Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Làm sao để phát hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ mầm non?


Bệnh tay chân miệng có các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.


Tôi là giáo viên trường mầm non, thỉnh thoảng có các cháu bị nổi nhiều mụn nước ở lòng bàn tay, tôi rất sợ bệnh tay chân miệng. Vậy tôi xin hỏi làm thế nào để phát hiện bệnh tay chân miệng để báo cho phụ huynh của cháu, nguyên nhân, triệu chứng của bệnh như thế nào, cách điều trị và phòng bệnh?

(Ngọc Tiên - TP.HCM)

Trả lời:

Bệnh tay chân miệng, được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm, lây từ người sang người, dễ gây thành dịch, có tên khoa học theo tiếng Anh là Hand Foot and Mouth Disease, do hai nhóm gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Entero virus 71.

Về triệu chứng, sau khi xâm nhập vào cơ thể, virút vượt qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết và từ đó sẽ phát triển và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc. Bệnh khởi phát bắt đầu bằng các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày; khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường. Sau đó, bệnh biểu hiện với các triệu chứng điển hình bằng các vết loét miệng, là các mụn nước và bóng nước có đường kính 2 - 10mm, với bóng nước ở miệng thì thường khó thấy.

Vì các bóng nước ở niêm mạc miệng vỡ rất nhanh và tạo thành những vết loét, trẻ rất đau khi ăn, tăng tiết nước bọt. Bóng nước lòng bàn tay và lòng bàn chân có thể lồi lên trên da sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, ấn vào thường không đau. Bóng nước có kích thước từ 2 - 10mm, màu xám, hình bầu dục, nếu ở vùng vùng mông và gối thường xuất hiện trên nền hồng ban.

Về điều trị, hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Không nên dùng kháng sinh khi chưa có bội nhiễm. Nếu trẻ có sốt thì dùng thuốc hạ sốt bằng Paracetamol, uống với liều 10 mg/kg/lần, mỗi 6 giờ, chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38 độ C trở lên, hoặc lau mát. Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Cho trẻ nhập viện khi sốt cao ≥ 39oC, thở nhanh, khó thở, rung giật cơ, chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, co giật, hôn mê, yếu liệt chi, da nổi vân tím.

Về dinh dưỡng, trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn thức ăn mềm, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu, như bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, tàu hủ... Với trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ; cần vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tránh kích thích.

Về phòng bệnh, hiện nay vẫn chưa có vắcxin đặc hiệu để phòng bệnh, cho nên cần thực hiện tốt các biện pháp để phòng bệnh, đối với bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bằng cách thực hiện ăn chính uống sôi, thường xuyên rửa tay - chân bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ, rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%, đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho, cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh, thường ít nhất là 7 ngày.

Về cách phát hiện bệnh, bạn chỉ cần dựa vào các triệu chứng như đã trình bày phần trên, mà báo cho phụ huynh các cháu là được.

Theo Eva