Cách xử lý khi trẻ em bị côn trùng cắn theo hướng dẫn của chuyên gia
Vết cắn của côn trùng có thể khiến làn da nhạy cảm của trẻ sưng đỏ, ngứa rát. Các bước xử lý theo gợi ý của chuyên gia dưới đây sẽ giúp cha mẹ chăm sóc vết thương cho bé đúng cách.
Dấu hiệu trẻ em bị côn trùng cắn
Làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương khi bị muỗi, kiến và các loại côn trùng cắn. Vết thương này sẽ nhanh lành sau một vài ngày. Tuy nhiên, tình trạng khó chịu, sưng đau sẽ khiến trẻ khó chịu, quấy khóc.
Làn da nhạy cảm của trẻ rất dễ bị côn trùng cắn gây sưng đau.
Cha mẹ có thể nhận ra dấu hiệu khi trẻ bị côn trùng cắn thông qua các vết đỏ xuất hiện trên da. Trẻ có thể bị ngứa, sưng tấy nhẹ và tự khỏi trong thời gian ngắn. Một số bé có cơ địa mẫn cảm, vết cắn sẽ trở nên sưng đỏ và phù nề. Đôi khi xuất hiện tình trạng nổi mụn nước, bóng nước do cơ thể trẻ phản ứng từ vết cắn, nọc độc, lông của côn trùng.
Khi trẻ bị một số loại côn trùng như kiến, ruồi, muỗi, rệp cắn, làn da sẽ có các vết hồng hơi sưng, ngứa. Trẻ bị kiến lửa cắn còn kèm theo triệu chứng sưng phù và mụn nước. Đối với các vết ong đốt, đặc biệt là ong vò vẽ, trẻ sẽ bị đau nhức dữ dội vì nọc độc trong vòi ong.
Trẻ bị côn trùng cắn có thể bị sưng đỏ, ngứa rát trong vài ngày.
Cha mẹ cần quan sát vết côn trùng cắn trên da trẻ để biết mức độ nghiêm trọng. Theo đó, trẻ bị côn trùng cắn mức độ nhẹ sẽ có biểu hiện đau nhức tại chỗ, các vết sưng đỏ sẽ từ từ giảm dần. Trường hợp nặng, trẻ bị côn trùng cắn có nguy cơ nổi mề đay toàn thân, khó thở, tay chân lạnh.
Làm gì khi trẻ sơ sinh bị côn trùng cắn?
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh – Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh) cho biết khi trẻ bị côn trùng cắn, cha mẹ có thể xử lý theo các bước sau:
Bước 1: Rửa vết thương bằng nước sạch nhiều lần.
Bước 2: Cha mẹ dùng khăn nhúng nước lạnh đắp lên vết cắn 20 phút để giảm độ sưng, giúp bé dễ chịu hơn. Đối với trẻ lớn lơn, cha mẹ nên cắt ngắn móng tay của trẻ, tránh trường hợp trẻ gãi ngứa gây trầy xước da.
Cha mẹ nên dùng khăn lạnh chườm mát vết côn trùng cắn ở trẻ em.
Bước 3: Nếu vết cắn trở nên sưng đỏ và gây đau cho bé, cha mẹ có thể dùng kem thoa chứa hydrocortisone (1%) hoặc bột nổi pha với 1 ít nước tạo thành dạng hồ sệt rồi đắp lên vết cắn.
Bước 4: Theo dõi tình trạng vết cắn trong vài ngày nếu không có dấu hiệu thuyên giảm, cha mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ.
Trẻ bị côn trùng cắn kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ để kiểm tra.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh khuyến cáo các bậc cha mẹ khi trẻ em bị ong đốt trên 10 nốt, có dấu hiệu mệt mỏi, sưng đỏ, khó thở và các triệu chứng phức tạp khác cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kịp thời xử lý.
Nguồn https://phunusuckhoe.vn
|