Mách cha mẹ cách trị một số thói hư tật xấu phổ biến của trẻ
Nhân cách của một đứa trẻ sẽ hình thành ngay từ khi còn rất nhỏ. Vì vậy cha mẹ phải là người uốn nắn các con đúng cách để giúp trẻ hoàn thiện nhân cách lúc trưởng thành. Dưới đây là một số thói hư điển hình của của các bé, và phương pháp cha mẹ nên áp dụng để ngăn các thói hư trước nguy cơ trở thành tật xấu.
Ảnh minh họa
1. Khi con ăn vạ
Con ăn vạ là điều không còn gì xa lạ đối với những gia đình có trẻ nhỏ. Các bé có thể ăn vạ mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, trẻ sẽ ăn vạ nhiều hơn khi nhà có khách hoặc đang ở nơi công cộng.
Cách giải quyết:
- Nếu đang ở nhà, cha mẹ hãy để cho con một mình để các bé có thể tự suy nghĩ. Không được cho bất cứ ai can thiệp vào, đặc biệt là người ngoài, vì họ sẽ có tâm lý bênh các bé.
- Nếu ở nơi công cộng: Cha mẹ cứ bỏ đi, và để mặc trẻ ở đấy. Tâm lý các bé đều sợ chỗ đông người nên khả năng cao là các bé sẽ chạy theo cha mẹ, và quên đi việc mình đang ăn vạ. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý là mắt phải luôn dõi theo các bé để tránh bị lạc mất con.
Theo các chuyên gia giáo dục, người lớn phải để cho trẻ hiểu được rằng không phải bất cứ nhu cầu gì của các bé cũng được đáp ứng. Cha mẹ phải cực kì nghiêm khắc, nếu không các bé sẽ tái diễn chiêu ăn vạ vào lần tiếp theo.
2. Khi con phản ứng ngược - thiếu tôn trọng cha mẹ
Đây là trường hợp các bé “thách thức” cha mẹ. Tức là trẻ luôn khẳng định mình đúng, không thừa nhận lời khuyên từ người lớn và muốn khẳng định cái “tôi”. Rất nhiều hành vi như: Ném đồ đạc, la hét, thậm chí là cãi lại cha mẹ… Rất nhiều bậc phụ huynh ngay lúc đó chỉ muốn đánh các bé một trận vì hành vi “không coi ai ra gì”.
Cách giải quyết:
- Cha mẹ phải kiềm chế, giữ âm lượng giọng nói bình thường, Cha, mẹ hãy cứ phớt lờ đi và hãy gặp lại bé trong khi bé đã hoàn toàn bình tĩnh lại. Sau đó, giải quyết các khúc mắc bằng những câu hỏi như: “tại sao con lại hành động như vậy?”, “cảm giác của con ra sao khi con lớn tiếng với cha, mẹ?”, “có phải con không yêu cha, mẹ nữa không?”…
- Đưa ra hình phạt: Chúng ta nếu chỉ hỏi không thôi thì quá nhẹ nhàng với các bé, các con sẽ mau chóng quên đi, vì vậy cha mẹ hãy đưa ra một hình phạt thích đáng.
Ví dụ như: Yêu cầu con lau dọn toàn bộ nhà cửa, tịch thu một món đồ mà bé yêu thích…Phải để trẻ hiểu rằng cha mẹ là người mua đồ chơi mà con yêu thích, tuy nhiên khi các bé không còn tôn trọng cha mẹ thì đồng nghĩa với việc các bé cũng sẽ không có bất cứ món đồ chơi nào cả.
3. Thói tham lam
Sẽ là bình thường khi các bậc phụ huynh cho rằng ở mọi đứa trẻ đều có tính tham lam. Không sai, đứa trẻ nào cũng muốn dành phần hơn cho mình. Ví dụ như muốn được chia nhiều kẹo hơn, dành đồ chơi của bạn … không muốn chia cho các bạn khác.
Tuy nhiên, cha mẹ vẫn chưa hiểu hết được tính nguy hiểm của thói “tham lam” này - nó sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách sau này của trẻ, sẽ quyết định trẻ sau này trở thành con người như thế nào.
Cách giải quyết:
- Cha mẹ nên dạy bé cách như thế nào là đủ, không được phép lấy hết và dạy con biết cách đặt mình vào vị trí của các bạn khác.
- Hãy tạo cơ hội cho các bé thường xuyên chơi với nhau, tham gia các hoạt động từ thiện, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, để trẻ biết trân trọng hơn những gì mình đang có. Đây cũng là cách giúp trẻ xóa dần sự tham lam hiệu quả.
- Không chiều theo sự đòi hỏi quá đáng đấy của trẻ, vì nếu có một lần, các bé chắc chắn sẽ đòi hỏi vào lần tiếp theo.
- Cha mẹ hãy là tấm gương tốt cho trẻ noi theo. Trẻ bắt chước thói quen của bố mẹ rất nhanh. Nếu cha mẹ bộc lộ sự ích kỷ ngay trước mặt con thì đừng mong bé khác bố mẹ nhé.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn
|