Cảm cúm ở trẻ em: làm sao để bé nhanh dứt bệnh
Vào thời điểm chuyển mùa, trẻ nhỏ thường dễ mắc bệnh cảm cúm do hệ miễn dịch còn yếu. Có hơn 200 loại vi rút hô hấp được coi là nguyên nhân gây ra cảm cúm. Cảm cúm thường có thể tự khỏi nhưng kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cân nặng của trẻ, đồng thời mang lại không ít lo lắng, phiền toái cho gia đình. Một số ít trường hợp có thể dẫn đến biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, thậm chí nguy hiểm tính mạng…
Vì sao bé thường bị cảm cúm?
Nếu bé có những triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi liên tục thì có thể bé đã bị nhiễm cảm cúm. Mẹ đừng quá lo lắng vì các bác sĩ cho biết một em bé sinh ra khỏe mạnh có thể bị cảm lạnh đến 6-8 lần trong những năm đầu đời. Bởi giai đoạn này, hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, nên bé dễ bị lây nhiễm vi rút từ bên ngoài môi trường và mắc bệnh, đặc biệt là khi giao mùa.
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn M. D (Hà Nội) cho biết, cứ hễ thời tiết thay đổi, mưa ẩm là bé G. con gái chị 16 tháng tuổi lại sổ mũi, tịt mũi và hắt xì hơi, sau đó nóng sốt, quấy khóc lười ăn. Khi ấy, hết vợ chồng, bà nội, đêm đêm phải thay nhau bế, dỗ bé vì bé bị ngạt mũi khó chịu, mệt mỏi, không ngủ được. Tình trạng đó cả ngày lẫn đêm khiến gia đình ai cũng bị ảnh hưởng, "Vợ chồng mình đi làm lúc nào cũng ngáp ngắn ngáp dài vì thiếu ngủ. Khổ nhất là bà, ngày đã vất vả trông cháu, đêm khó ngủ mà chốc chốc cháu lại dậy gào", chị D kể.
Chị cho biết, không chỉ gia đình chị mệt mỏi mà hàng xóm nhiều khi cũng phàn nàn vì bị quấy rầy giấc ngủ đêm bởi tiếng kêu khóc của bé. "Mình rất xót con. Tình trạng này cứ tiếp tục thì cả nhà đến ốm hết mất, giờ đã stress lắm rồi. Mình chỉ ước làm sao để bé nhanh khỏi bệnh nhất mà thôi.", chị D. chia sẻ.
Theo các bác sĩ, mũi là cơ quan tiếp nhận nguồn bệnh cảm cúm đầu tiên đưa vào cơ thể. Trong quá trình hít thở, người ta có thể hít phải những loại vi rút gây bệnh. Ở người lớn, cơ thể đã tiếp xúc hàng trăm loại vi khuẩn, vi rút khác nhau, hệ miễn dịch đã hình thành khả năng đề kháng nên ít bị nhiễm bệnh hơn. Trong khi đó, trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ trong những năm đầu đời chưa tiếp xúc nhiều các loại vi rút gây cảm cúm, nên chưa có khả năng tạo miễn dịch và rất dễ bị lây nhiễm vi rút từ môi trường bên ngoài.
Làm sao để bé dứt nhanh cảm cúm?
Khi bắt đầu có những dấu hiệu đầu tiên của cảm cúm như chảy mũi, bắt hơi, ho, người bệnh sẽ bắt đầu có khả năng lây bệnh cho những người xung quanh qua vi rút có trong chất nhầy từ dịch mũi, miệng này. Trẻ em là đối tượng rất dễ bị lây nhiễm vì chúng chưa biết cách tự bảo vệ cơ thể khỏi vi rút lan truyền trong không khí, bề mặt tiếp xúc. Nếu bé chạm tay lên bề mặt bị nhiễm vi rút và sau đó đưa lên miệng hoặc mũi thì sẽ bị lây nhiễm vào trong cơ thể.
Do đó, theo các bác sĩ, ngoài việc có một chế độ ăn cân bằng để tăng cường sức khỏe cho bé, giữ gìn vệ sinh trong gia đình để giảm thiểu sự lây lan nguồn bệnh; việc sử dụng các thuốc kháng vi rút xịt mũi ngay khi có các dấu hiệu cảm cúm đầu tiên hiện nay đang là một cách tiếp cận mới để tác động trực tiếp đến nguyên nhân gây cảm cúm là vi rút, chứ không chỉ điều trị giảm nhẹ triệu chứng như các thuốc cảm cúm thông thường khác. Các sản phẩm xịt mũi kháng vi rút theo cơ chế này sẽ tiêu diệt vi rút hiệu quả, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập mới của vi rút vào cơ thể qua đường mũi, nên có thể giúp dứt sớm các triệu chứng khó chịu của cảm cúm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn
|