Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh tay chân miệng xuất hiện chủng vi rút nguy hiểm gây tăng đột biến


Sự xuất hiện trở lại của vi rút Ev71 khiến dịch tay chân miệng lây lan trên diện rộng. Trước nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng, ngành y tế đang gồng mình triển khai các phương án phòng chống.

Hiện các bệnh viện nhi tại TP HCM bị quá tải do 60% số ca bệnh tay chân miệng được chuyển đến từ các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên

Vi rút Enterovirus 71 là “thủ phạm” gây ra trận dịch tay chân miệng lớn vào năm 2011. Từ đó đến nay, bệnh tay chân miệng tại TPHCM và trên cả nước có khuynh hướng giảm, chủ yếu là các trường hợp nhẹ, điều trị ngoại trú. Bệnh nhân tay chân miệng tại thành phố nhập viện điều trị nội trú hàng tuần khoảng 100 trường hợp, những lúc cao điểm có khoảng hơn 200 trường hợp.

Trước sự chuyển biến của dịch bệnh, ngành y tế TP HCM đang nỗ lực phòng chống, nhất là kiểm soát từ trường học, những nơi phát bệnh. Ngày 28-9, Sở Y tế TP HCM đã đến kiểm tra Trường Mầm non phường 1, quận 10, nơi vừa phát hiện 2 ca mắc bệnh TCM. Ca đầu tiên phát hiện vào sáng 22-9; đến sáng 24-9, trường phát hiện thêm ca thứ hai, cùng tại lớp Mầm 3 (trẻ 4 tuổi). Sau khi cách ly, theo dõi, điều trị 2 trẻ, trường đã vệ sinh bằng dung dịch Cloramin B với liều lượng gấp 10 lần tại lớp có bệnh.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, nhận xét trong 1 tháng qua, bệnh TCM tại TP tăng 47% so với tháng trước. Hiện toàn TP có 18.694 ca bệnh TCM, trong đó có 3.195 ca điều trị nội trú và 15.499 ca khám ngoại trú. Tháng 8 và tháng 9 hằng năm là thời điểm gia tăng số ca TCM theo mùa. Tuy nhiên, trong mùa dịch năm nay, chủng EV71 đã tái xuất - chủng virus này đã gây vụ dịch TCM lớn trên cả nước vào năm 2011, làm hơn 150 trường hợp tử vong (riêng tại TP HCM có hơn 30 ca tử vong). Đây có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh tại các tỉnh thành trên cả nước những tuần gần đây.

Tay chân miệng có thể phòng tránh bằng biện pháp rửa tay, giữ vệ sinh sạch sẽ

Theo ông Dũng, số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh, gần 60% ca bệnh TCM đang điều trị tại TP HCM được chuyển đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và miền Trung, Tây Nguyên đang gia tăng áp lực cho các BV tuyến cuối như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, khuyến cáo thời điểm này thực tế số ca mắc TCM so với năm 2017 không nhiều nhưng số ca nặng tăng hơn và chủng virus cũng nguy hiểm hơn.

Theo Viện Pasteur TP HCM thống kê tại khu vực 20 tỉnh phía Nam, số ca mắc TCM trong 9 tháng đầu năm 2018 giảm 31% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, số ca tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và cao hơn 50% so với cùng kỳ 2017. Đã có 6 ca tử vong do TCM ở phía Nam (Tây Ninh 2 ca; Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi tỉnh 1 ca).

Theo Sở Y tế, từ nhiều năm nay, phòng chống bệnh TCM là nội dung bắt buộc phải có trong kế hoạch phòng chống dịch chủ động hằng năm của TP và quận huyện, phường xã. Tại thời điểm này, các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, trong đó kiểm soát bệnh TCM cần được đặt lên hàng đầu tại các trường mầm non, nhóm trẻ.

Kiểm tra các lớp học, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cô giáo đặc biệt lưu ý đến việc cho trẻ rửa tay thường xuyên trước mỗi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. Đồ chơi, đồ dùng của trẻ cũng phải khử khuẩn thường xuyên, để tránh nguy cơ mầm bệnh lây lan.

Nguồn http://baodansinh.vn