi đã huy động được trẻ ra lớp nhưng chưa có chế độ chính sách cho đối tượng này. Vì thế, tôi mong muốn hỗ trợ thêm để phụ huynh có thể yên tâm gửi con tại trường thay vì phải theo bố mẹ lên nương, lên rẫy” - cô Lê nói.

Đã chục năm làm công tác quản lý, bà Đàm Thị Ngoan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Tâm (Bắc Quang, Hà Giang) bày tỏ: “Câu chuyện chính sách đối với GVMN khi áp lực công việc lớn mà lương quá thấp không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu đã trở thành vấn đề nhức nhối.

Một vài năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi Nghị quyết 06/2018/NĐ-CP được ban hành chính sách đối với GVMN đã có thay đổi và khởi sắc hơn giúp cho đời sống GV bớt phần khó khăn hơn. Khi đời sống GV ổn định hơn thì chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng có phần tốt hơn, chuyên môn được chú trọng hơn...

Tuy nhiên, GVMN vẫn cần được quan tâm hơn nữa vì hầu hết các cô đều phải làm việc từ 9 đến 12 tiếng/ngày chứ không phải chỉ 8 tiếng như quy định. Bên cạnh đó, gần như các trường mầm non xã vùng 2, vùng 3 trong khu vực rơi vào tình trạng không đủ GV vì các điểm trường xa, nhỏ... GV phải làm thêm giờ nhưng không có chế độ nên GV vẫn bị “quá tải”, bà Ngoan cho hay.

Về Nghị quyết 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, bà Ngoan kiến nghị xem xét hỗ trợ đối với các GV ở vùng 2-3 dạy lớp ghép từ 2-3 độ tuổi hay dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại các điểm trường chính giống như các GV ở điểm lẻ.

Trẻ đến trường tăng, biên chế GV lại giảm

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT) cho biết, việc thực hiện thành công các mục tiêu của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã tác động sâu rộng đến giáo dục mầm non, nâng cao nhận thức của toàn xã hội với giáo dục mầm non, tạo nên sự thay đổi căn bản và toàn diện cho giáo dục mầm non. Tất cả GVMN đã được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như GV các cấp học khác.

Chính sách hỗ trợ chế độ ăn trưa đối với trẻ em hộ cận nghèo, hộ nghèo, trẻ em vùng đặc biệt khó khăn đã tác động đến chính sách huy động trẻ đến trường rất tốt. Mỗi bữa ăn dù chỉ có thêm 5.000 đồng/cháu nhưng chất lượng bữa ăn trưa đã được cải thiện đáng kể.

Cũng nhờ bữa ăn trưa này mà trẻ em ở đây đã hào hứng hơn với việc đến trường, gia đình cũng yên tâm hơn khi gửi các em đến lớp. Bên cạnh đó, đời sống GV cũng đã ổn định hơn khi được quan tâm nhiều hơn về tiền lương, chế độ hỗ trợ GV vùng cao hay phụ cấp lâu năm.

Bên cạnh những thành công đã đạt được, ngành GDĐT phải giải quyết “bài toán” thiếu trường, thiếu lớp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ông Vũ Bá Minh cho hay: Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh các giải pháp phát triển trường lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn, khoa học, hiệu quả, phù hợp.

 

Nghị quyết 29 thay đổi nhìn nhận, sự quan tâm về giáo dục mầm non

ĐBQH khoá XIII Bùi Thị An nhận định: Nghị quyết 29 đã nhấn mạnh tới việc chú ý học sinh từ lúc còn bé ở bậc giáo dục mầm non với vai trò quan trọng của bậc học đầu đời hay bậc học nền tảng để tạo đà cho các bậc học tiếp theo.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn, sự quan tâm tới bậc học này vẫn chưa thực sự tương xứng. Chúng ta thấy rằng, mặc dù thời gian qua, giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận song vẫn còn rất nhiều khó khăn đối với bậc học này.

Để tạo điều kiện cho bậc học mầm non phát triển, Nhà nước cần có cơ chế chính sách để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp theo hướng chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ mầm non.

Cùng với đó, đặc biệt chú trọng tới đội ngũ giáo viên hiện đang phải thực hiện nhiệm vụ nặng nề khi vừa nuôi, vừa chăm, vừa dạy. Muốn có đội ngũ tốt, chúng ta cần chú ý đến chế độ lương, bảo hiểm để giáo viên yên tâm công tác. Công tác tuyển chọn, đào tạo giáo viên cũng cần được quan tâm hơn, tuyển chọn những giáo viên có trình độ và đạo đức tốt, có tâm với nghề để công tác giáo dục tốt hơn, không để tình trạng bạo hành trẻ xảy ra.

Về khó khăn về thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, Bộ GDĐT cần có nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ các chính sách phải đảm bảo đội ngũ giáo viên về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giáo viên mầm non được xã hội tôn vinh, được trả lương xứng đáng với vị trí và tính chất nghề nghiệp.

“Trẻ em dù có sinh ra trên đỉnh núi cũng cần phải được học tập giống với trẻ em ở giữa thành phố. Đó là mục tiêu chúng ta cần hướng đến và Bộ GDĐT cần có giải pháp để thực hiện” - bà An nhấn mạnh.

H.N

 Nguồn https://laodong.vn