Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thực hư việc bế thẳng đứng khiến trẻ sơ sinh vẹo cột sống và cách bế đúng


Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ còn quá nhỏ nếu bế thẳng đứng sẽ gây tổn thương cột sống, điều đó có thật sự đúng?

Cơ thể trẻ sơ sinh còn non yếu, hệ thống xương và các bộ phận chưa phát triển toàn diện. Vì vậy cha mẹ luôn phải cẩn thận trong việc chăm sóc, đặc biệt là cách bế ẵm để không tổn hại xương sống của bé.

Trên thực tế, xương sống của trẻ sơ sinh hoàn toàn thẳng, rất mềm và yếu nên việc bế ẵm đúng tư thế có vai trò quan trọng cho sự phát triển cột sống. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ còn quá nhỏ nếu bế thẳng đứng sẽ gây tổn thương cột sống, điều đó có thật sự đúng?

Một số nghiên cứu của Học viện Nhi khoa Mỹ chỉ ra rằng, ở độ tuổi nào trẻ cũng có thể bế thẳng đứng nhưng các bậc cha mẹ phải biết cách bế trẻ sao cho không gây hại đến cột sống. Để cột sống phát triển bình thường, lực tác động vào cơ thể trẻ phải phù hợp, không quá mạnh, tránh làm bé đau.

Khi bế trẻ nằm ngang mẹ phải đặc biệt giữ mông, lưng và đầu của bé theo đường thẳng như vậy xương cột sống mới không bị cong vẹo và phát triển bình thường.

Ngược lại, nếu bế với tư thế thẳng đứng thì lực tác động lên xương sống của trẻ sẽ nhiều hơn, mẹ phải đặc biệt chú ý. Cách bế ẵm đúng nhất là một tay mẹ giữ mông, lưng của bé và áp sát vào ngực, tay còn lại đỡ phần đầu để bảo vệ xương cột sống cổ.

Mặc dù trẻ sơ sinh xương cột sống yếu, trọng lượng cơ thể nhẹ nhưng khi được bế đứng cột sống của bé hoàn toàn được cánh tay người lớn nâng đỡ. Mẹ chỉ cần làm đúng hướng dẫn, động tác nhẹ nhàng để không làm đau bé.

Những lưu ý khi bế trẻ với tư thế thẳng đứng

Cách bế ẵm đúng nhất là một tay mẹ giữ mông, tay còn lại giữ lưng và phần đầu của bé để bảo vệ xương cột sống cổ. (Ảnh minh họa)

Đầu, lưng và cổ của bé cần phải được nâng đỡ cẩn thận và nhẹ nhàng. Áp sát cơ thể bé vào ngực mẹ để lấy điểm tựa vững chắc. Điều quan trọng là khuôn mặt luôn nghiêng về một phía, tựa vào vai mẹ để đảm bảo bé thở dễ dàng. Điều này không gây hại cho xương sống mà còn khiến bé đi vào giấc ngủ dễ dàng.

Một số tư thế bế ẵm đúng nhất

Tư thế bế ngửa

Bế ngửa là tư thế truyền thống và phổ biến nhất, đối với trẻ từ 1-2 tháng tuổi cơ thể còn yếu nên bế ngửa là cách an toàn. Tư thế đúng là một tay mẹ đỡ lấy phần cổ và đầu của bé, cánh tay dọc theo lưng, tay còn lại đỡ phần mông.

Tư thế mặt đối mặt

Mặt đối mặt là cách bế ẵm bé thông thường các bà mẹ hay làm. Tư thế này mẹ có thể ngắm nhìn bé yêu một cách bao quát hơn hoặc nói chuyện với bé để tăng khả năng phản xạ.

Một tay mẹ đỡ đầu và cổ tay còn lại đặt lên mông, sau đó nâng bé lên trước mặt đến vị trí dưới ngực. Mẹ hãy trò chuyện, mỉm cười hoặc bộc lộ cảm xúc qua gương mặt để bé cảm nhận rõ hơn tình cảm của mẹ.

Tư thế nằm úp trên tay

Đây là tư thế thích hợp để xoa dịu tâm trạng của bé mỗi khi khóc, đặc biệt là khi hệ tiêu hóa của bé không tốt.

Đặt em bé nằm trên cẳng tay của mẹ, đầu gối lên khuỷu tay, đầu nghiêng một phía. Tay còn lại mẹ nhẹ nhàng xoa lưng, vỗ về để bé có cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên áp dụng tư thế này trong 3 tháng đầu bởi sau đó bé cứng cáp hơn, tay chân quậy phá khiến mẹ gặp khó khăn.

Theo Eva