Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao bố mẹ nên khám sàng lọc khiếm thính cho bé sơ sinh khi vừa chào đời?


Theo lời khuyên của bác sĩ, bố mẹ tuyệt đối không nên bỏ qua việc khám sàng lọc kiểm tra thính lực cho bé sơ sinh.


Thông thường sau khi chào đời, bé sơ sinh sẽ được kiểm tra, xét nghiệm để đảm bảo bé hoàn toàn khỏe mạnh. Các xét nghiệm này đều rất nhanh chóng và an toàn vì vậy bố mẹ không cần phải lo lắng. Đo chỉ số Apgar là bài kiểm tra đầu tiên được thực hiện sau khi bé chào đời từ 1 đến 5 phút.

Việc này hoàn toàn không đau đớn và chỉ thực hiện khám bên ngoài giúp các bác sĩ biết được màu da, nhịp tim, phản xạ kích thích, hô hấp và cử động của bé. Chỉ số này sẽ giúp đánh giá khả năng thích nghi với cuộc sống bên ngoài của bé.

Sau đó bé sơ sinh sẽ được thực hiện các xét nghiệm sàng lọc khác, trong đó mẫu máu của bé sẽ được xét nghiệm để phát hiện sớm các bệnh nội tiết, bệnh hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, dị tật tim bẩm sinh, bệnh xơ nàng và suy giảm miễn dịch kết hợp nặng (SCID)...

Khám sàng lọc khiếm thính rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

Một trong những bài kiểm tra được các chuyên gia khuyến cáo bố mẹ nên thực hiện cho bé sơ sinh là kiểm tra thính lực. Theo Tổ chức Hearing Foundation của Canada (tổ chức phi chính phủ chuyên thúc đẩy nghiên cứu về thính giác) việc kiểm tra sàng lọc thính giác rất quan trọng vì nó sẽ giúp bố mẹ biết bé có bị khiếm thính bẩm sinh hay không.

Tuy nhiên, do kiểm tra này không bắt buộc, cũng như không được đề xuất tại tất cả các bệnh viện nên nhiều bố mẹ bỏ qua bài kiểm tra quan trọng này. Vì vậy nhiều bé đến 2,5-3 tuổi mới được phát hiện bị khiếm thính. Việc phát hiện bệnh muộn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng theo kịp cuộc sống của bạn bè cùng trang lứa với bé. Đặc biệt khả năng phát âm, giao tiếp, kĩ năng xã hội của bé sẽ bị ảnh hưởng. Tại Canada, trung bình có 2000 bé sơ sinh mắc bệnh khiếm tính mỗi năm. Nếu bố mẹ khám sàng lọc thính giác cho bé từ khi mới sinh thì dị tật này có thể được phát hiện dễ dàng.

Vì vậy các chuyên gia đã kêu gọi khám sàng lọc thính lực cho bé sơ sinh và lời kêu gọi đã được hưởng ứng khắp nơi trên thế giới. Bác sĩ Selvarani Moodley là một chuyên gia thính học và trị liệu ngữ âm tại tổ chức Hi Hopes, một tổ chức giúp đỡ trẻ em khiếm thính có thể học tập và phát triển bình thường. Bác sĩ Moodley cho biết việc kiểm tra thính lực cho bé khi mới chào đời là việc cực kì quan trọng mà bố mẹ tuyệt đối không nên bỏ qua.

"Con người phát triển ngôn ngữ bằng cách nghe. Thính giác là cơ sở để xây dựng kĩ năng cảm xúc - xã hội, kĩ năng nhận thức và sau đó là khả năng đọc hiểu và các kĩ năng học tập. Ngôn ngữ không phải lúc nào cũng là những lời được nói ra. Ngôn ngữ có thể được thể hiện thông qua các kí hiệu. Vì vậy khi một đứa trẻ bị khiếm thính, em vẫn có khả năng tiếp cận với ngôn ngữ".

Nếu bé có dấu hiệu khiếm thính, mẹ cần cho bé đi kiểm tra. (Ảnh minh họa)

Bố mẹ có thể nhận biết những dấu hiệu khiếm thính ở bé sơ sinh thông qua hướng dẫn của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ như sau:

- Bé không giật mình khi nghe thấy âm thanh lớn, đột ngột.

- Bé không quay đầu về hướng phát ra âm thanh sau 6 tháng tuổi.

- Bé không nói được các từ đơn giản như "baba", "mama" khi được 1 tuổi.

- Bé quay đầu khi thấy người nhưng không trả lời khi được gọi.

- Bé chỉ nghe được một số âm thanh nhất định, còn lại không nghe được các âm thanh khác.

Nếu mẹ phát hiện ra bé có các dấu hiệu khiếm thính hãy cho bé đi khám càng sớm càng tốt.

Theo Eva