Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

“Dắt túi” những cách này, con nghe lời răm rắp không cần quát mắng tiếng nào


Nhiều cha mẹ cứ nghĩ rằng phải quát mắng con mới nên người nhưng thưc tế không cần như vậy vẫn có thể khiến bé nghe lời.

Đưa ra các quy tắc rõ ràng

Bạn nên đặt ra các quy tắc trong gia đình một cách rõ ràng và giải thích cho con hiểu. Cha mẹ có thể viết ra các quy định rồi dán ở nơi mọi người có thể thấy như tủ lạnh, gần bàn học, trong phòng ngủ. Các vị trí dán quy tắc phải đảm bảo con bạn có thể đọc được hằng ngày. Từ việc đưa ra các quy tắc, trẻ sẽ làm theo để không vi phạm các quy định đã đặt ra.

Nghĩ cách xử trí khi con phạm lỗi

Bạn cần suy nghĩ trước về hành động của bản thân khi con phạm lỗi. Điều này giúp cha mẹ không hét lên khi con làm điều gì đó sai trái. Bởi vì, lúc đó, trong đầu bạn đã có phương án để đối mặt với tình huống này. Khi bạn đưa ra các quy tắc cần chú ý tới cách ứng xử trong trường hợp con mắc lỗi và giải thích cho trẻ về điều này.

Đưa ra cảnh báo với con trước khi phạt

Trước khi đưa ra hình phạt , cha mẹ cần đưa ra các cảnh báo với trẻ. Tuy nhiên, việc phạt con ngay hay chỉ đưa ra cảnh báo nếu còn tiếp tục sai phạm sẽ có hình phạt sẽ phụ thuộc vào lỗi sai của con. Có những hành động sai trái, bạn cần phải phạt trẻ ngay để không bao giờ tái phạm.

Làm theo những điều đã nói

Phụ huynh luôn có thói quen cảnh báo hậu quả nếu như con phạm lỗi. Tuy nhiên, bạn không thể chỉ mãi mãi cảnh báo. Bởi nếu bạn không có hành động cụ thể sẽ khiến trẻ nghĩ rằng khi làm sai chỉ phải nhận những lời cảnh báo. Vì vậy, khi con phạm lỗi, bạn nên thực hiện điều dã nói và cho con thấy những gì mà bản thân đã nói.

Nói cho con về những thay đổi các quy định trong nhà

Nếu bạn cảm thấy các quy tắc đưa ra không hiệu quả thì có thể thay đổi. Mỗi giai đoạn cần một quy tắc phù hợp. Khi con lớn lên, các quy tắc sẽ cần phải thay đổi. Tuy nhiên, cha mẹ không nên âm thầm thay đổi mà cần nói với con về sự thay đổi này để bé hiểu và chấp hành.

Tránh những lời tiêu cực

Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, cha mẹ nên chú ý dùng từ mang ý nghĩa tích cực hơn là tiêu cực. Thay vì nói "Không, không chơi nữa, chúng ta hãy cùng dọn dẹp", bạn nên nói "Chúng ta hãy cùng nhau dọn dẹp nào". Nếu cha mẹ đặt ra quy định về những điều được làm hơn những điều không được làm sẽ tạo ra cách suy nghĩ tích cực ở con cái.

Khen khi con làm điều tốt

Nhiều cha mẹ chỉ chú ý đến những việc làm sai của con và đưa ra các hình phạt nghiêm khắc. Họ nghĩ rằng làm như vậy thì con sẽ nên người. Tuy nhiên, thay vì chỉ quan tâm đến việc làm sai của con, cha mẹ nên nhận ra những hành động tốt của bé. Khi con làm được việc tốt, phụ huynh đừng ngại khen ngợi để bé tiếp tục phát huy.

Trở thành tấm gương cho con noi theo

Các quy tắc bạn đặt ra cho con không chỉ có ép buộc mỗi bé thực hiện mà phải được áp dụng cho tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu như cha mẹ yêu cầu con cái phải tôn trọng người lớn nhưng vợ chồng quát mắng nhau hoặc bất cứ ai trước mặt bé sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Cha mẹ phải là hình mẫu trong việc thực hiện các quy tắc đã đặt ra nhằm cho con học tập. Nếu bạn thường xuyên mắc lỗi, trẻ chẳng học được tính cách tốt từ bạn và sẽ không chịu nghe lời.

Thể hiện tình yêu thương với con

Sự kết nối giữa cha mẹ và con cái là rất cần thiết. Nhiều ông bố bà mẹ quá bận rộn với mưu sinh mà quên đi điều này. Ngoài công việc, bạn nên dành thời gian nhiều hơn cho con. Khi ở bên con hãy thể hiện tình yêu của bản thân với con. Việc thể hiện tình yêu thương với con của nhiều phụ huynh thường không được coi trọng, thậm chí có những người cho rằng không cần thiết. Tuy nhiên, việc cho con nhận thấy được vai trò quan trọng của bé với bạn có thể giúp thay đổi cách cư xử của con hiệu quả hơn.

Theo Eva