Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hội chẩn trực tuyến telemedicine cứu nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng ở tuyến dưới


Một ca hội chẩn qua smartphone với BV Bạc Liêu, các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 nhận định em bé bị tay chân miệng độ 3. Tuy nhiên các bác sĩ tuyến trên vẫn khuyến nghị tuyến dưới tiếp tục điều trị cho bệnh nhi với sự hỗ trợ từ BV Nhi đồng 1. Bệnh nhi này đã được cứu sống.

Trong hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng và sởi 26 tỉnh, thành khu vực phía Nam diễn ra tại Viện Pasteur TP.HCM chiều 10/10, PGS. TS. Phạm Văn Quang (BV Nhi Đồng 1) chia sẻ như vậy.

Một ca tay chân miệng nặng ở BV Nhi đồng Cần Thơ sau khi hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 nhận thấy bệnh nhi đang tiến triển nặng với nhịp tim đập nhanh nên đã yêu cầu BV Nhi đồng Cần Thơ chuyển gấp bệnh nhi lên BV Nhi Đồng 1. Bệnh nhi bị tay chân miệng nặng ở Cần Thơ hiện đang điều trị ổn định tại BV Nhi đồng 1.

Những bệnh nhi tay chân miệng nặng được điêu trị cách ly tại BV Nhi đồng 1. Ảnh tư liệu (An Quý)

Một trường hợp tay chân miệng độ IV ở BV Tiền Giang cũng được chuyển lên BV Nhi đồng 1 sau hội chẩn trực tuyến với tuyến trên. Bé hiện đã cai máy thở.

“BV Nhi đồng 1 đã triển khai đào tạo liên tục qua trực tuyến về sốt xuất huyết, tay chân miệng, duy trì thực hiện 2 tuần/lần. Tính từ năm 2017 đến nay, BV Nhi đồng 1 đã thực hiện 55 buổi với 3108 lượt nhân viên y tế tham dự,” TS. Quang cho biết.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị tuyến trước, BV Nhi đồng 1 đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật theo đề án bệnh viện vệ tinh như lọc máu cho Long An, Cần Thơ, Cà Mau (6 chuyến/tỉnh); hồi sức hô hấp và hồi sức sốc cho Long An và Cà Mau; huấn luyện thở máy cho 342 bác sĩ và điều dưỡng tại Bến Tre, An Giang, Gia Lai, Kiên Giang, Huế, Tiền Giang, Bình Định.

Dịch bệnh năm nay tương đối ổn định

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng dịch bệnh năm nay tương đối ổn định. Minh chứng, sốt xuất huyết thấp hơn khoảng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng cũng thấp 20% cùng kỳ năm 2017; riêng sởi có vắc xin phòng ngừa, so với giai đoạn 2010 - 2014, cũng thấp hơn rất nhiều.

“Dự phòng đã chủ động đi trước để dịch bệnh không bùng phát trước những yếu tố nguy cơ. Chúng ta đã dự đoán vào tháng 9, tháng 10, dịch tay chân miệng có thể tăng do tựu trường và nếu không làm tốt đến mùa xuân sang năm, sởi có thể bùng phát,” TS. Phu cho biết.

TS. Phu cho rằng, nhiều nơi chính quyền chưa vào cuộc trong khi y tế “lầm lũi” một mình chống dịch như kế hoạch tiêm vắc xin ngừa sởi, giải quyết vấn đề vệ sinh…

“Điều này đặt ra cho chúng ta phải giải quyết vấn đề xã hội chứ không đơn thuần là vấn đề chuyên môn phòng chống dịch bệnh nữa. Vì vậy, ngành y tế đừng làm một cách âm thầm mà phải tham mưu, kêu gọi sự đồng hành của chính quyền địa phương, xã hội,” TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Sởi là bệnh dễ lây nhưng đã có vắc xin phòng ngừa

Tính đến ngày 8/10, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 2.880 ca tay chân miệng nhập viện, 5.480 ca ngoại trú. Đặc biệt trong tháng 9, số ca bệnh liên tục tăng cao, lên đến 200 ca nội trú và  500 ca ngoại trú mỗi tuần. Cùng với bệnh tay chân miệng, bệnh sởi cũng có dấu hiệu gia tăng từ tháng 8 đến nay. Tính đến nay địa phương này ghi nhận 190 ca mắc sởi, trong đó xuất hiện các chùm ca bệnh với nhiều người cùng mắc.

Còn theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh này có 112 ca mắc sởi và hơn 3.000 ca bệnh tay chân miệng. Đây cũng là 1 trong 5 tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ có số ca bệnh tay chân miệng và sởi tăng cao trong thời gian gần đây. Tại TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2018 ghi nhận 4.066 ca bệnh tay chân miệng nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó thành phố cũng ghi nhận 132 ca mắc bệnh sởi.

PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nhận định, năm 2018, bệnh tay chân miệng và sởi các tỉnh phía Nam tăng cao chủ yếu ở khu vực miền Đông Nam Bộ gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có dấu hiệu gia tăng.

Qua điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TP.HCM, dịch bệnh năm nay có chiều hướng phát sinh ở các khu vực các khu công nghiệp, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai di biến động liên tục. Đến 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng.

Các chuyên gia dự phòng và truyền nhiễm khuyến cáo, tay chân miệng là bệnh lây theo đường tiêu hoá. Dịch bệnh phụ thuộc vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và cách ly điều trị.

Còn sởi, khác các bệnh khác, không có người lành mang trùng. Đã nhiễm sởi sẽ phát bệnh 100% và sởi là bệnh rất dễ lây. Những ai chưa mắc sởi mà không được tiêm phòng, nếu tiếp xúc với người bệnh sởi, chắc chắn sẽ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, miễn dịch sởi lại rất bền vững. Các ca mắc sởi đều chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không rõ ràng.

Phòng ngừa dịch bệnh nói chung, theo TS. Phan Trọng Lân, rửa tay trước khi ăn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đến 50 lần.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn