Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ba câu chuyện mẹ kể bé nghe dịp Trung thu


Các bé háo hức phá cỗ rước đèn dưới ánh trăng lung linh, xem múa lân rộn ràng, nếm những chiếc bánh thơm ngon. Trong đêm rằm tháng Tám, mẹ có thể kể cho con nghe sự tích Tết Trung thu, chiếc bánh nướng, đèn kéo quân để bé thêm yêu truyền thống, văn hóa tốt đẹp.

Sự tích Tết Trung thu

Chuyện xưa kể rằng, vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng Tám âm lịch. Trong đêm Trung thu, trăng rất tròn và sáng, không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn.

Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát. Trong giờ phút tuyệt vời ấy, nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.

Về tới hoàng cung, vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc nghê thường vũ y. Cứ đến đêm rằm tháng Tám, vua lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng. Ngài cùng với Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn, bày tiệc trong ngày rằm tháng Tám đã trở thành phong tục của dân gian.

Đường Minh Hoàng cho xây dựng ngay Vọng Nguyệt đài (Đài ngắm trăng). Giữa tháng đêm rằm, nhà vua lên Vọng Nguyệt đài thích thú ngắm trăng. Vua liền đặt ra Tết Trung thu khi rằm tháng Tám đến. Từ đó, Trung thu là tục lễ hàng năm, khi trăng tròn, tỏa sáng, có vũ nhạc Khúc nghê thường vang trong cung đường. Ngày nay, cùng với niềm vui ngắm trăng phá cỗ, Trung thu đã trở thành tết dành cho trẻ em.

Trẻ em mong đợi đón Tết Trung thu, được rước đèn dưới trăng, thưởng thức bánh nướng.

Sự tích chiếc bánh Trung thu

Một đêm Trung thu, trăng thanh gió mát, nhà vua Đường Minh Hoàng (Đường Huyền Tông) và Dương Quý Phi ăn bánh hồ đào và ngắm trăng. Nhà vua thấy tên bánh hồ đào nghe không lãng mạn nên mới gọi là bánh Nguyệt (bánh mặt trăng). Từ đó, bánh Trung thu được gọi là bánh Nguyệt. Về sau, dân gian vẫn gọi bánh Trung thu để chỉ loại bánh được thưởng thức vào đêm rằm tháng Tám. Người ta thường thưởng thức bánh với những thành viên trong gia đình để cảm nhận tình thân ấm áp.

Mẹ có thể lồng cảm nhận của chính mình về bánh Trung thu để kể cho con nghe. Câu chuyện hay sẽ đi vào trí óc trẻ thơ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc khó quên. 

Bánh Trung thu là món quà hấp dẫn để bé thưởng thức trong ngày trăng rằm.

Sự tích chiếc đèn kéo quân

Ngày xưa, gần đến dịp Tết Trung thu, theo lệnh Vua, dân chúng nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm cho vua vừa ý. Bấy giờ, có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức mồ côi cha, ở với mẹ rất hiếu thảo. Một hôm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra phán rằng:

- Ta là Thái Thượng Lão Quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng vua.

Hôm sau, theo lời dặn của Thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn. Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng Tám cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động nên rất hài lòng.

Khi vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng: “Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người gồm thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay luôn cũng nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức. Sáu mặt của chiếc đèn làm bằng giấy tươi sáng biểu hiện cá tính của con người”.

Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu màu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau. Tất cả những hình nhân trên đèn được làm bằng giấy. Vua ban thưởng cho mẹ con Lục Đức rất hậu và phong làm Vạn Hộ Hầu. Từ đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức, dân chúng đua nhau bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là đèn kéo quân.

Qua bài học làm người được lồng vào câu chuyện ý nghĩa chiếc đèn kéo quân, mẹ có thể khéo léo dạy bé đức tính tốt đẹp về lòng hiếu thảo.

Đèn lồng không thể thiếu trong dịp Trung thu, món đồ chơi mọi trẻ em đều yêu thích

Nguồn https://vnexpress.net/